Trẻ em thường rất hay gặp những vấn đề về hệ tiêu hóa. Biểu hiện của trẻ bị rối loạn tiêu hóa đó có thể là đi ngoài, táo bón, đầy bụng… Điều trị rối loạn tiêu hóa trẻ em là việc cần phải làm sớm để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ trong tương lai.
Menu xem nhanh:
1. Rối loạn tiêu hóa là bệnh gì, liệu có khó chữa?
Khi cơ vòng của hệ tiêu hóa bị co thắt một cách bất thường khiến cho trẻ bị đau bụng và có những vấn đề liên quan đến tiêu hóa thức ăn thì sẽ được coi là rối loạn tiêu hóa.
Đa phần rối loạn tiêu hóa không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng nếu kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài và lặp lại nhiều lần có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, chậm lớn… Trẻ cần lượng dinh dưỡng lớn để hấp thụ và tăng trưởng trong giai đoạn này, nhưng nếu tình trạng rối loạn trong tiêu hóa xảy ra có thể sẽ khiến lượng chất cần cho trẻ bị thiếu hụt. Đấy chính là nguyên nhân chính dẫn đến suy dinh dưỡng đối với trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Nếu để trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài mà không được can thiệp có thể dẫn đến tình trạng mạn tính. Vấn đề này sẽ theo trẻ cho đến khi trưởng thành. Trẻ sẽ thường xuyên bị rối loạn và việc chữa khỏi hẳn sẽ rất khó khăn.
2. Triệu chứng và cách điều trị chứng rối loạn tiêu hóa cho trẻ, cha mẹ cần biết
2.1. Triệu chứng phổ biến của trẻ rối loạn tiêu hóa
– Nôn trớ
Nôn trớ là trạng thái dạ dày co bóp đẩy thức ăn ra khỏi cơ thể theo ống tiêu hóa từ chiều dạ dày thực quản ra đến miệng thông qua các hoạt động của cơ thành bụng. Hầu hết trẻ em dưới 1 năm tuổi đều từng gặp phải tình trạng này, nhất là khi ăn no mà bị thay đổi tư thế đột ngột hoặc bị rướn người. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và không nguy hiểm gì cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ đã lớn hơn (khoảng trên 1 tuổi) mà vẫn thường xuyên bị nôn trớ đi kèm với những triệu chứng khác như chậm tăng cân, biếng ăn,… thì khả năng trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa hoặc một số bệnh lý khác liên quan. Cha mẹ nên cho con đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và xác định tình trạng bệnh của trẻ.
– Tiêu chảy
Tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày được coi là đã bị tiêu chảy. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ khi trẻ bị các bệnh như nhiễm khuẩn đường ruột, ký sinh trùng hoặc ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Tiêu chảy là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài rất dễ dẫn đến mất nước, thiếu nước trong cơ thể và gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
– Táo bón
Khi trẻ gặp tình trạng không đi ngoài thường xuyên mà 2-3 ngày mới đi 1 lần. Đặc điểm phân là khô, rắn, cứng, to,…Trẻ đi ngoài khó khăn, gặp nhiều đau đớn, thậm chí có trẻ còn bị rách hậu môn, chảy máu. Từ đó dẫn đến việc trẻ sợ đi ngoài, nhịn đi ngoài khiến cho tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hậu quả của chứng táo bón là trẻ bị chậm lên cân, không tăng trưởng nhiều, biếng ăn.
Nguyên nhân táo bón ở trẻ là do trẻ ăn nhiều đồ ăn khó tiêu hóa như các loại thực phẩm chiên rán, đồ ăn cứng, thực phẩm nhiều đạm và ăn quá ít chất xơ, uống quá ít nước, thiếu trái cây… Tâm lý căng thẳng ở trẻ cũng có thể khiến trẻ bị táo bón. Ngoài ra, một số trẻ bị những bệnh lý như sinh non, suy giáp, nứt hậu môn, phình đại tràng…cũng có thể gặp tình trạng bị táo bón.
– Ợ hơi
Biểu hiện khác của bệnh rối loạn tiêu hóa là trẻ bị đầy hơi, chướng bụng. Có thể quan sát thấy bụng trẻ luôn phồng to, rất hay bị ợ hơi và trung tiện. Tình trạng này có thể khiến cho trẻ bị biếng ăn, ăn kém, ảnh hưởng đến việc tăng cân, tăng chiều cao.
– Phân sống
Khi hệ tiêu hóa có vấn đèo, hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng, hại khuẩn chiếm ưu thế thì thức ăn sẽ không được tiêu hóa tối ưu. Kết quả là trẻ đi ngoài ra phân sống, có mùi tanh và nhầy. Nếu quan sát thấy trong phân của trẻ có lẫn máu thì cần đưa trẻ đi khám ngày vì rất có thể trẻ đang bị nhiễm khuẩn.
– Đau bụng
Đa phần rối loạn tiêu hóa có thể khiến trẻ bị đau bụng. Đối với trẻ đã lớn và biết nói, trẻ có thể nói cho cha mẹ biết tình trạng của mình. Nhưng với trẻ nhỏ, không thể sử dụng ngôn ngữ, trẻ sẽ quấy khóc rất gay gắt khi bị đau bụng. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng có thể kèm thêm một số biểu hiện khác như gồng cứng người, mặt đỏ, tay nắm chặt, chân co lên bụng,…cho thấy trẻ đang bị đau bụng.
– Tăng cân chậm
Đây là một biểu hiện thường thấy khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa có vấn đề thì việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng chắc chắn sẽ bị giảm sút, điều này khiến cho trẻ không thể nhận đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển, dẫn đến cân nặng bị tăng chậm,
Bên cạnh việc theo dõi cân nặng, cha mẹ cũng cần quan sát một số biểu hiện khác như phân, nước tiểu, màu da của trẻ để nhận thấy các bất thường sớm nhất.
2.2. Điều trị rối loạn tiêu hóa trẻ em ra sao?
Tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể mang đến nhiều tiêu cực cho trẻ như: ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ, ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày,… Chính vì vậy, việc điều trị chứng rối loạn tiêu hóa cho trẻ càng sớm càng giúp bé nhanh khỏe mạnh và phát triển hơn. Một số biện pháp dưới đây có thể giúp cha mẹ vừa điều trị, vừa ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa xảy ra:
– Luôn lựa chọn những loại thực phẩm tươi ngon, an toàn cho trẻ. Vệ sinh thực phẩm luôn phải là vấn đề được cha mẹ đặt lên hàng đầu. Cần chọn những loại thức ăn tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh.
Luôn dùng nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm cho con, luôn rửa sạch sẽ đồ ăn và tay trước khi nấu nướng. Luôn cho trẻ ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống hoặc thức ăn đã để lâu ngày.
– Cho trẻ ăn những loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa, hạn chế đồ khó tiêu. Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, vẫn còn rất non nớt nên khi chế biến thức ăn, cha mẹ cần chọn những loại thực phẩm dễ tiêu. Cách chế biến cũng nên ưu tiên kiểu làm mềm thức ăn hơn là cho trẻ ăn đồ cứng, đồ chiên rán quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ của trẻ.
– Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn để trẻ tiêu hóa hơn. Do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên không thể cùng lúc hấp thụ một lượng lớn thức ăn được. Ngoài bữa chính nên cho trẻ thành thêm các bữa phụ khác để bổ sung đa dạng các chất dinh dưỡng khác nhau. Bữa chính không nên cho ăn lượng quá nhiều mà chỉ ăn theo nhu cầu của trẻ.
– Nên cho trẻ ăn nhiều những loại thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa. Hàng ngày, cha mẹ nên bổ sung nhiều loại rau xanh, hoa quả, sữa chua,… để tăng cường chất xơ, vitamin, men lợi khuẩn hỗ trợ tối ưu cho hệ tiêu hóa, giúp tiêu hóa tốt và khỏe mạnh hơn.
– Tăng cường cho trẻ vận động, rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe và tăng đề kháng tự thân. Vận động thường xuyên cũng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn.
Rối loạn tiêu hóa là trạng thái rất phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên cha mẹ không nên để tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của con. Cần có sự can thiệp kịp thời giúp trẻ chấm dứt tình trạng này để lấy lại sự khỏe mạnh của hệ tiêu hóa.