Võng mạc tiểu đường: Cách chẩn đoán và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

1. Tìm hiểu về bệnh lý võng mạc tiểu đường

1.1. Định nghĩa

Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucid mạn tính. Đái tháo đường nằm trong nhóm bệnh lý không lây truyền có tốc độ phát triển nhanh nhất bên cạnh ung thư và bệnh tim mạch. Có thể chia đái tháo đường thành 2 loại:

– Đái tháo đường tuýp 1 (phụ thuộc insullin) thường gặp ở lứa tuổi 10 – 20.

– Đái tháo đường tuýp 2 (không phụ thuộc insullin) thường gặp ở lứa tuổi 50 – 70.

Bệnh gây ra nhiều biến chứng tại mắt, tim mạch, thần kinh và thận. Trong đó biến chứng tại mắt hay còn gọi là bệnh lý võng mạc đái tháo đường cực kỳ phổ biến.

Khi đường huyết tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc, cắt nguồn cung cấp máu cho vị trí này. Lúc này mắt sẽ cố gắng phát triển các mạch máu mới, nhưng chúng không phát triển đúng cách và dễ dàng bị rò rỉ. Trong giai đoạn đầu, bệnh lý võng mạc đái tháo đường không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện dấu hiệu nhẹ ở thị lực tuy nhiên về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến mù lòa.

Bên cạnh đó, phần trăm gặp biến chứng về mắt ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 cao gấp đôi tuýp 2 (40% so với 20%) và bệnh cũng là nguyên nhân gây mù lòa thường gặp trong độ tuổi 20 – 65.

võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng của tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian dài.

1.2. Các giai đoạn bệnh

Bệnh có thể được chia thành 2 giai đoạn:

– Bệnh võng mạc nền không tăng sinh: Đây là giai đoạn đầu của bệnh võng mạc đái tháo đường khi các mạch máu nhỏ bị rò rỉ khiến võng mạc sưng lên, gây bệnh phù hoàng điểm. Đây cũng là lý do phổ biến nhất khiến bệnh nhân tiểu đường mất thị lực. Ngoài ra các mạch máu trong võng mạc có thể co hẹp lại gây thiếu máu cục bộ hoàng điểm, dịch tiết hình thành trong võng mạc làm ảnh hưởng đến thị lực.

– Bệnh võng mạc tăng sinh: Đây là giai đoạn nặng hơn của bệnh, xảy ra khi võng mạc bắt đầu phát triển các mạch máu mới. Những mạch máu này thường mỏng manh, dễ rỉ máu vào dịch kính khiến tầm nhìn suy giảm. Ngoài ra, những mạch máu mới có thể hình thành các mô sẹo, ảnh hưởng tới hoàng điểm dẫn đến bong võng mạc.

1.3. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý võng mạc tiểu đường

Bệnh nhân võng mạc đái tháo đường thường không có dấu hiệu bất thường trong giai đoạn đầu. Khi bệnh vào giai đoạn tiến triển mới dần xuất hiện các triệu chứng như:

– Nhìn mờ.

– Nhìn thấy vùng sáng/tối.

– Khó nhìn vào buổi đêm.

– Thấy màu sắc mờ nhòe.

– Tầm nhìn thu hẹp.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở mắt, bệnh nhân tiểu đường cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

1.4. Đối tượng có nguy cơ cao mắc võng mạc tiểu đường

Bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường nào cũng có nguy cơ gặp biến chứng tại mắt, tuy nhiên bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc võng mạc đái tháo đường cao hơn nếu có các yếu tố sau:

– Tiểu đường thời gian dài.

– Tiểu đường thai kỳ.

– Không kiểm soát tốt đường huyết.

– Cao huyết áp.

– Cholesterol cao.

Trong đó, thời gian mắc tiểu đường là rất quan trọng khi thời gian bệnh càng lâu thì tỉ lệ biến chứng mắt càng cao. Ở bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trước 30 tuổi có 50% nguy cơ biến chứng mắt sau 10 năm và 90% nguy cơ biến chứng mắt sau 30 năm.

võng mạc tiểu đường

Bệnh nhân đái tháo đường càng lâu càng có nguy cơ cao mắc biến chứng mắt.

2. Phương pháp chẩn đoán, điều trị và đề phòng bệnh võng mạc đái tháo đường

2.1. Phương pháp chẩn đoán

Khi bệnh nhân đái tháo đường nghi ngờ có biến chứng mắt sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các kiểm tra như:

– Soi đáy mắt: Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc làm giãn nở đồng tử và quan sát võng mạc thông qua một thấu kính đặc biệt.

Chụp cắt lớp quang học: Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát kỹ võng mạc cũng như tìm và đo mức độ phù hoàng điểm.

– Chụp mạch OCT: Đây là phương pháp giúp phát hiện các tổn thương như phù, xuất huyết, thiếu máu, tân mạch bất thường rất chính xác. Chụp mạch OCT cũng là phương pháp cực kỳ hiện đại để đánh giá tình trạng phù, tổn thương của võng mạc trung tâm.

2.2. Phương pháp điều trị

Tùy vào tình trạng của mắt mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Tuy nhiên, việc đầu tiên mỗi người bệnh cần làm là kiểm soát lượng đường huyết và huyết áp để ngăn chặn tình trạng mất thị lực. Bệnh nhân cần thăm khám và nhận hướng dẫn về chế độ ăn uống cũng như vận động hợp lý từ bác sĩ để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị phổ biến có thể kể đến là:

– Tiêm thuốc vào mắt để giảm phù hoàng điểm, làm chậm quá trình mất thị lực và cải thiện thị lực. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm avastin, eylea, lucentis,… Thuốc được tiêm vào mắt và bệnh nhân có thể tiêm nhiều mũi trong thời gian điều trị.

– Sử dụng tia laser để giảm sưng võng mạc, làm các mạch máu co lại và ngừng rò rỉ. Trước khi thực hiện bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tê vào mắt và bác sĩ sẽ sử dụng một thấu kính đặc biệt để nhắm tia laser vào đúng vị trí.

– Phẫu thuật cắt bỏ dịch kính được chỉ định trong trường hợp bong võng mạc nhằm sửa các vết rách, lỗ hổng tại võng mạc, giải quyết tình trạng xuất huyết dịch kính và chữa các nguồn chảy máu ở võng mạc.

2.3. Phương pháp đề phòng

Một số phương pháp ngăn ngừa biến chứng tại mắt của bệnh nhân đái tháo đường bao gồm:

– Kiểm soát tốt đường huyết, duy trì ở mức ổn định để tránh gây tổn thương đến các mạch máu. Một số phương pháp phổ biến để kiểm soát đường huyết có thể kể đến chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp, sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tái khám thường xuyên và chủ động kiểm tra lượng đường huyết trong cơ thể mỗi ngày.

– Thăm khám chuyên khoa mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và điều trị từ sớm, đem lại kết quả khả quan và tránh các biến chứng nguy hiểm.

– Giữ huyết áp và mức cholesterol ở mức an toàn.

– Không hút thuốc lá bởi nó làm gia tăng nguy cơ mắc các biến chứng đái tháo đường.

– Quan tâm đến sức khỏe mắt, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác.

võng mạc tiểu đường

Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Trên đây là những thông tin chung về bệnh lý võng mạc tiểu đường. Hi vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc của bản thân. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp tận tình nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital