Giảm cơn đau loét dạ dày, gợi ý 5 cách đơn giản tại nhà

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Những cơn đau loét dạ dày gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của người bệnh. Xử lý giảm đau đúng cách tại nhà giúp người bệnh dễ chịu hơn và hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả.

1. Đau loét dạ dày là gì?

Đau loét dạ dày là cơn đau do viêm loét dạ dày gây ra. Cơn đau thường xuất phát từ vùng thượng vị với mức độ đau tùy thuộc vào tình trạng bệnh mỗi người. Người bệnh có thể đau sau ăn 2-3 tiếng do hoạt động tiêu hóa ảnh hưởng tới vết loét hoặc đau khi đói bụng, đau lúc nửa đêm hoặc rạng sáng.

Nói về bệnh viêm loét dạ dày, đây là bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khiến lớp bảo vệ thành dạ dày bị bào mòn làm lộ ra các lớp bên dưới. Từ đó hình thành nên các tổn thương dạng viêm loét dẫn tới các triệu chứng khó chịu điển hình như đau bụng, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn,…

Đau loét dạ dày là gì?

Cơn đau bụng do loét dạ dày thường xuất phát từ vùng thượng vị với mức độ đau phụ thuộc vào tình trạng bệnh.

3. Gợi ý 5 cách giảm đau do loét dạ dày tại nhà

Bên cạnh việc thăm khám tại viện và thực hiện đúng chỉ định điều trị viêm loét dạ dày từ bác sĩ chuyên khoa, người bệnh có thể tham khảo thêm về các phương pháp giảm đau dạ dày có thể được áp dụng tại nhà một cách đơn giản và lành mạnh sau đây:

2.1. Thực hiện chế độ ăn khoa học

Bữa ăn cung cấp đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ chính là cách chữa lành đau dạ dày tại nhà hiệu quả đầu tiên cần thực hiện. Cụ thể, tăng cường chất xơ giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, tốt cho quá trình chuyển hóa và hấp thụ thức ăn.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế tối đa sử dụng các loại thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn có nhiều chất bảo quản, thực phẩm lên men, nhóm đồ uống có chứa chất kích thích,… Chúng sẽ khiến dạ dày bạn bị quá tải, tăng tiết acid dạ dày và khiến các vết loét thêm nặng, thêm đau.

2.2. Giảm đau loét dạ dày bằng gừng

Gừng là loại thực vật có tính ấm, tác dụng kháng viêm tốt. Đặc biệt gừng giúp giảm các triệu chứng như ợ chua, buồn nôn khi bị đau dạ dày cấp và mạn tính.

Bạn có thể sử dụng gừng trực tiếp như một loại gia vị, cũng có thể kết hợp cùng mật ong pha theo các công thức trà gừng cũng mang lại hiệu quả tốt.

Giảm đau dạ dày bằng gừng

Gừng là bài thuốc giảm đau dạ dày được áp dụng phổ biến.

2.3. Uống nước dừa

Nước dừa chứa một lượng lớn kali và magie giúp cung cấp điện giải nhanh chóng, thanh nhiệt và làm giảm các cơn đau do co thắt ở dạ dày.

Không chỉ vậy, nước dừa còn có tác dụng tăng khả năng kháng viêm, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Người bệnh đau dạ dày có thể uống trung bình 1 trái/ngày là đủ, không nên uống quá nhiều vì có thể gây lạnh bụng và khó tiêu.

2.4. Xoa bóp bụng

Xoa bóp bụng đúng cách có thể giúp xoa dịu và làm giảm các cơn đau do viêm loét dạ dày hiệu quả. Việc tác động vật lý lên vùng bụng đau có thể giảm các cơn co thắt hay kích thích quá mức ở dạ dày cùng tác dụng tăng tuần hoàn máu, tăng nhu động ruột và cải thiện hoạt động tiêu hóa.

Khi thực hiện xoa bóp có thể thêm vài giọt dầu nóng giúp nâng cao hiệu quả. Xoa theo hướng chiều kim đồng hồ và thực hiện liên tục từ 10-15 phút. Nên xoa sau khi ăn xong 1-2 giờ, không nên xoa khi vừa ăn no vì sẽ khiến dạ dày co bóp mạnh và càng thêm đau.

2.5. Chườm ấm giảm đau loét dạ dày nhẹ

Đối với những ca đau dạ dày ở mức độ nhẹ có thể xử lý tạm thời bằng uống một cốc nước ấm và thực hiện chườm ấm bụng. Biện pháp này khá đơn giản nên được ứng dụng cao và cũng đã được y học cổ truyền công nhận về hiệu quả của nó.

Lý giải được đưa ra đó là các mạch máu khu vực thượng vị sẽ được giãn ra khi chườm ấm và giúp tình trạng co bóp quá mức ở dạ dày được giảm thiểu, nhờ đó các cơn đau dạ dày cũng thuyên giảm theo.

Chườm ấm giảm đau dạ dày

Chườm ấm giúp giảm các cơn đau dạ dày nhẹ rất hiệu quả.

3. Điều trị đau dạ dày bằng thuốc

Như đã nói trước đó, những biện pháp nêu trên chỉ nhằm xử lý giảm đau tạm thời, việc người bệnh cần làm là thực hiện thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và chỉ định điều trị đúng phác đồ.

Bệnh viêm loét dạ dày có thể được điều trị tốt bằng thuốc. Bác sĩ sẽ lên đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện cả phác đồ điều trị. Thông thường, nhóm thuốc chữa viêm loét dạ dày được sử dụng bao gồm:

– Thuốc kháng acid.

– Thuốc giảm tiết acid.

– Thuốc ức chế bơm proton.

– Thuốc giúp tạo lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

– Thuốc diệt HP.

Lưu ý, người bệnh không tự ý mua thuốc hay sử dụng đơn kê của người khác, hãy kiên trì và tuân thủ đúng phác đồ được chỉ định. Bên cạnh đó, việc tái khám đúng hẹn cũng rất cần thiết giúp các bác sĩ đánh giá về hiệu quả dùng thuốc cũng như kịp thời xử lý những phát sinh bất thường.

Trên đây là những cách giúp giảm cơn đau loét dạ dày hiệu quả được áp dụng tại nhà. Trong trường hợp, các cơn đau bụng không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày một khó chịu hơn, người bệnh nên chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để nhận tư vấn và hướng dẫn xử lý đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital