Trong những năm gần đây, việc tầm soát ung thư cổ tử cung đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ. Để giải đáp những thắc mắc xoay quanh kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung, bài viết này xin cung cấp thông tin tổng hợp và mang tới những câu trả lời cho chị em.
Menu xem nhanh:
1. Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?
Tầm soát ung thư cổ tử cung là quá trình áp dụng một số biện pháp kỹ thuật hay xét nghiệm để phát hiện sớm các dấu hiệu của căn bệnh ung thư cổ tử cung. Trong quá trình tầm soát, người bệnh thường được hướng dẫn thực hiện phương pháp xét nghiệm như phết tế bào cổ tử cung ( hay còn gọi là xét nghiệm PAP smear) và xét nghiệm HPV. Đồng thời, xét nghiệm PAP smear và HPV có thể được thực hiện cùng một lúc nên không gây nên tình trạng đau hoặc tổn thương ở phần phụ khoa.
Đối với mỗi độ tuổi sẽ có lựa chọn loại kỹ thuật và tần suất khám khác nhau
– Đối với phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29 tuổi, nên làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap smear/ Thin Prep với tần suất 3 năm/ lần. Tuy nhiên cần lưu ý xét nghiệm HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.
– Đối với phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi, nên thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test/ Thin prep với tần suất 5 năm/ lần nếu kết quả HPV âm tính. Và kết hợp thực hiện HPV và Thin prep hoặc Pap Smear hàng năm nếu kết quả HPV dương tính.
– Phụ nữ có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi khi không có tiền sử tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường ở các mức độ (trung bình/cao/ác tính) trong các lần tầm soát trước và có 3 lần liên tiếp kết quả Pap test bình thường/ HPV âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm, trong đó kết quả gần nhất nên được thực hiện trong vòng 5 năm.
2. Tầm quan trọng của tầm soát ung thư cổ tử cung sớm
Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 5.100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và đã có khoảng 2.400 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Và tỷ lệ này vẫn không ngừng gia tăng qua các năm. Hiện nay, ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây chết người thứ 2 trong các loại ung thư mà phụ nữ mắc phải chỉ xếp sau ung thư vú.
Đáng lo ngại nhất, ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung không có những triệu chứng rõ ràng và hầu hết người bệnh được chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. Lúc này, việc điều trị bệnh trở nên khá khó khăn và phức tạp, hơn hết, các phương pháp điều trị như phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, xạ trị hay hóa trị đều có thể gây biến chứng vô sinh, tước đi thiên chức làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.
Mặc dù ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và gánh nặng cho gia đình nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do khoảng thời gian hình thành và phát triển của tế bào ung thư cổ tử cung tương đối dài (từ 3 đến 7 năm), nếu được tầm soát (sàng lọc) kịp thời, các bác sĩ sẽ dễ dàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân dựa trên kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung.
3. Độ chính xác của kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư cổ tử cung hiện đang là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung có độ chính xác cao nhất so với các phương pháp khác, được giới y khoa toàn cầu thừa nhận từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, vẫn sẽ tồn tại trường hợp kết quả gặp sai sót do một số các nguyên đo như sai sót trong kỹ thuật lấy mẫu tế bào, khó khăn trong xét nghiệm,….
Để đảm bảo tính chính xác của xét nghiệm, phần lớn các bệnh viện cung cấp dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung đều được trang bị máy móc xét nghiệm hiện đại, sử dụng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cùng đội ngũ khám chữa bệnh gồm những y bác sĩ chuyên môn cao và các chuyên gia ung bướu hàng đầu. Điển hình có thể kể đến Bệnh viện Đa Khoa quốc tế Thu Cúc, tiên phong trong việc trang bị máy móc hiện đại cùng đội ngũ khám bệnh là các y bác sĩ đầu ngành và các chuyên gia ung bướu hàng đầu Singapore.
4. Giải đáp thắc mắc về kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung
4.1. Đối với các xét nghiệm HPV có kết quả bất thường
HPV có thể gây ra những biến đổi nguy hiểm ở tế bào cổ tử cung, nên xét nghiệm HPV được thực hiện bằng kỹ thuật giải trình tự gen, giúp phát hiện các loại HPV nguy cơ cao có khả năng dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Nếu kết quả xét nghiệm HPV âm tính là do không tìm thấy HPV có nguy cơ cao. Tùy vào độ tuổi và tiền sử bệnh mà bác sĩ có thể khuyến cáo tầm soát lại sau 5 năm hoặc có thể sớm hơn.
