Điều trị viêm niêm mạc miệng được thực hiện như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm niêm mạc miệng là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi bệnh nhân điều trị ung thư bằng phương pháp hoá trị, xạ trị. Bệnh lý này gây nên tình trạng đau, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến việc ăn uống, chất lượng cuộc sống và đặc biệt có thể khiến quá trình điều trị ung thư của bệnh nhân bị gián đoạn. Vậy làm thế nào để điều trị viêm niêm mạc miệng?

1. Viêm niêm mạc miệng là bệnh lý gì?

Niêm mạc miệng là lớp bao phủ khoang miệng, được giới hạn bởi phần môi, má, lưỡi và vòm hầu. Khi bệnh nhân điều trị ung thư, phần niêm mạc sẽ xảy ra tình trạng viêm nhiễm do tác dụng phụ của phương pháp hoá trị, xạ trị. Tình trạng này gây nên đau đớn và khó chịu cho người bệnh, thậm chí phải dừng truyền hoá chất điều trị ung thư.

điều trị viêm niêm mạc miệng

Khi bệnh nhân điều trị ung thư, phần niêm mạc sẽ xảy ra tình trạng viêm nhiễm do tác dụng phụ của phương pháp hoá trị, xạ trị.

2. Triệu chứng của viêm niêm mạc miệng

Bệnh lý này biểu hiện bởi nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó phải kể đến như:

– Miệng khô, nứt nẻ.

– Nước bọt có hiện tượng kết đặc hơn.

– Xuất hiện những mảng trắng mềm hoặc mủ ở lưỡi.

– Tăng lượng dịch nhờn.

– Có vết loét trong miệng.

– Có cảm giác nóng nhẹ trong khoang miệng khi ăn.

– Khi ăn hay nói chuyện có cảm giác đau, khó chịu.

3. Nguyên nhân gây viêm niêm mạc miệng

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng niêm mạc miệng bị viêm chính là việc điều trị ung thư. Các phương pháp điều trị ung thư gây nên bệnh lý này là: hoá trị liệu, xạ trị vùng đầu, ngực hoặc cổ, cấy ghép tuỷ xương, cấy ghép tế bào gốc.

Trong số các trường hợp điều trị ung thư, sẽ có khoảng 40% người điều trị hoá trị sẽ bị viêm niêm mạc miệng. Đặc biệt với những người có điều trị xạ trị ở vùng đầu, cổ hay ngực thì nguy cơ này còn cao hơn.

Một số yếu tố cũng có thể tăng nguy cơ mắc viêm niêm mạc miệng có thể kể đến như:

– Bệnh nhân là nữ giới.

– Đã điều trị ung thư.

– Gặp tình trạng khô miệng trước và sau khi điều trị ung thư.

– Bị mất nước.

– Mắc những bệnh mạn tính như bệnh thận, tiểu đường.

– Chỉ số khối cơ thể (dựa trên chiều cao và cân nặng) có biểu hiện thấp bất thường.

– Sức khoẻ răng miệng của bệnh nhân không tốt.

– Hút thuốc lá hoặc uống rượu.

Rượu, bia, các đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc viêm niêm mạc miệng

Rượu, bia, các đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc viêm niêm mạc miệng

4. Phương pháp điều trị viêm niêm mạc miệng

4.1 Chăm sóc răng miệng

– Chải răng đúng cách, sử dụng bàn chải đánh răng mềm, có kích thước phù hợp hoặc sử dụng tăm bông để làm sạch răng.

– Dùng nước muối sinh lý hay dung dịch súc miệng chuyên dụng để làm sạch khoang miệng toàn diện, lưu ý cần tránh các loại nước súc miệng có chứa cồn.

– Theo dõi khoang miệng hàng ngày bằng cách dùng đèn chiếu hay dùng gương để nhìn. Nếu xuất hiện những điểm loét, loét có mủ hay xung huyết đỏ thì cần báo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời.

– Lưu ý không sử dụng chỉ nha khoa khi lượng tiểu cầu ở mức thấp hoặc khi dùng gây đau hoặc chảy máu.

– Dùng son dưỡng môi để dưỡng ẩm, tránh tình trạng môi bị khô và nứt nẻ.

4.2 Chế độ ăn uống

– Nên ăn những đồ ăn mềm, giàu protein đã được nấu chín kỹ hoặc ninh nhừ, xay nguyễn (thịt, cá, đậu,…), giàu vitamin (rau, nước hoa quả nhưng cần tránh đồ có vị chua).

– Kiêng ăn những đồ cay, nóng, lạnh, nhiều đường, axit.

– Tránh việc sử dụng các đồ uống có cồn như rượu, bia.

– Uống nước thường xuyên trong suốt cả ngày để giúp khoang miệng được giữ ẩm.

Rau củ quả là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, được các bác sĩ khuyên nên bổ sung khi điều trị viêm niêm mạc miệng

Rau củ quả là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, được các bác sĩ khuyên nên bổ sung khi điều trị bệnh viêm niêm mạc miệng

4.3 Chế độ chăm sóc

– Trường hợp bệnh nhân cảm thấy đau trong khoang miệng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc giảm đau hoặc chấm dung dịch gây tê lên các vết loét.

– Nếu vết loét chảy máu, hãy dùng bông gạc nhúng vào nước hoặc trà lạnh sau đó đè lên chỗ chảy máu sau đó súc miệng lại bằng nước lạnh. Tình trạng chảy máu chảy máu sẽ được thuyên giảm đáng kể.

5. Phòng ngừa viêm niêm mạc miệng

– Đánh răng đúng cách hàng ngày, nên dùng kết hợp cả nước súc miệng và chỉ nha khoa.

– Không hút thuốc lá.

– Lưu ý giữ ấm cho vùng môi và miệng.

– Lượng đường tiêu thụ nên được giảm dần hàng ngày.

– Có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh là vô cùng quan trọng.

Qua bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn những thông tin xoay quanh chủ đề viêm niêm mạc miệng và cách điều trị hiệu quả bệnh lý này. Nếu có cảm giác đau hay chảy máu kéo dài, cần liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên môn để được điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital