Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn sớm thường nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp thông thường. Đại đa số các trường hợp mắc ung thư phổi thường được phát hiện ở các giai đoạn tiến triển, giai đoạn muộn với các biểu hiện lâm sàng rõ ràng hơn rất nhiều. Triệu chứng của bệnh lý ung thư phổi sẽ tùy thuộc vào giai đoạn đoạn bệnh, vị trí khối u, mức độ xâm lấn, tuổi tác… mà sẽ xảy ra khác nhau ở mỗi người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư phổi là gì, có những loại nào?
Ung thư phổi là một bệnh lý ác tính ở đường hô hấp khởi phát từ phổi. Khối u ác tính hình thành trong phổi phát triển nhanh chóng về kích thước dẫn đến sự chèn ép đến cơ quan lân cận, và di căn đến những cơ quan xa trong cơ thể.
Ung thư phổi được phân loại thành hai dạng khác nhau là:
– Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) là dạng bệnh mắc phổ biến chiếm tỷ lệ lên đến 80-85%. Đây là dạng u phổi ác tính xuất phát ở biểu mô tế bào vảy, biểu mô tuyến, biểu mô tế bào lớn.
– Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) hay còn được biết đến với tên gọi là ung thư biểu mô tế bào nhỏ, có tỷ lệ người mắc thấp hơn là khoảng 15-20% hầu như chỉ xảy ra ở đối tượng người nghiện thuốc lá nặng. Ung thư phổi tế bào nhỏ cũng có tiên lượng xấu hơn so với ung thư phổi không tế bào nhỏ bởi tốc độ phát triển và khả năng lây lan nhanh của nó.
2. Phân loại các giai đoạn của bệnh ung thư phổi
Cũng dựa vào phân loại của bệnh ung thư phổi mà giai đoạn bệnh cũng sẽ được phân chia, xác định rõ ràng thông qua 2 dạng bệnh lý này như sau:
Bốn giai đoạn chính của bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ gồm:
– Giai đoạn 1: Tế bào ác tính được tìm thấy trong phổi chưa lây lan ra bên ngoài.
– Giai đoạn 2: Tế bào ung thư xuất hiện ở phổi và đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
– Giai đoạn 3: Tế bào ung thư lan nhanh và rộng hơn đến lồng ngực giữa tim và phổi.
– Giai đoạn 4: Ung thư phổi đã lan đến hơn 1 vị trí của phổi, chất lỏng bao quanh phổi hoặc tim hoặc các cơ quan xa trong cơ thể thông qua máu.
Hai giai đoạn của ung thư phổi tế bào nhỏ gồm:
– Giai đoạn hạn chế hay giai đoạn khu trú: Tế bào ác tính chỉ nằm ở trong 1 lá phổi hoặc hạch bạch huyết ở cùng bên phổi.
– Giai đoạn mở rộng: Tế bào ung thư phát triển mạnh, xâm lấn cả hai 2 phổi, thậm chí đã di căn đến não, gan, xương, tuyến thượng thận…
3. Các triệu chứng điển hình của bệnh lý ác tính – ung thư phổi
Nhìn chung triệu chứng của hai loại u phổi ác tính này là tương tự nhau. Tuy nhiên ở mỗi người bệnh các triệu chứng ung thư phổi có thể xảy ra khác nhau cả về tần suất và mức độ tùy thuộc vào vị trí khối u, mức độ xâm lấn di căn, tình trạng sức khỏe chung của người bệnh…
3.1 Triệu chứng về hô hấp là dấu hiệu ung thư phổi
– Khó thở là triệu chứng có thể xuất hiện khi khối u chèn ép, gây bít tắc đường hô hấp hoặc khi khối u gây ra các tình trạng viêm nhiễm, tràn dịch màng phổi, màng tim…
– Thở khò khè, thở rít là một dấu hiệu khi khối u lan đến vào khí quản gây hẹp đường thở của người bệnh.
– Ho dai dẳng là một triệu chứng của ung thư phổi khi niêm mạc phế quản phản ứng với khối u trong phổi. Bệnh nhân có thể sẽ ho kéo dài, ho khan, thậm chí là ho sẽ lẫn đờm, lẫn máu. Nguyên nhân gây ho ra máu ở bệnh nhân ung thư phổi là do u xâm nhập vào động mạch phế quản nhỏ.
3.2 Các triệu chứng của ung thư phổi do khối u chèn ép xâm lấn trong lồng ngực
– Đau ngực: Khi khối u phổi ác tính xâm lấn vào ngực nó có thể gây ra triệu chứng đau tức ngực bởi thành ngực có rất nhiều sợi thần kinh kết nối với nhau . Cơn đau có thể sẽ diễn biến nặng hơn khi thở sâu, ho, cười. Cơn đau ngực có thể xuất hiện với biểu hiện đau âm ỉ, đau kéo dài. Vị trí đau cụ thể có thể ở thành ngực khi khối u ác tính ở ngoại vi dính vào thành ngực, đau ở xương đòn khi khối u nằm ở thùy trên của phổi, đau vùng vú khi khối u nằm ở gần rốn của phổi.
– Khàn tiếng kéo dài không thể phục hồi, thậm chí giọng nói trở nên trầm và khàn hơn trước.
– Nuốt khó: Triệu chứng này có thể do khối u phát triển khiến hạch trung thất to chèn ép gây tắc nghẽn hoặc do tổn thương dây thanh quản quặt ngược dẫn đến khả năng nuốt của họng bị ảnh hưởng
– Tràn dịch màng phổi: Dịch có màu vàng chanh, màu hồng hoặc màu đỏ máu… Bệnh nhân sẽ có biểu hiện khó thở khi gắng sức hoặc khó thở thường xuyên tùy thuộc mức độ tràn dịch.
– Tràn dịch màng tim: Người bệnh thường nhận thấy khó thở (đặc biệt là khi nằm), và có kèm theo cảm giác lo âu, bó chặt ngực dưới xương ức, tĩnh mạch khu vực cổ nổi, hình ảnh gan to.
4. Phương pháp điều trị bệnh lý ác tính – ung thư phổi
Mục đích của phác đồ điều trị ung thư phổi là kiểm soát toàn diện, loại bỏ khối u, kiểm soát triệu chứng, nâng cao sức khỏe của người bệnh. Và tùy vào giai đoạn bệnh, mức độ di căn, tuổi tác, tình trạng sức khỏe chung mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ có các phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, bệnh nhân có thể sẽ cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lá phổi, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ phương pháp điều trị chủ yếu là hóa trị và xạ trị, bởi hầu hết các trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, khối u đã quá lớn.
Triệu chứng ung thư phổi thường không quá rõ ràng để người bệnh lo lắng đi khám sớm ngay từ thời điểm khởi phát, mà thường nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thông thường. Chỉ đến khi các triệu chứng này trở nặng người bệnh mới đi thăm khám và phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy lời khuyên đưa ra là nên thăm khám sớm ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu lạ, sàng lọc ung thư nói chung, ung thư phổi nói riêng định kỳ hàng năm để có thể kịp thời phòng ngừa dưới sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa, hay phát hiện bệnh sớm giúp gia tăng khả năng điều trị hiệu quả.