Giai đoạn ung thư là yếu tố quan trọng quyết định phương pháp điều trị ung thư dạ dày phù hợp. Bên cạnh đó sẽ có những yếu tố khác như sức khỏe, tuổi tác và mong muốn của bản thân và gia đình.
Menu xem nhanh:
1. Các phương pháp ứng dụng trong điều trị ung thư dạ dày
Để xác định phương pháp điều trị ung thư dạ dày cho mỗi bệnh nhân cần đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như: Giai đoạn bệnh (mức độ xâm lấn của khối u, kích thước, mức độ di căn của ung thư), tuổi tác, sức khỏe chung, các bệnh lý liên quan…
– Phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày: Bệnh nhân được tiến hành cắt bỏ tế bào ung thư bằng cách cắt đi một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
– Hóa trị ung thư: Bệnh nhân ung thư dạ dày được đưa hóa chất vào cơ thể thông qua đường truyền hoặc uống để kiểm soát, ngăn chặn sự phân chia và tiêu diệt tế bào ác tính.
– Xạ trị: Là một phương pháp sử dụng cho bệnh nhân ung thư dạ dày bằng cách dùng tia xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ác tính hoặc ngăn chặn khả năng phát triển của chúng.
– Liệu pháp miễn dịch: Là phương pháp sử dụng thuốc đặc trị tác động vào hệ thống miễn dịch của người bệnh nhận ra tế bào ung thư dạ dày, từ đó làm suy yếu chúng.
– Liệu pháp nhắm trúng đích: Là phương pháp điều trị sử dụng thuốc để xác định và tấn công trực tiếp các tế bào ung thư dạ dày cụ thể. Bệnh nhân có thể được đề nghị thực hiện các xét nghiệm dấu ấn sinh học để giúp dự đoán phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc điều trị nhắm trúng đích.
2. Điều trị bệnh ung thư dạ dày theo giai đoạn
2.1 Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 0 (ung thư biểu mô tại chỗ)
Giai đoạn 0 là khi các tế bào bất thường hình thành khối u tại lớp niêm mạc dạ dày (lớp trong cùng của dạ dày).
Phẫu thuật thường là phương pháp được chỉ định điều trị chính cho bệnh nhân ở giai đoạn này này. Khi đó bệnh nhân có thể được cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận.
2.2 Giai đoạn 1
Giai đoạn 1 là thời điểm người bệnh có khối u trong lớp niêm mạc dạ dày hoặc lớp hạ niêm mạc dạ dày hoặc đến lớp cơ của dạ dày, và có khả năng tiến triển vào các hạch bạch huyết lân cận.
Do đó, cũng tương tự như giai đoạn 0, giải pháp cho người bệnh ở giai đoạn 1 cũng là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận. Ngoài ra, hai phương pháp hóa trị hoặc xạ trị có thể được sử dụng phối hợp trước hoặc sau phẫu thuật nhằm mục đích thu nhỏ, kiểm soát tế bào ung thư trước phẫu thuật và tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại mà phẫu thuật không thể loại bỏ được hết.
2.3 Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 là khi các tế bào ung thư đã lan vào các lớp sâu hơn của dạ dày là lớp hạ niêm mạc, lớp cơ, lớp dưới thanh mạc, lớp thanh mạc và nhiều hạch bạch lân cận.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày cũng như các hạch bạch huyết lân cận vẫn là phương pháp điều trị chính. Ngoài ra hóa trị và xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật cũng sẽ được chỉ định điều trị phối hợp đối với giai đoạn 2 của ung thư dạ dày.
2.4 Giai đoạn 3
Ở giai đoạn này khối u đã phát triển xuyên qua các lớp của dạ dày đến một số cấu trúc, cơ quan xung quanh và xâm lấn đến nhiều hạch bạch huyết lân cận.
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày kết hợp với hóa trị và/ hoặc xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật thường được sử dụng trong giai đoạn 3 của bệnh nhân mắc ung thư dạ dày. Hóa trị thực hiện cùng cùng với xạ trị có thể giúp xạ trị hoạt động được tốt hơn, nâng cao hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.
2.5 Điều trị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Là giai đoạn cuối của ung thư dạ dày, nghĩa là tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa trên cơ thể như gan, phổi, não. Đây cũng là giai đoạn điều trị trở nên rất khó khăn, mục đích điều trị chính là là kiểm soát tình trạng bệnh, giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp điều trị giảm nhẹ tương tự như với điều trị ung thư là: Hóa trị hoặc các loại thuốc khác, xạ trị. Ngoài ra phương pháp điều trị giảm nhẹ cho khối u âm tính với HER2 có thể là hóa trị đơn lẻ hoặc kết hợp với thuốc miễn dịch. Với những khối u dương tính với HER2, phương pháp điều trị có thể là thuốc miễn dịch và thuốc điều trị đích kết hợp với hóa trị.
3. Lời khuyên trong điều trị bệnh ung thư dạ dày
Triển vọng cho bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phụ thuộc nhiều vào giai đoạn ung thư. Những bệnh nhân được chẩn đoán xác định ở giai đoạn đầu của ung thư dạ dày có tiên lượng sống tích cực hơn nhiều so với những người ở giai đoạn sau. Tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm đối với bệnh ung thư dạ dày có thể cao tới 75% (ung thư dạ dày khu trú) hoặc thấp chỉ 7% (ung thư dạ dày di căn xa).
Vậy nên khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nhiễm vi khuẩn HP, mắc các bệnh lý ở dạ dày cần đi thăm khám và thực hiện sàng lọc định kỳ. Việc này giúp phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tránh để bệnh diễn biến đến giai đoạn muộn sẽ rất khó khăn trong điều trị.
Ngoài ra đặc biệt cần lưu ý trong quá trình điều trị bệnh ung thư dạ dày cần tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ từ thời gian thực hiện, phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng, theo dõi tác dụng phụ… Từ đó sẽ giúp bệnh nhân không bỏ lỡ thời điểm vàng, nâng cao cơ hội sống tích cực hơn, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn ở mỗi người bệnh.