Điều trị sốt xuất huyết khi mang thai

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Phan Đình Sáu

Bác sĩ Sản phụ khoa

Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của người bị bệnh, đặc biệt là mẹ bầu. Hiểu rõ cách điều trị sốt xuất huyết khi mang thai sẽ giúp bạn chủ động hơn khi bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu mắc bệnh.

1. Bệnh sốt xuất huyết ở mẹ bầu dễ bị trở nặng

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng phức tạp trên toàn quốc. Tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp và dự báo số ca mắc vẫn tiếp tục tăng cao, có nguy cơ xuất hiện nhiều trường hợp nặng nếu cộng đồng không đề phòng đầy đủ.

Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết, đặc biệt là những trường hợp nặng, đang gia tăng khi đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ mang thai là một nhóm nguy cơ dễ mắc sốt xuất huyết và bị các biến chứng nặng liên quan đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Vì vậy, ngoài việc chủ động phòng ngừa, phụ nữ mang thai cần lưu ý những gì khi gặp các dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết?

điều trị sốt xuất huyết khi mang thai

Mẹ bầu khi mang thai bị sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn người bình thường

Theo các bác sĩ thuộc Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, sốt xuất huyết là một bệnh do virus Dengue gây ra, lây truyền qua vết cắn của muỗi nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong 1 số trường hợp thai 3 tháng đầu, sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.

Đối với phụ nữ mang thai, virus có khả năng gây ra những biến chứng nặng hơn do hệ miễn dịch yếu dần trong thai kỳ.

Ngoài ra, khi một phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết có thể gây ra tác động tiêu cực lên thai nhi như: sinh non, trẻ sinh nhẹ cân hoặc thai lưu. Nếu thai phụ mắc sốt xuất huyết trong quá trình sinh, nguy cơ xuất hiện tình trạng băng huyết sau sinh là rất cao.

2. Điều trị sốt xuất huyết khi mang thai như thế nào?

Theo các bác sĩ thuộc Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, khi phụ nữ mang thai có những dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần thực hiện ngay các biện pháp sau để giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng:

– Hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có khoa sản để được chẩn đoán chính xác bệnh và phương án điều trị thích hợp.

– Để hạ sốt, sử dụng paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng nếu nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C. Tuy nhiên, biện pháp này cần được bác sĩ chỉ định để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cũng không nên dùng paracetamol nếu dị ứng với thành phần của thuốc.

Mẹ bầu nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi để giảm các triệu chứng bệnh

Mẹ bầu nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi để giảm các triệu chứng bệnh

– Uống nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C.

– Chọn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ và đồ ăn cay nóng.

– Mặc quần áo thoải mái, nghỉ ngơi nhiều, hạn chế hoạt động di chuyển.

– Tuân thủ đúng phác đồ điều trị và tuân thủ hướng dẫn từ nhân viên y tế.

Nếu gần ngày sinh, thai phụ nên chọn đẻ tại các bệnh viện lớn, đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại như Thu Cúc TCI có khả năng xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong và sau khi sinh cho mẹ và bé.

Lưu ý: Trong quá trình bị sốt xuất huyết tại nhà, thai phụ nên tự theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các biểu hiện: đau đầu dữ dội, nôn mửa, choáng váng mất nhận thức,… cần được nhận chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

3. Các xét nghiệm cần thiết nếu mẹ bầu bị sốt xuất huyết

Điều trị sốt xuất huyết khi mang thai phải đặc biệt cẩn trọng bởi bệnh có thể gây ra những trường hợp dị tật, thai lưu đáng tiếc. Vì thế, các xét nghiệm dành cho mẹ bầu khi bị mắc bệnh cũng là hạng mục khám quan trọng mà bạn không thể bỏ qua.

– Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1:

Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 được khuyến nghị thực hiện từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 5 của bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã mắc bệnh hơn 3 ngày (từ cuối ngày thứ 3 trở đi), dù thực sự bị sốt xuất huyết, kết quả xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 có thể âm tính.

Nguyên nhân là do xét nghiệm này dựa trên cơ chế phát hiện kháng nguyên của virus. Trong giai đoạn bệnh từ ngày thứ 4 trở đi, nồng độ kháng nguyên virus trong máu đã giảm xuống mức thấp, do đó đôi khi kết quả xét nghiệm sẽ âm tính.

– Xét nghiệm kháng thể IgM:

Kháng thể IgM xuất hiện từ ngày thứ 4-5 sau khi xuất hiện sốt. Xét nghiệm kháng thể IgM giúp xác định sự có mặt của kháng thể chống lại virus Dengue trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm này có thể dương tính hoặc âm tính tùy thuộc vào mức độ sinh kháng thể của từng bệnh nhân.

Mẹ bầu cần thực hiện 1 số xét nghiệm tầm soát biến chứng thai kì nếu bị mắc bệnh sốt xuất huyết

Mẹ bầu cần thực hiện 1 số xét nghiệm tầm soát biến chứng thai kì nếu bị mắc bệnh sốt xuất huyết

– Xét nghiệm kháng thể IgG:

Trong trường hợp thể tiên phát (lần đầu tiên bị nhiễm virus Dengue), kháng thể IgG xuất hiện từ ngày thứ 10-14 và có thể tồn tại trong nhiều năm sau đó. Trong trường hợp thể thứ phát (đã từng bị nhiễm virus Dengue trước đó), kháng thể IgG đã có sẵn trong máu và sẽ tăng lên trong 1-2 ngày.

Ngoài ra, tùy theo tình hình, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm bổ sung để đưa ra chẩn đoán bổ sung, bao gồm:

– Xét nghiệm điện giải đồ (bao gồm Na+, K+, Cl-): để đánh giá tình trạng rối loạn điện giải.

– Xét nghiệm chức năng gan: nhằm kiểm tra chức năng gan, đánh giá tổn thương và phát hiện các biến chứng của sốt xuất huyết.

– Xét nghiệm định lượng Albumin: để đánh giá tình trạng thoát huyết tương nếu bạn bị sốt xuất huyết Dengue, giúp nhận biết sớm và theo dõi khi bệnh nhân có tình trạng tăng tính thấm thành mạch.

Xét nghiệm chức năng thận (bao gồm Ure, Creatinine, Cystatin C, MicroAlbumin niệu): để đánh giá chức năng thận và tình trạng tổn thương thận sớm do các biến chứng của sốt xuất huyết.

– Xét nghiệm CRP: nhằm đánh giá tình trạng viêm nhiễm, giúp phân biệt nguyên nhân gây ra sốt và đánh giá hiện tượng bội nhiễm do sốt xuất huyết.

Trên đây là 1 số hạng mục xét nghiệm có thể có khi mẹ bầu được xác định là mắc bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh việc chữa trị sốt xuất huyết khi mang thai, bạn cần lưu tâm đến các xét nghiệm để đánh giá khả năng virus gây bệnh sẽ tác động như thế nào đến thai nhi.

4. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Phụ nữ có thai nên tự chủ động bảo vệ bản thân khỏi mối nguy cơ bị mắc sốt xuất huyết. Dưới đây là những cách phòng ngừa đơn giản mà bạn có thể áp dụng tại nhà:

– Dọn sạch những nơi ở, đặc biệt là những khu vực bị nước đọng, vệ sinh và thay nước thường xuyên, nhất là nước cắm bình hoa…

– Sử dụng thuốc diệt muỗi xung quanh khu vực sinh sống, mặc quần áo dài tay và sử dụng vợt muỗi.

– Đi ngủ sử dụng màn / mùng để ngăn muỗi đốt.

– Nếu có bất kỳ biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay.

Nếu bạn còn câu hỏi thắc mắc về cách chăm sóc thai kì trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp như hiện nay, hãy để lại thông tin để Thu Cúc TCI hỗ trợ bạn sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital