Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý ác tính thường gặp tại vùng đầu cổ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm thì bệnh sẽ tiến triển thành ung thư tuyến giáp di căn đến hạch bạch huyết vùng hoặc đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Menu xem nhanh:
1. Diễn biến của ung thư tuyến giáp giai đoạn di căn
Ung thư tuyến giáp được xác định đã di căn là giai đoạn xấu, giai đoạn cuối của bệnh với diễn biến phức tạp. Ung thư tuyến giáp có nhiều dạng mô học khác nhau, ở mỗi loại sẽ có những vị trí mà tế bào ác tính xâm lấn đến.
– Ung thư tuyến giáp thể nhú: Là thể chiếm tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất lên đến khoảng 90%. Ở thể này tế bào thường di căn hạch vùng, có thể di căn sớm ngay cả khi kích thước khối u còn nhỏ.
– Ung thư tuyến giáp thể nang thường di căn xa theo đường máu tới phổi và xương.
– Ung thư tuyến giáp thể tủy thường di căn theo cả hai con đường máu và hạch bạch huyết đến các cơ quan xa trên cơ thể.
– Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa đều được coi là ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Dạng bệnh này có khối u ác tính nhất, xâm lấn tại chỗ nhanh, tiên lượng sống kém.
Nhìn chung vị trí di căn thường gặp nhất của ung thư tuyến giáp là hạch cổ, và di căn xa đến các cơ quan phổi, gan, xương, não, v.v.
2. Triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối cùng của bệnh, người bệnh mắc ung thư tuyến giáp nói chung không chỉ phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh mà còn chịu tác động bởi các triệu chứng mà ung thư tuyến giáp di căn đến. Lúc này sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng nhiều, cần can thiệp điều trị và giảm nhẹ triệu chứng kịp thời để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
2.1 Triệu chứng chung của ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối
Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn thì các triệu chứng cũng sẽ trở nên rõ ràng, gây nhiều bất tiện cho người bệnh như:
– Có khối u ở cổ kích thước lớn, to rắn cố định trước cổ, hạch vùng cổ di động cùng bên với khối u
– Người bệnh nhận thấy bản thân bị khàn tiếng, mất tiếng, khó nuốt, nuốt vướng…
2.2 Triệu chứng ung thư tuyến giáp di căn hạch
Hạch vùng cổ là vị trí tế bào tuyến giáp ác tính di chuyển đến nhiều nhất. Khi hạch cổ phát triển, bệnh nhân có thể nhìn thấy, sờ thấy khối hạch cứng kém di động, có thể gây đau nhức hoặc không. Hạch đạt kích thước lớn sẽ gây chèn ép vào các cơ quan lân cân như thực quản, thanh quản hình thành nên các triệu chứng khàn giọng, khó nuốt…
2.3 Triệu chứng ung thư tuyến giáp di căn xa
Tùy vào cơ quan ung thư tuyến giáp di căn đến mà bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác nhau:
– Phổi: Khi những tổn thương thứ phát tại phổi lớn dần sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, người bệnh có thể sẽ gặp triệu chứng như: Đau ngực, khó thở, ho ra máu…
– Gan: Khi khối u mới hình thành tại gan, tùy vào mức độ phát triển của khối u mà người bệnh có thể gặp triệu chứng vàng da, vàng mắt, mẩn ngứa…
– Xương: Ung thư tuyến giáp khi đã xâm nhập vào xương sẽ gây ra những triệu chứng ảnh hưởng xấu đến xương như đau nhức, xương dễ gãy…
– Não: Là một điểm đến của ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Lúc này bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy đau đầu, buồn nôn, nôn, tê bì tay chân…
3. Tiên lượng sống cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối
So với các bệnh lý ung thư khác thì ung thư tuyến giáp được xếp vào nhóm bệnh có tiên lượng tốt. Phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm sẽ mang đến cơ hội sống cao cho người bệnh, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt khoảng 97-100%.
Ung thư tuyến giáp xâm nhập vào hạch cổ mặc dù được xem là giai đoạn di căn, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể được điều trị đạt kết quả tích cực bằng phẫu thuật và xạ trị i-ốt.
Ở giai đoạn tiến triển xa hơn đến các cơ quan xa trên cơ thể, tiên lượng sống của người bệnh đã giảm đi nhiều. Lúc này tùy vào mức độ xâm lấn của khối u, tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị nhằm đáp ứng được thời gian sống kéo dài, chất lượng cuộc sống được nâng cao, giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh. Tỷ lệ sống trên 5 năm của ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối là khoảng 28-51%.
4. Nên làm gì để hạn chế nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp
Để giảm khả năng, yếu tố nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp, bạn nên làm những điều sau đây:
– Nếu làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ… nên tuân thủ chặt chẽ quy trình bảo hộ để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
– Sử dụng chế độ ăn uống nhiều rau xanh, củ quả, đủ i-ốt, hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…
– Tự kiểm tra vùng cổ thường xuyên để phát hiện sớm sự khác lạ trên cơ thể.
– Tất cả những đối tượng có yếu tố nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp như: Người có lượng iốt trong cơ thể quá cao hoặc quá thấp, tiếp xúc với bức xạ ion hóa, thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp, gặp tình trạng bướu cổ, các bệnh tuyến giáp khác… nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp ít nhất một lần, và thực hiện các lần tầm soát tiếp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Ngoài ra, mọi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần để phát hiện sớm những bất thường về nội tiết để từ đó thay đổi và điều chỉnh sớm, tránh để diễn tiến thành ung thư.