Võng mạc là bộ phận quan trọng nhất của mắt người, đó là 1 tấm màng thần kinh, là nơi tiếp nhận ánh sáng, thông qua các tế bào và dây thần kinh thị giác gửi thông tin về não. Khi mắc bệnh võng mạc, thị lực bị suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ mù lòa. Trên thực tế, đây là nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa trên toàn thế giới chỉ sau đục thủy tinh thể. Dưới đây là 4 bệnh lý về võng mạc thường gặp nhất.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh võng mạc tiểu đường
Đây là bệnh mắc phải do biến chứng của bệnh nền tiểu đường sau 10 – 15 năm mắc. Bệnh nhân mắc tiểu đường lâu năm, không kiểm soát lượng đường trong máu có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nguyên nhân gây mất thị lực ở bệnh nhân tiểu đường là do tăng sinh võng mạc trên nền võng mạc bị tổn thương. Các mạch máu nhỏ li ti dễ bị vỡ khiến cho máu chảy vào võng mạc và dịch kính. Biến chứng muộn hơn của bệnh có thể gây nên những bệnh lý nặng hơn như bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp, làm gia tăng khả năng mất thị lực của người bệnh.
Các biểu hiện thường thấy có thể điểm qua:
– Ở giai đoạn sớm chưa gây mất thị lực nhưng bệnh nhân thấy xuất hiện các đốm đen hoặc chớp sáng trong tầm nhìn. Bên cạnh đó, bệnh nhân dần mất khả năng nhận biết màu sắc.
– Khi bệnh tiến triển nặng hơn thì bệnh nhân sẽ giảm sút thị lực rõ rệt hoặc mất thị lực thoáng qua trong thời gian ngắn
– Giai đoạn tiền tăng sinh sẽ có các dấu hiệu xuất tiết, xuất huyết võng mạc
– Giai đoạn tăng sinh gây rách hoặc bong võng mạc dẫn đến mù lòa
Hiện tại có 3 phương pháp điều trị bệnh được sử dụng phổ biến:
– Dùng laser quang đông tiêu diệt các vùng võng mạc bất thường, các tân mạch và điều trị phù hoàng điểm
– Tiêm thuốc vào nhãn cầu các thuốc chống tân mạch, chống phù hoàng điểm
– Phương pháp phẫu thuật dịch kính võng mạc được chỉ định khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng
2. Bong võng mạc
Bong võng mạc là tình trạng mô võng mạc bong ra khỏi vị trí ban đầu. Giai đoạn sớm là vết rách nhỏ khiến võng mạc không được nuôi dưỡng và dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực. Bệnh lý bong võng mạc là một cấp cứu nhãn khoa, cần được điều trị kịp thời trong khoảng 24 đến 72h.
Người mắc bong võng mạc có các dấu hiệu điển hình như:
– Thấy chớp sáng góc mắt
– Xuất hiện nhiều chấm đen, ruồi bay trong tầm nhìn
– Chỉ phân biệt được sáng tối khi bệnh trở nặng
– Xuất hiện mảng tối lớn che trước mắt do đã có mảng lớn võng mạc bị bong ra
– Nhòe mờ thị lực trung tâm
– Nhiều khi bệnh xuất hiện đột ngột khiến người bệnh bị mất thị lực toàn phần ở 1 mắt
Nguyên nhân gây bong võng mạc:
– Do thoái hóa võng mạc, đặc biệt là võng mạc chu biên
– Có tiền sử chấn thương mắt, cận nặng của bản thân hoặc gia đình
– Người mắc bệnh lý võng mạc đái tháo đường
– Hiện tượng bong dịch kính sau gây bong võng mạc ở người bệnh trên 60 tuổi
– Các chấn thương
– Người mắc cận thị nặng hoặc trẻ em mắc cận thị nặng
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh bong (rách) võng mạc tùy thuộc vào tình trạng bệnh như:
– Phẫu thuật Laser hàn võng mạc về vị trí cũ
– Cryopexy làm lạnh cường độ cao xung quanh vết rách đưa võng mạc về vị trí cũ
– Bơm khí Gas injection
– Phẫu thuật
Sau khi điều trị, thị lực bệnh nhân có thể tăng lại hoặc giữ nguyên như cũ. Các bác sĩ qua thăm khám sẽ đưa ra chỉ định phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Hậu phẫu, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ về chăm sóc mắt cũng như tái khám, khám định kỳ.
3. Bệnh võng mạc tăng huyết áp
Huyết áp cao gây áp lực lên các mạch máu, không ngoại trừ các mạch máu nhỏ li ti ở võng mạc. Bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như tắc nghẽn mạch máu ở mắt, chảy máu mắt trong,…
Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn và có thể dẫn tới mù lòa.
– Giai đoạn 1: các tiểu động mạch bị thu nhỏ
– Giai đoạn 2: tiểu động mạch thu nhỏ lệch hướng tĩnh mạch ở đoạn bắt chéo
– Giai đoạn 3: tiểu động mạch thu nhỏ như sợi dây đồng có thể kèm theo xuất huyết hình ngọn nến, xuất tiết dạng bông
– Giai đoạn 4: động mạch khi này thu nhỏ và phù gai thị
Bệnh nhân mắc các bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp thường có các biểu hiện:
– Suy giảm thị lực
– Mắt sưng
– Nhìn đôi kèm theo cảm giác đau đầu, khó chịu, sợ ánh sáng
– Qua thăm khám có thể thấy dấu hiệu đứt vỡ mạch máu
Do đây là bệnh gây ra bởi biến chứng của tăng huyết áp nên trong việc điều trị, bệnh nhân cần phải chú ý sử dụng đều đặn thuốc kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng các loại thuốc giãn tĩnh mạch, trị liệu laser hoặc phẫu thuật cắt dịch kính. Mỗi phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh và thời gian mắc bệnh.
4. Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non
Trẻ sơ sinh đẻ thiếu tháng, thiếu cân có nguy cơ rất cao mắc các bệnh võng mạc. Cụ thể, trẻ có tuổi thai dưới 37 tuần hoặc nặng dưới 2500gam thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Khi sinh non, các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc chưa phát triển đủ, còn yếu, thậm chí chúng sẽ phát triển một cách bất thường.
Về dấu hiệu, trẻ sinh non không thể hiện các dấu hiệu sớm, bệnh chỉ được phát hiện khi đã tiến tới giai đoạn cuối. Vì vậy, phụ huynh nên chú ý cho con đi khám định kỳ, đặc biệt vào khoảng tuần thứ 7 – 9 để sớm phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh.
Các bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh thường sẽ tự hết, các triệu chứng dần thuyên giảm. Tuy nhiên, một số trường hợp không tự khỏi và trở thành tật khúc xạ cận thị hoặc bệnh lác mắt khi trẻ lớn hơn. Nếu bệnh phát triển nặng hơn, các bác sĩ có thể dùng phương pháp laser hoặc làm lạnh đông để phá hủy các mạch máu bất thường. Một số trường hợp có thể được chỉ định tiêm thuốc nội nhãn.
Các bệnh võng mạc đều là các bệnh rất nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến thị lực con người. Vì vậy, hãy thăm khám mắt định kỳ để phòng ngừa và sớm phát hiện bệnh tật, giữ gìn đôi mắt sáng khỏe. Chuyên khoa Mắt Thu Cúc TCI tự hào là cơ sở y tế uy tín, chất lượng, đáng chọn để chăm sóc sức khỏe đôi mắt của bạn.