Điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc hay điều trị nội khoa sỏi tiết niệu là cách người bệnh uống thuốc do bác sĩ kê đơn sau khi đánh giá chính xác tình trạng bệnh để giúp sỏi có thể đi ra ngoài theo dòng nước tiểu. Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu nhẹ nhàng nhất hiện nay. Vậy khi nào sử dụng thuốc trị sỏi tiết niệu, điều trị nội khoa sỏi tiết niệu cần lưu ý những điều gì, hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi tiết niệu là gì? Khi nào cần sử dụng thuốc để điều trị sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là tình trạng người bệnh có một hoặc nhiều viên sỏi với hình dạng, kích thước khác nhau xuất hiện trên đường tiết niệu là hai quả thận, hai niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Sỏi có thể di chuyển được ra bên ngoài hoặc mắc kẹt lại tại bất kỳ vị trí nào trên đường tiết niệu và gây ra những triệu chứng điển hình cho người bệnh như đau, tiểu buốt, tiểu rắt…
Sỏi tiết niệu sẽ được điều trị nội khoa sử dụng thuốc khi kết quả chẩn đoán bệnh sau những xét nghiệm xác định bệnh nhân có tình trạng sỏi nhỏ, bề mặt tương đối nhẵn, sỏi nằm ở những vị trí có khả năng di chuyển được ra bên ngoài. Bên cạnh đó sỏi chưa gây biến chứng, chức năng thận vẫn hoạt động tốt, đường tiết niệu thông thoáng không có đoạn hẹp, dị dạng, gấp khúc, sức khỏe tổng quát tốt.
Do vậy có thể nói việc xác định sỏi tiết niệu được chỉ định sử dụng thuốc cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa thông qua quá trình thăm khám dựa trên những xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu.
2. Chi tiết phương pháp điều trị sỏi tiết niệu sử dụng thuốc
2.1 Một số loại thuốc trị sỏi tiết niệu
Một số nhóm thuốc sau đây thường được chỉ định cho bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu đó là: Thuốc giảm đau chống viêm, thuốc giãn cơ trơn đường tiết niệu, thuốc kháng sinh dự phòng viêm nhiễm, thuốc lợi tiểu, thuốc kiềm hóa nước tiểu…Các loại thuốc này bác sĩ sẽ kê đơn, điều chỉnh phù hợp dựa trên tình trạng sỏi cụ thể của người bệnh. Mục đích là để đảm bảo đồng thời vừa tạo điều kiện thuận lợi để sỏi đi ra ngoài và triệt tiêu các triệu chứng hiện có.
2.2 Các nguyên tắc sử dụng thuốc trị sỏi tiết niệu người bệnh cần lưu ý
Trong suốt quá trình sử dụng thuốc do bác sĩ điều trị trực tiếp kê đơn, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
Tuân thủ chỉ định dùng thuốc: Uống thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng cách. Tuyệt đối không thay đổi liều lượng sử dụng, không tự ý mua thuốc dùng thêm.
Trong quá trình dùng thuốc điều trị sỏi tiết niệu nếu muốn sử dụng các loại thuốc khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Trong trường hợp nếu bệnh nhân gặp tác dụng phụ không mong muốn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thay thế loại thuốc khác để điều trị.
Sau mỗi liệu trình sử dụng thuốc được bác sĩ kê đơn người bệnh cần lưu ý đến tái khám đúng theo phác đồ đã được hướng dẫn để bác sĩ đánh giá tình trạng sỏi. Nếu sỏi không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh nhân có thể được tiếp nhận các phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn, sạch sỏi nhanh.
Ngoài ra, như đã đề cập phía trên việc sử dụng thuốc trong điều trị sỏi tiết niệu cần thông qua những kết quả chẩn đoán tình trạng bệnh và sự đánh giá của bác sĩ. Do vậy người bệnh cần lưu ý là không sử dụng bất kỳ các loại thuốc nào mà không có sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt việc sử dụng thuốc theo mách bảo hay các bài thuốc truyền miệng mà không có sự theo dõi sát sao, đánh giá theo từng liệu trình điều trị mà người bệnh chỉ quan sát bằng mắt thường sỏi có trôi ra ngoài theo nước tiểu hay không sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Hệ lụy người bệnh có thể phải đối mặt đó là sỏi không trôi hết ra ngoài, sỏi tăng kích thước, gan và dạ dày bị ảnh hưởng do quá trình sử dụng thuốc không đảm bảo.
2.3 Lời khuyên trong trị sỏi tiết niệu bằng thuốc để gia tăng hiệu quả
Để tăng hiệu quả điều trị nội khoa sỏi tiết niệu, không chỉ sử dụng thuốc, người bệnh nên kết hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học.
– Luôn uống nhiều nước để đảm bảo thuốc tan hoàn toàn và đồng thời cơ thể có đủ nước để bài tiết các chất cặn, chất thải ra bên ngoài cơ thể.
– Không sử dụng chất kích thích, rượu bia, đồ uống có cồn… bởi sẽ làm giảm tác dụng của thuốc mang lại.
– Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để hạn chế táo bón và thúc đẩy quá trình tiêu hóa và bài tiết của cơ thể.
– Không nên nhịn tiểu và nên hoạt động, vận động, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
3. Các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu khác khi không đạt kết quả sau dùng thuốc
Trong trường hợp bệnh nhân đã sử dụng thuốc nhưng kết thúc liệu trình không nhận về tín hiệu tích cực, lúc này bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân điều trị bằng những phương pháp ít xâm lấn, nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Đó là các phương pháp tán sỏi công nghệ cao:
– Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ: Là kỹ thuật loại bỏ sỏi hoàn toàn không mổ, sỏi sẽ được vỡ vụn thành mảnh nhỏ thông qua sóng điện từ chiếu từ bên ngoài cơ thể vào sỏi. Vụn sỏi sẽ trôi ra ngoài theo dòng nước tiểu trong vòng khoảng 7-15 ngày. Người bệnh hoàn toàn không cần nằm viện.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng: Là kỹ thuật loại bỏ sỏi hoàn toàn qua đường tự nhiên, không phẫu thuật rạch mổ. Người bệnh xuất viện chỉ sau 24h theo dõi nếu sức khỏe ổn định, hoàn toàn không có sẹo.
– Tán sỏi nội soi ống mềm: Là kỹ thuật loại bỏ sỏi hoàn toàn qua đường tự nhiên. Laser chỉ tác động đến sỏi không làm ảnh hưởng đến chức năng thận. Người bệnh ít đau, ít chảy máu, và khoảng 48h là có thể xuất viện trở về nhà.
– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ: Là kỹ thuật loại bỏ sỏi chỉ với vết rạch trên da khoảng 5mm để chọc một đường hầm nhỏ vào thận. Đây là con đường để đưa được các thiết bị nội soi, tán sỏi vào để đưa sỏi ra bên ngoài. Phương pháp này giúp gỡ bỏ được sỏi thận lớn, sẹo rất nhỏ, nhanh phục hồi, không ảnh hưởng đến chức năng thận. Đây còn được xem là phương pháp thay thế phương pháp mổ mở lấy sỏi thận truyền thống.
4. Kết luận
Điều trị sỏi tiết niệu bằng cách dùng thuốc là phương pháp nhẹ nhàng nhất hiện nay. Tuy nhiên phương pháp này được chỉ định dựa trên chính xác tình trạng sỏi và sức khỏe của người bệnh. Do đó người bệnh cần đi thăm khám và kiểm tra tại các bệnh viện uy tín, tránh tự ý sử dụng thuốc hay mua thuốc theo đơn điều trị của bệnh nhân khác. Ngoài ra sau khi đã kết thúc điều trị nội khoa sỏi tiết niệu người bệnh cũng cần tái khám, thăm khám sức khỏe định kỳ để tránh nguy cơ sỏi tái phát.