Nếu kết quả xét nghiệm HPV dương tính chứng tỏ bệnh nhân đang có một loại HPV nguy cơ cao và có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung. Kết quả không đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang bị ung thư cổ tử cung tại thời điểm đó. Tuy nhiên đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng bệnh ung thư cổ tử cung có thể phát triển trong tương lai. Dựa trên từng kết quả mà bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thêm hơn theo dõi và chẩn đoán bệnh. Những xét nghiệm này có thể bao gồm: nội soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung,…
4.2. Đối với các xét nghiệm PAP Smear kết quả bất thường
Phương pháp phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) là phương pháp tầm soát hàng đầu giúp phát hiện những biến đổi bất thường trong các tế bào nằm trong cổ tử cung. Trong hầu hết các trường hợp xét nghiệm Pap Smear đều cho ra kết quả bình thường, có nghĩa là không phát hiện ra những tế bào bất thường ở cổ từ cung. Tùy theo độ tuổi các bác sĩ sẽ hẹn tái khám sau 3 đến 5 năm.
Kết quả Pap Smear bất thường có nghĩa là một số tế bào ở cổ tử cung đã biến đổi. Tuy nhiên, cũng như xét nghiệm HPV, điều này không có nghĩa với việc bệnh nhân đang bị ung thư cổ tử cung tại thời điểm đó mà chỉ có nguy cơ mắc phải ung thư cổ tử cung. Dưới đây là một số thuật ngữ mà bác sĩ có thể sử dụng khi có kết quả bất thường:
– Các tế bào vảy không điển hình có ý nghĩa chưa xác định (ASCUS): Trong cổ tử cung khỏe mạnh/ bình thường sẽ có các tế bào vảy mỏng và phẳng. Trong trường hợp ASCUS, xét nghiệm Pap Smear cho thấy các tế bào vảy có dấu hiệu bất thường, nhưng chưa rõ ràng rằng có các tế bào ung thư cổ tử cung.
– Tổn thương dạng vảy trong biểu mô: Các tế bào được thu thập từ xét nghiệm Pap Smear có thể là các tế bào tiền ung thư. Nếu các tế bào biến đổi ở mức độ nhẹ, có khả năng sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể trở thành tế bào ung thư. Nhưng nếu biến đổi ở mức độ cao, các tê bào kia có nhiều khả năng phát triển sớm hơn thành tế bào ung thư cổ tử cung. Lúc này thì những kiểm tra chẩn đoán bổ sung là rất cần thiết.
– Tế bào tuyến không điển hình: Các tế bào này có thể khá bất thường, nhưng lại không rõ chúng có phải là tế bào ung thư hay không, vì vậy, các bác sĩ cần phải kiểm tra thêm để xác định nguồn gốc của các tế bào bất thường.
– Ung thư tế bào vảy hoặc tế bào ung thư biểu mô tuyến: Kết quả này có nghĩa là các tế bào được thu thập xuất hiện những bất thường đến mức gần như chắc chắn có ung thư.
4.3. Phải làm gì tiếp theo sau khi có kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường?
Nếu không may kết quả tầm soát có dấu hiệu bất thường, các chị em cần giữ bình tĩnh và làm theo những chỉ định của bác sĩ chuyên môn để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất về bệnh tình. Có thể các bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung,… đồng thời người bệnh nên được kiểm tra thường xuyên cho tới khi kết quả hoàn tất.
Bên cạnh dấu hiệu bệnh, sẽ có một số trường hợp xuất hiện bất thường do sai sót trong kỹ thuật lấy mẫu tế bào, khó khăn trong việc xét nghiệm và phiên giải kết quả hay những sai sót khi đọc kết quả do thiếu chuyên môn,… Vậy nên, không phải cứ có kết quả bất thường là khẳng định bị ung thư cổ tử cung. Và hy vọng bài viết trên đã giúp chị em hiểu hơn về các kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung.