Xét nghiệm GGT là một trong những xét nghiệm quan trọng trong đánh giá chức năng gan. Vậy GGT là gì, GGT tăng trong những trường hợp nào… Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thông tin trên.
Menu xem nhanh:
1. GGT là gì?
GGT (Gamma – Glutamyl Transferase) là một loại enzym được tìm thấy ở nhiều cơ quan như thận, lá lách, gan, tuyến tụy và ruột non. Hoạt động ở tế bào ống thận lớn hơn tụy 12 lần và lớn hơn gan 25 lần.
GGT là một trong những loại enzym có vai trò quan trọng để chẩn đoán ứ mật trong gan. Các bác sĩ cho biết, GGT có giá trị hơn các enzym khác vì nó rất nhạy cảm với sự thay đổi tình trạng ứ mật.
2. GGT tăng cao trong trường hợp nào?
Chỉ số GGT ngưỡng bình thường ở nữ dao động trong khoảng 7 – 32 Ul/l, nam khoảng 11 – 50 Ul/l. GGT tăng cao có rất nhiều nguyên nhân, cảnh báo gan của bạn có vấn đề.
Một số nguyên nhân khiến GGT tăng cao:
- Một số bệnh lý gan mật như ứ mật. Tình trạng ứ mật làm GGT tăng rõ, rất nhạy và sớm.
- Cảm ứng tổng hợp enzym: rượu, một số loại thuốc chống trầm cảm, chống động kinh, thuốc ngủ, chống tăng huyết áp, tiểu đường, chống đau thắt…
- Viêm gan nhiễm trùng
- Viêm gan cấp
- Xơ gan
- Áp xe gan
- Ung thư biểu mô đường mật
- Một số nguyên nhân khác: nhồi máu cơ tim, suy tim, sung huyết, tiểu đường, viêm tụy cấp…
3. Khi nào cần xét nghiệm GGT?
GGT được chỉ định để đánh giá tổn thương gan. GGT thường được chỉ định khi người khám có những biểu hiện như:
- Mệt mỏi mơ hồ ngay cả khi không lao động nặng nhọc
- Chán ăn
- Vàng da, vàng mắt
- Nước tiểu sẫm màu
- Thường xuyên buồn nôn, nôn ói
- Đau bụng, đau tập trung nhiều vùng hạ sườn phải
- Da dễ nổi mề đay, mẩn đỏ…
4. Cần phải làm gì khi GGT tăng cao?
Sau khi xét nghiệm, tùy thuộc vào nguyên nhân tăng chỉ số chức năng gan này mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cũng như những lời khuyên cụ thể, đặc biệt trong việc điều chỉnh lối sống sinh hoạt.
Người có GGT cao cần chú ý:
- Tuân thủ đúng chỉ dẫn điểu trị của bác sĩ
- Không hút thuốc lá, không uống rượu bia cũng như các chất kích thích có hại cho gan
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ mà thay bằng đồ luộc, thanh đạm.
- Tích cực ăn nhiều trái cây, rau xanh
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh kiêng khem quá nhiều
- Giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng thần kinh kéo dài
- Làm việc khoa học, ngủ đủ giấc
- Tránh tự ý sử dụng thuốc khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ…