Điều kiện để tiêm phòng HPV và điều cần lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Ung thư cổ tử cung đang là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ, có tỷ lệ mắc và tử vong đang ngày một gia tăng. Chính vì vậy, tiêm phòng ung thư cổ tử cung là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này ở phụ nữ. Vậy những điều kiện để tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung là gì? Cần lưu ý những gì trước và sau khi tiêm phòng HPV? Bài viết sau sẽ cung cấp cho chị em những thông tin cần thiết để làm rõ vấn đề này.

1. Tiêm phòng HPV – lá chắn bảo vệ sức khỏe chị em khỏi ung thư cổ tử cung

Virus HPV (Human Papilloma Virus) là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Loại virus này lây nhiễm qua tiếp xúc, quan hệ tình dục, kể cả từ mẹ sang con và có thể tồn tại trong cơ thể rất lâu trước khi phát triển thành bệnh. Hiện có hơn 100 chủng HPV, trong đó hai chủng HPV 16,18 có nguy cơ sinh ung thư cổ tử cung cao nhất. Vì vậy, vắc xin HPV được sinh ra để phòng ngừa nguyên nhân gây bệnh này.

1.1. Tiêm phòng HPV có giá trị gì?

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho virus u nhú HPV gây ung thư cổ tử cung. Bởi lẽ đó, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để chị em chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc xin phòng HPV được đánh giá là an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ chị em phụ nữ tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV thuộc chủng 16 và 18.

Sau khi tiêm ngừa HPV, kháng thể sẽ được sản sinh trong cơ thể và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm của virus tới các tế bào khỏe mạnh. Có thể nói, tiêm phòng HPV sẽ giúp chị em yên tâm hơn, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh do virus HPV thuộc chủng nguy cơ gây ra.

Vai trò mà vắc xin HPV mang lại

Vắc xin phòng HPV được đánh giá là an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ chị em phụ nữ tránh khỏi ung thư cổ tử cung

1.2. Phân loại các vắc xin phòng ngừa HPV thường dùng

Hiện nay có 2 loại vắc xin được cấp phép sử dụng để tiêm ngừa HPV là Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Trong đó:

– Vắc xin Cervarix giúp ngăn ngừa vi rút HPV chủng 16 và 18, có tác dụng phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

– Vắc xin Gardasil giúp ngăn ngừa vi rút HPV tuýp 6, 11, 16 và 18. Với vắc xin Gardasil có thể giúp phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn và các loại mụn cóc sinh dục

2. Những điều cần lưu ý trước khi tiêm phòng HPV

2.1. Điều kiện để tiêm phòng HPV phòng tránh ung thư cổ tử cung

Theo khuyến cáo, vắc xin phòng HPV được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi. Tuy nhiên độ tuổi an toàn để vắc xin còn có hiệu quả cao nhất là dưới 26 tuổi và chưa lập gia đình hoặc chưa quan hệ tình dục. Phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm HPV nhưng hiệu quả sẽ không còn cao như trong khuyến nghị.

Tiêm HPV không được khuyến nghị ở phụ nữ trên 26 tuổi vì trong độ tuổi này mang lại ít lợi ích phòng bệnh hơn. Trong một số trường hợp, phụ nữ từ 27 đến 45 tuổi chưa được tiêm phòng có thể quyết định tiêm vắc xin HPV sau khi tham khảo tư vấn với bác sĩ về nguy cơ nhiễm HPV mới và những lợi ích có thể có được nhờ việc tiêm phòng.

Ngoài những chú ý về độ tuổi và tình trạng quan hệ tình dục, chị em phụ nữ cũng cần lưu ý những điều sau trước khi tiêm:

– Nếu như đang mang thai, chị em không nên thực hiện tiêm ngừa HPV. Nếu đã tiêm mũi đầu tiên sau đó mới có thai thì những mũi tiêm tiếp theo chị em nên hoãn lại cho đến khi hoàn thành việc sinh nở.

– Nếu đang mắc các bệnh lý gây sốt thì không nên tiêm do có thể gây tác dụng phụ thậm chí là sốc phản vệ.

– Nếu tình trạng sốc phản vệ đã từng xảy ra trước đây khi chị em tiêm vắc xin thì cũng không nên tiêm HPV.

Điều kiện để tiêm phòng HPV phòng tránh ung thư cổ tử cung

Độ tuổi và tình trạng quan hệ tình dục là hai yếu tố cần quan tâm trong điều kiện để tiêm phòng HPV

2.2. Nếu đã đủ điều kiện để tiêm phòng HPV thì có cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung nữa không?

Như đã nói ở trên, vắc xin phòng ngừa HPV chỉ phòng ngừa 2 chủng HPV nguy cơ cao 16 và 18, nguyên nhân gây ra phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vắc xin HPV không ngăn ngừa tất cả các loại virus gây ung thư cổ tử cung, bởi vì thực tế còn hơn 10 chủng virus HPV khác có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung, dù hiếm gặp nhưng không phải là không thể xảy ra. Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ khác gây nên ung thư cổ tử cung như người bệnh đang mắc các bệnh lý tổn thương niêm mạc tử cung, các yếu tố di truyền từ người thân,…

Do đó, việc khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là rất cần thiết, kịp thời phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư cổ tử cung và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, vắc xin phòng HPV cũng không bảo vệ chị em khỏi các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) khác hoặc điều trị các bệnh có liên quan đến viêm nhiễm do HPV. Vì vậy, chị em vẫn cần lưu ý quan hệ tình dục an toàn để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc lây nhiễm các bệnh STIs.

Tiêm phòng HPV có cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung nữa không?

Dù đã tiêm vắc xin phòng HPV chị em vẫn nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên

2.3. Tác dụng phụ sau khi tiêm phòng virus HPV

Một số chị em lo ngại rằng tiêm phòng HPV có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, cho đến nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được do vắc xin chủng ngừa HPV gây ra.

Trong một số trường hợp hi hữu, chị em có thể gặp một số phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình sau khi tiêm phòng là:

– Đau hoặc bị sưng tại vị trí tiêm

– Sốt nhẹ

– Mệt mỏi và cảm thấy đau cơ, khớp

– Đau bụng, buồn nôn hoặc bị tiêu chảy

Nếu gặp các tác dụng phụ ở trên hoặc bất kỳ một tác dụng phụ nào khác, chị em nên thông báo cho bác sĩ.

Trên đây là điều kiện để tiêm phòng HPV và những điều cần lưu ý trước và sau khi tiêm dành cho chị em. Mong rằng những thông tin trên phần nào đã giúp chị em hiểu hơn về phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả này. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, chị em có thể liên hệ ngay Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn và giải đáp nhanh nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital