Menu xem nhanh:
Hình ảnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị chậm đại tiện phân su (sau đẻ trên 24 giờ mới đại tiện phân su). Trẻ bị tắc hoặc bán tắc ruột với các biểu hiện lâm sàng sớm sau đẻ như: bụng chướng đều và tăng dần, da căng bóng; nôn ra sữa rồi cả dịch mật, dịch ruột; tiêu chảy do viêm ruột; quai ruột nổi, gõ vang;…Một dấu hiệu điển hình khi thăm khám là tháo ào ạt hơi và phân khi rút ngón tay sau thăm trực tràng và bụng bớt chướng hơn. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của bệnh phình đại tràng có thể bắt đầu từ tuần thứ 2, 3 sau sinh. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm ruột, thủng đại tràng.
Hình ảnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ từ 2 – 24 tháng
Với bệnh nhẹ, triệu chứng sẽ xuất hiện khi bắt đầu ăn sữa công thức, các loại sữa ngoài sữa mẹ. Các dấu hiệu thường thấy như táo bón kéo dài, ăn uống kém, chướng bụng, chậm lên cân, da xanh, suy dinh dưỡng. Khi bệnh nặng, trẻ bị viêm đại tràng do ứ đọng phân nặng, có dấu hiệu mất nước và rối loạn điện giải nặng, thiếu máu.
Hình ảnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ từ 3 – 15 tuổi
Hình ảnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ 3 – 15 tuổi cho thấy trẻ bị chướng bụng, quai ruột giãn, nổi, nắn bụng thấy khối phân rắn ở phía hố chậu trái. Cơ thể trẻ gầy yếu, tay chân nhỏ, chậm phát triển thể lực, mất cảm giác muốn đại tiện. Những trẻ này có tiền sử bị táo bón và phải thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng hoặc thụt đại tràng bằng microlax hay nước muối sinh lý.
Nguyên nhân và những bất ổn đi kèm phình đại tràng bẩm sinh
Tình trạng không có các tế bào hạch thần kinh ở đám rối của lớp cơ ruột tại một đoạn ruột, thường là ở trực đại tràng Sigma, có thể tới đại tràng trái, toàn bộ đại tràng và cả ruột non sẽ gây ra phình đại tràng bẩm sinh. Những em bé mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh có thể bị thêm các dị tật phối hợp như hội chứng Down, dị tật tim mạch, dị tật thần kinh… dù với tỷ lệ rất thấp. Bệnh này cũng có khả năng lây truyền trong gia đình, với tỷ lệ trẻ mắc bệnh có người thân từng bị phình đại tràng chiếm 3 – 6% tổng số các trường hợp mắc bệnh.