Hay bị mất ngủ: Cẩn trọng nhiều bệnh lý nguy hiểm

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Nếu tình trạng mất ngủ chỉ thỉnh thoảng mới diễn ra thì bạn có thể không cần quá lo lắng nhưng nếu hay bị mất ngủ, giấc ngủ gián đoạn, chập chờn thì hãy cảnh giác vì đó có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm.

1. Hay bị mất ngủ là tình trạng gì?

Thông thường người trưởng thành thường ngủ 7-8 tiếng/đêm. Đó là thời gian cần thiết để các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể diễn ra, giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi. Tuy nhiên hiện nay không ít người gặp phải các bất thường về giấc ngủ, khiến không những thời gian mà cả chất lượng giấc ngủ giảm đi. 

Các triệu chứng mất ngủ bao gồm:

Người bệnh khó đi vào giấc ngủ ban đêm, có khi nằm thao thức mãi mà không ngủ được.

– Nhiều người dễ ngủ nhưng giấc ngủ đứt đoạn, chập chờn, không sâu

– Bệnh nhân tỉnh dậy nhiều lần lúc nửa đêm và rất khó ngủ trở lại

– Người bệnh dậy từ rất sớm

– Cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy, dường như chưa được ngủ

Có những người thỉnh thoảng mới bị mất ngủ, dưới 3 lần/tuần hoặc tình trạng mất ngủ kéo dài dưới 1 tháng. Nhưng một số khác lại hay bị mất ngủ, thậm chí mất ngủ liên tục trên 1 tháng hoặc trên 3 buổi 1 tuần. Những trường hợp này được gọi là mất ngủ mạn tính. 

Mất ngủ có thể chỉ là phản ứng của cơ thể khi thay đổi múi giờ, nhịp sinh hoạt,… nhưng cũng có thể cảnh báo các bệnh lý từ đơn giản đến nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Hay bị mất ngủ có nguy hiểm không

Hay bị mất ngủ có thể cảnh báo một số bất ổn của cơ thể, trong đó có các bệnh lý.

2. Mất ngủ thường xuyên là dấu hiệu của bệnh gì?

Mất ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe hoặc bệnh lý như:

2.1 Bệnh dị ứng

Trong không khí có thể tồn tại một số chất gây dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, khói bụi,… Các tác nhân này có thể gây viêm đường mũi và kích thích sản xuất các chất gây nghẹt mũi vào ban ngày, có khi cả ban đêm. Điều này có thể làm gián đoạn giấc ngủ nghiêm trọng, gây ra bệnh mất ngủ.

2.2 Bệnh viêm khớp khiến người bệnh hay bị mất ngủ

Những người bị viêm khớp gặp khó khăn khi ngủ do cảm giác đau đớn, khó chịu, lo lắng thường trực. Ngược lại, việc thiếu ngủ cũng có thể làm tăng triệu chứng viêm khớp và làm gia tăng tình trạng đau.

2.3 Bệnh tim mạch

Bệnh động mạch vành có thể gây ra những triệu chứng đau ngực, khó thở, tim đập nhanh,… gây khó ngủ, mất ngủ. 

2.4 Bệnh tuyến giáp

Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, các chức năng trao đổi chất khác của cơ thể cũng tăng tốc. Điều này khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn, giảm khả năng thư giãn và chìm vào giấc ngủ.

2.5 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Đây là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ phổ biến ở những người nằm trong độ tuổi từ 45 đến 64. Khi trào ngược, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng ợ nóng, ho và nghẹt thở lúc nằm xuống. Một số người còn bị viêm nướu, đau họng, hôi miệng. Tất cả những điều này này đều có thể là tác nhân gây ra tình trạng mất ngủ.

2.6 Thay đổi nội tiết tố

Nguyên nhân này thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh, trên 50 tuổi. Sự thay đổi nội tiết tố ở giai đoạn này có thể khiến phụ nữ ngủ không ngon giấc.

2.7 Bệnh lý tâm thần

Trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, stress sau chấn thương, nghiện, tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ… là những yếu tố có thể khiến người bệnh hay bị mất ngủ.

2.8 Các rối loạn khác liên quan đến giấc ngủ

Điển hình là ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ… Đây là những dạng rối loạn giấc ngủ có thể liên quan đến chứng mất ngủ.

Các trường hợp mất ngủ thoáng qua thì nguyên nhân có thể do:

– Căng thẳng, stress

– Rối loạn nhịp thức – ngủ có thể xảy ra do thay đổi lịch làm việc hoặc chênh lệch múi giờ

– Sử dụng quá nhiều các chất gây nghiện và kích thích trong ngày hoặc sát giờ ngủ như cà phê, trà, thuốc lá, rượu,…

– Ăn quá no trước giờ đi ngủ

– Phòng ngủ không thoải mái, có quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm …

Nguyên nhân khiến bạn bị mất ngủ

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị mất ngủ

3. Chẩn đoán tình trạng mất ngủ

Việc chẩn đoán bệnh mất ngủ nhằm tìm kiếm nguyên nhân gây mất ngủ và mức độ mất ngủ, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. 

Các phương pháp chẩn đoán mất ngủ bao gồm:

– Tại chuyên khoa Nội thần kinh, bác sĩ sẽ hỏi bạn về thời gian bắt đầu ngủ và thức dậy, thời lượng ngủ mỗi đêm, mức độ buồn ngủ ban ngày, thời gian ngủ bao lâu,…

– Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp cận lâm sàng như xét nghiệm máu, đo lưu huyết não, đo điện não đồ, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ để kiểm tra các vấn đề y tế có thể liên quan…

4. Điều trị mất ngủ như thế nào?

Dựa vào chẩn đoán ban đầu, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp trị mất ngủ như:

4.1 Điều trị mất ngủ không dùng thuốc

Với những trường hợp nguyên nhân gây mất ngủ do thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường,… bệnh nhân thường chưa cần phải dùng thuốc mà chỉ cần thực hiện các biện pháp như:

– Vệ sinh giấc ngủ: Từ bỏ hoặc hạn chế các thói quen sinh hoạt xấu trước khi ngủ như ăn quá no, uống rượu bia, dùng chất kích thích, xem các thiết bị điện tử,… 

– Thư giãn: Điều chỉnh trạng thái tâm lý, tìm cách thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng, cũng là cách giúp dễ ngủ vào ban đêm.

– Tâm lý: Xác định những suy nghĩ và cảm giác tiêu cực, từ đó tìm cách loại bỏ những lo lắng ra khỏi tâm trí.

– Ăn uống khoa học: Bổ sung thực phẩm giúp ngủ ngon, đặc biệt là các món chứa nhiều vitamin nhóm B, magie và tryptophan. Hạn chế nạp chất béo như bơ, ăn các món xào, chiên, thịt xông khói, bánh kem…

– Sử dụng tinh dầu: Mùi hương dễ chịu của tinh dầu giúp thư giãn, nhờ đó cả cơ thể và tâm trí đều sẵn sàng cho giấc ngủ.

– Sử dụng thảo dược thiên nhiên: Một số loại thảo mộc dân gian chữa mất ngủ thường dùng như: tim sen, lạc tiên, hoa cúc, lá vông nem…có thể giúp cải thiện giấc ngủ tự nhiên tại nhà, an toàn, không gây tác dụng phụ.

– Châm cứu, massage: Những phương pháp trị liệu bằng y học cổ truyền giúp giải phóng các chất thúc đẩy giấc ngủ như hormone serotonin có tác dụng an thần.

Điều trị mất ngủ thường xuyên

Bệnh mất ngủ có thể điều trị bằng thuốc hoặc không dùng thuốc, tùy theo tình trạng bệnh.

4.2 Hay bị mất ngủ dùng thuốc gì?

Trường hợp mất ngủ mạn tính, người bệnh có thể được chỉ định thuốc ngủ có chứa các thành phần như: Eszopiclone, Ramelteon, Zaleplon, Zolpidem… giúp thư giãn tinh thần, giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng.

Tuy nhiên các loại thuốc chữa mất ngủ này có thể gây ra một số tác dụng phụ như: chóng mặt, buồn ngủ ban ngày, suy giảm nhận thức, phụ thuộc thuốc,… nên không được khuyến khích sử dụng lâu dài và được kê đơn có sự hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng mà nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để kê đơn phù hợp. Người bệnh tuân thủ đơn thuốc và báo ngay cho bác sĩ nếu như gặp bất cứ tình trạng bất thường nào.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital