Giải pháp cải thiện viêm loét niêm mạc miệng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm loét niêm mạc miệng là vấn đề răng hàm mặt khá phổ biến ở mọi đối tượng dù có thể ở mỗi người có tần suất mắc khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng viêm loét miệng thường khiến người bệnh khó chịu, cản trở hoạt dộng ăn uống, nói chuyện, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. Vậy phải làm sao để cải thiện tình trạng này? Theo dõi ngay bài viết để bỏ túi các phương pháp cực hữu ích nhé!

1. Viêm loét niêm mạc miệng là bị làm sao?

viêm loét niêm mạc miệng

Viêm loét niên mạc miệng là khi các mô mềm ở khoang miệng bị tổn thương và nhiễm trùng

Viêm loét niêm mạc miệng là tình trạng các mô mềm bao phủ bên trong khoang miệng (hay còn gọi là niêm mạc miệng) bao gồm lưỡi, má, môi, nướu bị tổn thương do nhiều nguyên nhân. Do vị trí nằm bên trong miệng ẩm ướt, dễ bị tác động nên khiến cho các tế bào gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chức năng tự phục hồi và chống lại vi khuẩn. Chính vì vậy cơ thể sẽ tự tạo ra phản ứng viêm để bảo vệ mình, dẫn đến tình trạng viêm loét.

Khi các vết tổn thương hở bị vi khuẩn tấn công nhiều dần sẽ dẫn đến tình trạng lâu lành và loét sâu hơn, thậm chí còn xuất hiện mủ trắng. Viêm loét tại niêm mạc miệng thường dễ tái phát bất chợt không theo chu kỳ,khiến người bệnh đau, xót, khó chịu khi hoạt động ăn uống, nói chuyện và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một số nguyên nhân dẫn đến viêm loét niêm mạc miệng bao gồm:

– Do nóng trong gây nhiệt miệng, khi ăn uống và nói chuyện tác động nhiều vào khiến vết nhiệt vỡ ra, lan rộng thành các vết viêm loét.

– Do các tác động vật lý như bỏng nhiệt khi ăn uống, cắn phải môi/má khi ăn, té ngã, va đập hoăc rủi ro khi thực hiện các thủ thuật nha khoa.

– Do tác dụng phụ của thuốc xạ trị điều trị ung thư.

– Do tác động của các chất hóa học như nước súc miệng quá đậm đặc, kem đánh răng cay nóng nhiều,…

– Bị nhiễm khuẩn ở người suy giảm miễn dịch, người suy nhược cơ thể, người hút thuốc lá nhiều và vệ sinh răng miệng kém.

– Do virus Varicella Zoster hoặc virus Herpes gây ra mụn nước trong miệng, khi mụn nước vỡ tạo thành vết loét.

– Rubella gây ra bệnh sởi với dấu hiệu là rát vùng niêm mạc khoang miệng, tạo thành các vết thương có phần trung tâm trắng, thường xuất hiện ở người bệnh 1-2 ngày trước khi xảy ra triệu chứng toàn thân.

2. Triệu chứng khi bị viêm loét niêm mạc miệng

Viêm loét niêm mạc miệng biểu hiện dưới dạng các vết lở loét hoặc đốm đỏ với hình dạng tròn hoặc oval. Các vết loét này thường có viền đỏ và bên trong trung tâm vết thương có mảng màu vàng, trắng. Viêm loét xảy ra có thể từ 1 cho đến nhiều nốt, có thể phân bố tập trung hoặc rời rạc trong niêm mạc miệng với mức độ nghiêm trọng và kích thước khác nhau.

– Loét aphthe nhỏ thường gặp với biểu hiện điển hình là 1 hoặc nhiều vết loét vùng niêm mạc miệng có đường kính <1cm, vết loét nông, nằm rời rạc hoặc tụ thành đám, có thể tự lành lại sau 7-14 ngày, không để lại sẹo.
– Loét aphthe lớn (còn gọi là bệnh Sutton) với các vết tổn thương có kích thước >1cm, lâu lành, có khi kéo dài nhiều tuần và để lại sẹo do hoại tử lan rộng.
– Loét Herpes: Số lượng vết loét rất nhiều, từ 10 vết trở lên, tụ thành từng chùm, khởi điểm là nhiều vết loét nhỏ kết hợp lại thành mảng loét lớn, thời gian lành trong khoảng 7-30 ngày

Ngoài ra có những dấu hiệu và triệu chứng sau thường được xác nhận khi sắp hoặc đang bị viêm loét niêm mạc: vùng má sưng, nóng, tấy đỏ và đau; nếu có vết loét thì sẽ thường gây ra cảm giác đau, xót, khó chịu khi nuốt, nhất là khi ăn uống, nói chuyện cọ vào. Bên cạnh đó, khi vết loét viêm nhiễm nặng, người bệnh sẽ có hiện tượng sốt cao, đôi khí mọc hạch ở góc hàm.

3. Giải pháp cải thiện viêm loét niêm mạc miệng

3.1 Vệ sinh răng miệng tốt

viêm loét niêm mạc miệng

Vệ sinh răng miệng tốt giúp giảm nguy cơ viêm loét niêm mạc miệng

Thực hiện tốt vệ sinh răng miệng hàng ngày là biện pháp đơn giản nhất giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn và các diễn biến nặng có thể xảy ra khi bị viêm loét niêm mạc miệng.

– Vệ sinh răng miệng sau khi ăn 30 phút hoặc 2 lần sáng và tối mỗi ngày. Đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải thường để dễ dàng điều tiết lực, lưu ý để đầu bàn chải không đụng vào các vết loét trong quá trình chải răng.

– Sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng sát khuẩn nhẹ dịu để làm sạch hoàn toàn khoáng miệng. Tránh chọn nước súc miệng quá mạnh, quá cay, nóng vì có thể khiến cho vết loét bị đau, xót và khó lành.

– Thay bàn chải mỗi 3 tháng, rửa sạch bàn chải trước và sau khi sử dụng, bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ để ngừa vi khuẩn sinh sôi phát triển, gián tiếp khiến cho tình trạng viêm loét miệng trầm trọng hơn.

3.2 Khám răng định kỳ

Không phải chỉ khi gặp các vấn đề về răng như sâu răng, đau răng, viêm lợi, nhổ răng chúng ta mới cần đến nha sĩ. Viêm loét niêm mạc miệng cũng là một bệnh lý răng hàm mặt, có khả năng xuất hiện do ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như răng bị mẻ, vỡ chọc vào niêm mạc gây tổn thương, dị ứng chất liệu trám răng, viêm lợi lan rộng,…

Đi khám răng định kỳ hoặc ngay khi cảm thấy có biểu hiện khó chịu do viêm loét sẽ giúp bạn kiểm soát đươc sức khỏe răng miệng, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.

3.3 Thay đổi chế độ ăn khi bị viêm loét niêm mạc miệng

Tình trạng viêm loét trong khoang miệng thường gây xót, đau đớn mỗi khi hoạt động vùng miệng, đau tăng cao khi ăn uống, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chế độ dinh dưỡng và sức khỏe chung của bệnh nhân trong thời gian bị loét miệng. Để người bệnh duy trì dinh dưỡng tốt và không khiến vết loét miệng nghiêm trọng, khó lành hơn, cần chú ý một số điều trong chế độ ăn:

– Uống nước xen kẽ trong bữa ăn giúp việc nuốt thức ăn dễ dàng hơn.

– Nên uống đồ uống mát, nước trái cây không quá chua để cung cấp vitamin cho cơ thể và làm dịu vết loét.

viêm loét niêm mạc miệng

Nên tránh ăn cam hoặc các hoa quả chua khi đang bị viêm loét miệng

– Tránh các loại trái cây chua hoặc có tính axit như cam, chanh, bưởi và các thức ăn có gia vị mạnh vì có thể gây kích ứng vết loét.

– Ăn thức ăn mềm ở nhiệt độ ấm hoặc nguội, tránh ăn đồ ăn nóng và các thực phẩm cứng, có cạnh sắc như rau củ sống, bánh quy, các loại hạt. Nếu tình trạng viêm loét niêm mạc miệng nặng, người bệnh nên xay nhỏ đồ ăn hoặc ăn những món có kết cấu mềm như: Súp, cháo, thịt xay, khoai tây nghiền, bánh ngọt, sữa,…

– Thi thoảng ngậm đá viên hoặc kem que không đường để làm dịu các vùng bị viêm và giảm đau tức thì.

– Không hút thuốc lá, uống rượu, bia, nước ngọt và các đồ uống có ga (không chứa cồn) nói chung khác trong thời gian bị loét miệng vì có thể gây kích ứng vết thương.

3.4 Sử dụng thuốc đặc trị cho viêm loét niêm mạc miệng

– Bôi ngoài vết thương: Một số loại thuốc giảm đau có dạng gel hoặc thuốc mỡ có thể được chỉ định bôi cho vết loét trong miệng để giảm đau, bảo vệ vết thương, sát khuẩn,…

– Uống thuốc điều trị triệu chứng: Thuốc giảm đau là thứ không thể thiếu khi bạn bị cơn đau do loét miệng làm phiền.Tuy nhiên không nên tự ý mua và uống thuốc khi không có sự kê đơn từ bác sĩ vì hầu hết những loại thuốc này chứa Aspirin hoặc các thuốc khác có thể dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu và khiến vấn đề chảy máu ở vết loét trở nên tồi tệ hơn.

3.5 Sử dụng các phương thuốc tự nhiên

Nếu như tình trạng viêm loét miệng của bạn không quá trầm trọng, bạn cũng có thể sử dụng các phương thuốc tự nhiên có ngay trong gian bếp của mình để giảm đau, kháng khuẩn và giúp vết thương mau lành hơn như:

– Súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày ngay khi vết loét xuất hiện cho tới khi hết triệu chứng hoặc vết loét lành hẳn. Nước muối có đặc tính sát khuẩn, làm sạch tốt và giúp giảm viêm hiệu quả.

– Thoa mật ong lên vết loét để kháng khuẩn và giảm sưng đau khi viêm loét miệng. Ngoài ra sử dụng mật ong ở giai đoạn mới chớm bị bệnh còn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp do viêm loét, nhiệt miệng.

– Đắp túi trà hoa cúc hoặc uống trà hoa cúc cũng là một cách cải thiện tự nhiên. Nhiều nghiên cứu cho thấy trà hoa cúc có tác dụng giảm đau nhẹ nhàng và làm lành vết thương rất tốt. Ngoài ra, hai chất Levomenol và Azulene trong trà còn có khả năng sát trùng, chống viêm hiệu quả.

Tóm lại, viêm loét niêm mạc miệng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau tuy nhiên không gây nguy hiểm mà chỉ khiến người bệnh khó chịu và cản trở khả năng ăn uống, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Việc xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để điều trị chính xác sẽ giúp tình trạng bệnh cải thiện nhanh chóng và hiệu quả. Nếu khi thực hiện các biện pháp cải thiện cơ bản được đề cập trong bài mà sau 2-7 ngày tình trạng viêm loét không thuyên giảm, hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tránh bỏ sót bệnh dẫn đến rủi ro không mong muốn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital