Đau bao tử là bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến đường tiêu hóa. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của người bệnh. Điều trị đau bao tử ngay khi phát hiện các triệu chứng sẽ giúp bạn kiểm soát tốt căn bệnh “phiền toái” này.
Menu xem nhanh:
1. Đau bao tử là đau như thế nào? Ở đâu?
Đau bao tử (hay đau dạ dày) là tình trạng bệnh xảy ra do lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến viêm loét. Các cơn đau có thể xuất hiện khi đói, khi no hoặc về đêm khiến người bệnh luôn trong tình trạng trạng cảm thấy ấm ách, tức bụng.
Đau dạ dày thường là đau tại vùng thượng vị chính giữa bụng, có khi đau lệch sang bên trái hoặc bên phải, cũng có thể đau lan ra sau lưng. Cụ thể:
Đau vùng thượng vị: là đau phần phía trên của ổ bụng, khu vực nằm giữa xương ức và rốn. Các cơn đau thường âm ỉ, căng tức khiến người bệnh khó chịu. Đau có mức độ lây lan rất nhanh, lan sang ngực và xuyên ra sau lưng.
Đau vùng bụng giữa: đây là khu vực tập trung nhiều cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể, giao nhau tại rốn. Do đó, nếu bị đau, nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, nếu đau bụng giữa đi kèm với ợ chua, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu thì khả năng đau bao tử là rất cao.
Đau vùng thượng vị chếch trái/ phải: Bệnh nhân khi đói, nếu thấy các cơn đau xuất hiện tại mạn trên dạ dày bên trái hoặc phải, cũng có thể cân nhắc đến khả năng bản thân mắc bệnh lý đau dạ dày. Tình trạng này dễ nhầm lẫn với đau do sỏi mật và viêm tụy nên cần được theo dõi và chẩn đoán kịp thời.
2. Dấu hiệu bạn bị đau bao tử
Đau bụng là dấu hiệu điển hình của bệnh đau dạ dày. Ngoài ra, các dấu hiệu nhận biết khác bao gồm:
– Người bệnh cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu hóa được.
– Thường xuyên ợ hơi, ợ chua hoặc có thể ợ ra vị đắng như mật, đặc biệt vào khoảng thời gian 3 – 4 tiếng sau ăn hoặc mỗi buổi sáng.
– Cảm thấy buồn nôn, nôn vào thời điểm đánh răng buổi sáng. Phụ nữ mang thai cũng nên lưu ý đến biểu hiện này để không nhầm lẫn với nôn do ốm nghén.
– Đau bao tử ở mức độ nặng, người bệnh có thể nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu.
– Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
3. Nguyên nhân gây đau bao tử
Nhiễm vi khuẩn HP: Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 80% trường hợp bị đau bao tử là do nhiễm khuẩn HP. Loại vi khuẩn này ký sinh tại lớp dịch nhầy niêm mạc thành dạ dày, tiết độc tố làm tổn thương niêm mạc và ức chế yếu tố bảo vệ của niêm mạc dạ dày, gây viêm loét.
Hút thuốc lá: Đây là tác nhân chính làm hư lớp nhầy niêm mạc, khiến các vết viêm loét phát triển mạnh. Các chất trong thuốc lá kích thích sản sinh endothelin khiến cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày suy yếu.
Nghiện rượu bia: Hầu hết các chất trong rượu bia đều làm tăng lượng axit dạ dày nhanh chóng. Điều này gây kích ứng niêm mạc và làm khởi phát các cơ đau dạ dày.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Thói quen ăn uống không lành mạnh luôn là một những nguyên nhân làm khởi phát hoặc tăng nặng các bệnh lý tiêu hóa, trong đó có đau bao tử. Sử dụng thực phẩm không đảm bảo, bỏ ăn, ăn quá no hoặc quá đói, ăn không đúng giờ giấc có thể khiến nguy cơ mắc bệnh đau bao tử cao hơn.
Stress kéo dài: Hệ thống thần kinh ruột luôn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thần kinh trung ương. Việc bạn căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến quá trình co bóp và tiết dịch tiêu hóa thức ăn khiến bạn dễ mắc bệnh đau dạ dày. Do vậy, việc giữ tâm thế thoải mái, sẽ giúp phòng và điều trị đau bao tử hiệu quả hơn.
4. Các phương pháp chữa đau bao tử hiệu quả
Giống như nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác, điều trị đau bao tử cũng dựa trên nguyên tắc điều trị làm giảm triệu chứng kết hợp với thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt.
Đau bao tử được điều trị sớm sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả tối ưu hơn. Bệnh có thể được chữa khỏi sau vài tuần và tránh được khả năng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: dạ dày chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí ung thư dạ dày.
4.1 Điều trị đau bao tử theo phác đồ điều trị nội khoa
Người bệnh không nên tự ý áp dụng các mẹo vặt hay mua và sử dụng thuốc mà không có sự tham khảo bác sĩ chuyên khoa. Khi nghi ngờ các triệu chứng bệnh, cách tốt nhất là đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Sau khi xác định tình trạng bệnh, tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị đặc hiệu: Thường là sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm tiết axit làm lành ổ loét, kết hợp thuốc trung hòa acid, các thuốc làm tăng vận động đường tiêu hóa tùy trường hợp cụ thể.
4.2 Xây dựng lối sống lành mạnh giúp hỗ trợ điều trị đau bao tử tại nhà
Bạn có thể tham khảo một số lưu ý hữu ích về chế độ ăn uống và sinh hoạt dành cho bệnh nhân bị đau bao tử dưới đây:
– Uống đủ 2L nước mỗi ngày để quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng diễn ra hiệu quả.
– Tuyệt đối không bỏ bữa, nên chia nhiều bữa nhỏ trong một ngày, tạo thói quen ăn chậm nhai kỹ.
– Thường xuyên tập luyện, chơi thể thao giúp giảm stress, tiêu hóa khỏe.
– Tránh tiêu thụ các loại thức ăn khiến tình trạng bệnh nặng thêm như: đồ dầu mỡ, đồ cay nóng, đồ lạnh….
– Tránh tuyệt đối thói quen hút thuốc và uống rượu bia.
– Tránh nằm ngay sau khi ăn vì có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn.
– Ăn các loại thực phẩm có tác dụng tốt trong quá trình điều trị đau dạ dày như: chuối, táo, nước dừa, trà gừng, nghệ và mật ong, sữa chua, bánh mì,…
Đau bao tử là căn bệnh đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại tại Việt Nam với tỷ lệ 70% dân số mang yếu tố nguy cơ. Điều trị đau bao tử là cân thiết để giảm thiểu triệu chứng bệnh và cải thiện chức năng tiêu hóa, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh.