Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em: nguyên nhân và cách xử trí ra sao?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ. Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển hoặc bệnh nguy hiểm chẳng hạn như viêm đại tràng. Do vậy mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và cách chăm sóc con khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

1. Nguyên nhân nào khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, cụ thể như sau: 

1.1 Hệ miễn dịch yếu

Từ 0 đến 6 tuổi, hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện. Do vây, trẻ rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, nấm, ký sinh trùng xâm nhập gây nên các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Lúc này, vi khuẩn có lợi ở đường ruột chưa đủ mạnh bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi virus gây bệnh.

1.2 Có chế độ dinh dưỡng không đảm bảo

Việc cho trẻ ăn những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa nhiều chất bảo quản, dầu mỡ, đường hóa học,… tác động xấu đến hệ tiêu hóa của con. 

Ngoài ra, với những bé còn bú mẹ, dinh dưỡng của mẹ cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con. Mẹ ăn đồ sống hoặc ôi thiu, sử dụng nguồn nước không đảm bảo để chế biến sẽ làm cho bị đau bụng, nôn trớ, thậm chí là tiêu chảy. 

Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo là một trong nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo là một trong nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa của con

1.3 Rối loạn tiêu hóa ở trẻ do uống kháng sinh

Kháng sinh được cho là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em do khi đi vào đường ruột, kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi sinh khi có khả năng tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và có lợi. 

1.4 Mắc các bệnh lý khác 

Trẻ em hay tiết ra đờm chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh khi mắc các bệnh như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,… Khi trẻ nuốt đờm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột và rối loạn tiêu hóa không thể tránh khỏi.

2. Những biểu hiện thường gặp ở trẻ rối loạn tiêu hóa và cách chăm sóc

2.1 Đau bụng

Khi bị rối loạn tiêu hóa, con sẽ hay bị đau bụng. Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ, xuất hiện đột ngột, một số trường hợp nặng còn khiến trẻ khóc ngất. Với trẻ sơ sinh kèm theo hiện tượng hai chân co về phía bụng và tay nắm chặt. 

Lúc này mẹ cần giúp trẻ xoa dịu cơn đau bằng cách bế trẻ, cho trẻ vào xe đẩy hoặc nôi, tắm nước ấm và massage nhẹ nhàng bụng cho con. Không nên cho trẻ bú quá no, việc này làm tình trạng đau bụng trầm trọng hơn.

Những dấu hiệu thường gặp khi con bị rối loạn tiêu hóa

Những dấu hiệu thường gặp khi con bị rối loạn tiêu hóa

2.2 Nôn trớ

Đây là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh khi có đến 75% trẻ gặp triệu chứng này do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. 

Bố mẹ cần theo dõi biểu hiện của con, nếu nôn nhiều kèm theo sốt, co giật, ngủ li bì, rất có thể báo hiệu của những bệnh nguy hiểm liên quan đường tiêu hóa chẳng hạn như nhiễm trùng dạ dày. 

2.3 Tiêu chảy

Tiêu chảy là một dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ có biểu hiện đi ngoài trên 3 lần/ngày, phân lỏng, có chất nhầy kèm theo là tình trạng mệt mỏi, kém ăn. Một số trẻ khác còn có thể bị sốt, chướng bụng. 

Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên thực hiện một số biện pháp khắc phục nhanh chóng: 

– Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ tăng số lần bú nhiều lần trong một ngày. 

– Với trẻ ăn dặm, mẹ bổ sung thêm những loại thực phẩm như khoai tây, cà rốt, gạo, thịt gà thịt lợn,… vào khẩu phần ăn cho bé. Tránh cho trẻ ăn hải sản, trứng, loại quả nhuận tràng như chuối, đu đủ,… làm cho tình trạng tiêu chảy kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn.

– Phải cho trẻ uống nước đun sôi để nguội và thực hiện chế biến đồ ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh.

– Không cho trẻ ăn thực phẩm lạ, dễ kích ứng do hệ tiêu hóa của trẻ không thích nghi kịp.

2.4 Táo bón

Táo bón là một trong dấu hiệu rối loạn tiêu hóa hay gặp ở trẻ em. Trẻ không đi ngoài thường xuyên, phải 2-3 ngày mới đi được. Khi bị táo bón, phân trẻ rất khô, rắn, trẻ hay có cảm giác đau, đi ngoài khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp đi ra máu.

Trẻ không ăn đủ lượng sữa một ngày, ăn sữa quá đặc, không ăn chất xơ, hoa quả hoặc mẹ bị táo bón là tác nhân gây táo bón ở trẻ

Bên cạnh đó, những trẻ sinh thiếu tháng, mẹ bị tiền sản giật khi mang thai, hoặc mắc bệnh bẩm sinh như phình đại tràng, còi xương,… cũng hay gặp chứng táo bón. 

Các bước chăm sóc con khi bị táo bón mẹ cần chú ý: 

– Bổ sung cho trẻ nhiều nước trong một ngày, có thể nước lọc, sữa, nước trái cây,…

– Cho trẻ ăn nhiều chất xơ, vitamin từ rau xanh, củ quả, tiêu biểu là những loại thực phẩm như: khoai lang, đu đủ, chuối, rau ngót,… 

– Cần tăng cường vận động, massage bụng cho trẻ hàng ngày để thông đường ruột. Cùng với đó, mẹ không nên cho trẻ ngồi bô quá lâu. Nếu trẻ không đi được tìm cách hỗ trợ, việc ngồi bô lâu rất có thể khiến con bị trĩ. 

Nếu con bị táo bón kéo dài hơn 7 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm kèm theo con bị sút cân mẹ nên cho con đến bác sĩ để điều trị kịp thời.

2.5 Các triệu chứng khác hay gặp khi bị rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa còn có thể gặp những dấu hiệu sau: 

– Đi ngoài phân sống: sự mất cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột sẽ ảnh hưởng đến quá trình đi ngoài của trẻ. Trẻ thường xuyên đi ngoài phân lỏng, phân sống, xuất hiện chất nhầy,… 

– Bú kém, khóc quấy do thường xuyên bị cơ đau bụng hoành hành.

Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ sẽ có dấu hiệu bú kém, quấy khóc

Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ sẽ có dấu hiệu bú kém, quấy khóc

3. Cách hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ

Dưới đây là một số lời khuyên giúp mẹ hạn chế hiệu quả rối loạn tiêu hóa ở trẻ em: 

– Nên cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ ít nhất từ 4-6 tháng đầu để giúp hệ miễn dịch của con được tốt hơn. 

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đảm bảo vệ sinh cho cả mẹ và con. Đặc biệt là người mẹ cần tránh đồ ăn chứa nhiều chất bảo quản không có lợi cho hệ tiêu hóa. 

– Không nên cho trẻ bú hoặc ăn quá no gây hiện tượng chướng bụng, khó tiêu. 

– Tạo thói quen đi ngoài cho trẻ đúng giờ và theo dõi tình trạng phân của trẻ thường xuyên. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường thì có nghĩa là con đang bị rối loạn tiêu hóa. 

– Giữ cơ thể và môi trường xung quanh bé luôn sạch sẽ, không tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây bệnh. 

– Mẹ nên cho con tiêm phòng đầy đủ để tránh bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa cũng như là các bệnh lý khác. 

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, bố mẹ nên cho con đi thăm khám ở cơ sở ý tế uy tín. Bác sĩ tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh của con để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hoặc làm theo mẹo dân gian vì cơ thể trẻ em rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital