Do hệ miễn dịch chưa phát triển, trẻ nhỏ dễ bị viêm phế quản. Đó là một phần quá trình phát triển tự nhiên của trẻ. Khi viêm phế quản, thuốc kháng sinh là một trong những thuốc phụ huynh cho trẻ sử dụng nhiều nhất. Thực tế thì cho trẻ dùng kháng sinh điều trị viêm phế quản có đúng không? Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin giải đáp chi tiết thắc mắc vô cùng phổ biến này. Vì đây là vấn đề rất quan trọng, đọc ngay bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về viêm phế quản
Phế quản là một phần quan trọng của hệ hô hấp, giữ vai trò dẫn khí từ họng đến phổi. Phế quản có hai nhánh, mỗi nhánh đi vào một phổi, được cấu tạo bởi các lớp cơ bao quanh một lớp niêm mạc. Niêm mạc phế quản chứa tuyến nhầy. Tuyến này sản xuất chất nhầy giúp làm ẩm niêm mạc phế quản và làm ấm, loại bỏ tạp chất trong khí từ họng đến phổi.
Viêm phế quản là tình trạng mà trong đó, niêm mạc phế quản bị nhiễm trùng. Viêm phế quản có thể là một bệnh lý độc lập, cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác như cảm lạnh hay cúm.
Ở trẻ, viêm phế quản thường có một số triệu chứng phổ biến như sau:
– Ho: Trẻ có thể ho khan hoặc ho có đờm. Ho thường nặng hơn về đêm.
– Sổ mũi và nghẹt mũi: Viêm phế quản thường đi kèm sổ mũi và nghẹt mũi.
– Thở khó: Trẻ viêm phế quản có thể khó thở, đặc biệt là khi ho hoặc vận động.
– Thở khò khè: Khi thở, trẻ viêm phế quản có thể phát ra tiếng khò khè hoặc tiếng rít.
– Đau tức ngực: Viêm phế quản có thể làm trẻ đau tức ngực.
– Sốt: Một số trẻ có thể sốt nhẹ hoặc cao.
– Mệt mỏi: Trẻ thường mệt mỏi, uể oải, kém linh hoạt khi viêm phế quản.
– Biếng ăn: Viêm phế quản thường làm trẻ cảm thấy không thoải mái và chán ăn.
– Buồn nôn: Trẻ viêm phế quản thường buồn nôn, đặc biệt sau khi ho hoặc sau khi ăn.
Viêm phế quản có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm phế quản vẫn có thể biến chứng. Dưới đây là các biến chứng nguy hiểm nhất của viêm phế quản:
– Viêm phổi: Viêm phế quản có thể dẫn đến viêm phổi nếu vi khuẩn hoặc virus từ phế quản lan ra phổi. Viêm phổi có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, khó thở…, đòi hỏi phải điều trị nhanh chóng.
– Viêm màng phổi: Nếu nhiễm trùng tại phế quản lan ra màng ngoài phổi, trẻ có thể viêm màng ngoài phổi. Biến chứng này gây đau tức ngực và thở khó.
– Xẹp phổi: Một số trường hợp viêm phế quản có thể dẫn đến xẹp phổi, tình trạng mà một phần hoặc toàn bộ nhu mô phổi bị xẹp, khiến phổi giảm thể tích, làm trẻ khó thở, giảm khả năng trao đổi khí.
– Nhiễm trùng máu: Một số trường hợp nặng, vi khuẩn hoặc virus từ phế quản lan ra máu, trẻ viêm phế quản có thể nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng máu là một tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
– Suy tim: Một số trẻ có tiền sử bệnh lý tim mạch, có thể suy tim nếu viêm phế quản làm tăng áp lực máu.
Để hạn chế những biến chứng trên, điều trị viêm phế quản cho trẻ kịp thời là rất cần thiết.
2. Giải đáp chi tiết: Cho trẻ dùng kháng sinh điều trị viêm phế quản có đúng không?
2.1. Thuốc điều trị viêm phế quản do vi khuẩn
Viêm phế quản có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bệnh lý này đều là do virus gây ra. Các virus gây viêm phế quản phổ biến nhất có thể kể đến là rhinovirus, influenza virus, respiratory syncytial virus (RSV). Ngoài virus, vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis hay dị nguyên như phấn hoa, nấm, bụi… cũng có làm khởi phát viêm phế quản ở trẻ.
Vì virus là nguyên nhân phát sinh chính, viêm phế quản thường không được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Do đó, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi không chỉ không có lợi mà còn có hại, như gây kháng kháng sinh hay gây suy gan, suy thận.
Nếu phát sinh do vi khuẩn (khi trẻ viêm phế quản sốt cao, đờm và dịch mũi có mủ vàng hoặc xanh, đau tức ngực), trẻ có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm phế quản. Tuy nhiên, quyết định có sử dụng thuốc kháng sinh hay không vẫn phải dựa trên đánh giá cụ thể của bác sĩ.
Ngoài thuốc kháng sinh, để điều trị viêm phế quản do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê một số thuốc điều trị triệu chứng khác, như:
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen có thể được sử dụng để giảm viêm, giảm đau.
– Thuốc hạ sốt: Trẻ có thể sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt, giảm đau.
– Thuốc giảm ho: Thuốc này giúp trẻ giảm ho, làm dịu đường hô hấp. Dextromethorphan và codein là một số thành phần phổ biến trong các thuốc giảm ho.
– Thuốc giãn phế quản: Nếu trẻ khó thở, bác sĩ có thể kê thuốc giãn phế quản như albuterol để mở rộng đường hô hấp, giảm khó thở.
– Thuốc long đờm: Bác sĩ có thể kê thuốc long đờm như guaifenesin để làm loãng đờm, giúp trẻ dễ ho, khạc đờm hơn.
2.2. Thuốc điều trị viêm phế quản do virus và dị nguyên
Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị virus nên điều trị viêm phế quản do virus chủ yếu là điều trị triệu chứng với các thuốc tương tự như các thuốc được bác sĩ kê để điều trị triệu chứng viêm phế quản do vi khuẩn.
Đối với viêm phế quản phát sinh do dị nguyên, điều trị thường tập trung vào giảm triệu chứng dị ứng và cải thiện tình trạng hô hấp. Bên cạnh thuốc giãn phế quản, thuốc long đờm, trẻ còn có thể sử dụng một số thuốc dưới đây:
– Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi có thể được sử dụng để giảm nghẹt mũi.
– Thuốc kháng histamin: Các thuốc kháng histamin như cetirizine, loratadine, fexofenadine thường được kê để giảm triệu chứng sổ mũi.
– Thuốc kháng viêm corticosteroid: Thuốc kháng viêm corticosteroid như budesonide, fluticasone có thể được sử dụng để giảm viêm, giảm các triệu chứng sưng, đau, đỏ do dị ứng.
– Thuốc ức chế Leukotriene: Các thuốc ức chế Leukotriene như montelukast có thể kiểm soát dấu hiệu của dị ứng, đặc biệt là trong trường hợp viêm phế quản.
– Trị liệu miễn dịch: Trị liệu miễn dịch là phương pháp được xem xét cho trẻ dị ứng nặng, không đáp ứng thuốc. Mục tiêu của phương pháp này là tăng cường miễn dịch của trẻ đối với các dị nguyên.
Phía trên là câu trả lời của câu hỏi cho trẻ dùng kháng sinh điều trị viêm phế quản có đúng không. Hy vọng rằng với chúng, trẻ sẽ được bảo vệ an toàn trước viêm phế quản.