Đi siêu âm thai có được ăn gì không là câu hỏi rất nhiều mẹ bầu thắc mắc mỗi lần đi khám thai. Vậy trước khi đi siêu âm nói riêng và đi khám thai nói chung mẹ bầu cần chuẩn bị như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Kỹ thuật siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai thực chất là một kỹ thuật y tế sử dụng các sóng âm cao tần giúp ghi lại hình ảnh của em bé trong tử cung của mẹ. Hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy vị trí của em bé, hình dáng cũng như các cử động của thai nhi. Thông qua đó, bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của bé. Đồng thời đây là một trong những phương pháp hiệu quả giúp phát hiện sớm những dị tật, bất thường của thai nhi để kịp thời xử lý.
Hiện nay, công nghệ siêu âm phát triển, ngoài siêu âm 2D cho hình ảnh trắng đen truyền thống, ở các thời điểm phù hợp, mẹ có thể sử dụng siêu âm 3D, 4D, 5D để cho hình ảnh màu rõ nét và chân thực nhất.
2. Đi siêu âm thai có được ăn gì không?
Siêu âm thai là kỹ thuật được thực hiện trong toàn bộ các mốc khám thai quan trọng. Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc vấn đề ăn trước khi siêu âm vì lo lắng sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả siêu âm.
Theo các bác sĩ sản khoa, việc ăn uống trước khi siêu âm không làm ảnh hưởng tới kết quả, do đó mẹ bầu có thể ăn uống bình thường để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, tuỳ vào từng mốc khám thai, ngoài siêu âm, chị em có thể phải làm thêm các xét nghiệm khác nhau, và một số xét nghiệm yêu cầu mẹ bầu phải nhịn ăn để có kết quả chính xác. Vì vậy, trước khi đi thăm khám, chị em nên gọi điện trước tới bệnh viện để được tư vấn xem có cần nhịn ăn để thực hiện xét nghiệm hay không.
Ngoài ra, mẹ bầu trước khi đi khám thai nên uống nhiều nước và nhịn tiểu, nhằm mục đích giúp bàng quang căng, siêu âm sẽ cho hình ảnh rõ nét và chính xác hơn.
3. Các mốc siêu âm thai quan trọng
Siêu âm có ý nghĩa quan trọng trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Các mốc siêu âm thai quan trọng không được bỏ qua gồm:
3.1. Siêu âm từ 5 – 8 tuần tuổi
Đây là mốc siêu âm thai đầu tiên trong thai kỳ. Ở mốc siêu âm này, bác sĩ sẽ giúp mẹ kiểm tra xem thai đã thực sự làm tổ trong buồng tử cung hay chưa để loại trừ nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Thai nhi được đo kích thước túi thai, chiều dài đầu mông để tính tuổi thai,xác định đơn thai hay đa thai,. Khi thai 8 tuần tuổi, mẹ sẽ bắt đầu nghe được nhịp tim của thai nhi. Trong trường hợp không thấy tim thai, mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định siêu âm trong tuần tiếp theo để ngăn ngừa nguy cơ thai ngừng phát triển hoặc thai chậm phát triển.
Ở mốc đầu tiên này, siêu âm 2D được sử dụng phổ biến.
3.2. Siêu âm từ 11 – 13 tuần tuổi
Đây là mốc siêu âm quan trọng thứ 2 mẹ không được bỏ qua. Ở mốc siêu âm này, mẹ có thể sử dụng siêu âm màu 5D. Từ mốc siêu âm này, mẹ sẽ bắt đầu quan sát thấy những biểu cảm trên gương mặt của bé.
Kết quả siêu âm trong thời gian này sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác độ mờ da gáy. Đây là yếu tố quan trọng giúp phát hiện sớm những bất thường về nhiễm sắc thể liên quan tới hội chứng Down. Trong đó:
– Chỉ số này = <2,5 mm thì thai nhi có nguy cơ thấp.
– Nằm trong khoảng 2,5 – 3 mm xác suất nguy cơ mắc bệnh gia tăng.
– Nếu > 3mm thì nguy cơ rất cao.
Ngoài ra, các nguy cơ bất thường liên quan tới tim hay thoát vị cơ hoành cũng được đánh giá thông qua siêu âm.
3.3. Siêu âm từ 21 – 24 tuần tuổi
Mốc siêu âm này giúp bác sĩ đánh giá được hình thái thai nhi thông qua hình ảnh chi tiết của các bộ phận trên cơ thể của bé, bao gồm:
Sự hiện diện của các cơ quan nội tạng, đánh giá chức năng tim, phổi, dạ dày,..
– Quan sát những đường nét trên gương mặt, phát hiện những dị tật như hở hàm ếch, sứt môi, dị tật tai,… nếu có.
– Đo đường kính lưỡng đỉnh, kiểm tra những bất thường ở đầu.
– Kiểm tra tứ chi đầy đủ.
– Kiểm tra bánh rau.
– Kiểm tra mức nước ối mức bình thường hay đa ối hoặc thiếu ối.
Đây là mốc siêu âm quan trọng trong thai kỳ. Kết quả siêu âm sẽ là cơ sở quan trọng giúp bác sĩ có những tư vấn, điều trị phù hợp với sức khỏe của mẹ và bé. Trong trường hợp xấu nhất có thể phải đình chỉ thai nhi.
3.4. Siêu âm mốc 30- 32 tuần tuổi
Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, siêu âm sẽ giúp phát hiện những bất thường liên quan tới tim, động mạch hay tử cung, nước ối,… Những nguy cơ tiềm ẩn khiến sinh non, suy thai,.. cũng sẽ được phát hiện sớm để phòng ngừa.
Từ 30 tuần tuổi, các chỉ số về nước ối, vị trí bánh rau, cân nặng thai nhi,… cần được theo dõi sát sao để chuẩn cho cuộc vượt cạn sắp tới của mẹ được diễn ra thuận lợi nhất.
4. Những lưu ý để siêu âm thai cho kết quả tốt nhất
Để siêu âm được diễn ra thuận lợi thì sự chuẩn bị của mẹ là vô cùng cần thiết. Mẹ lưu ý chuẩn bị những điều sau đây:
- Về trang phục, mẹ bầu nên mặc thoải mái, tránh mặc các đồ bó.
- Trong vòng 12 tiếng trước khi siêu âm, mẹ không được sử dụng các đồ ăn, thức uống hoặc các đồ có chứa chất kích thích: rượu, bia, tăng lực, thuốc lá,…
- Nên siêu âm vào buổi sáng và nhịn ăn sáng để thuận lợi cho các thăm khám đi kèm khác. Sau khi kết thúc thăm khám, mẹ bầu nên ăn nhẹ để tránh bị hạ đường huyết.
5. Có nên siêu âm nhiều lần hay không?
Siêu âm không gây ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên không cần thiết thực hiện siêu âm quá nhiều lần ngoài các mốc thăm khám và không có chỉ định thêm của bác sĩ. Thay vào đó, mẹ bầu nên có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp mẹ bầu trang bị thêm những hiểu biết cần thiết về siêu âm và sự cần thiết của siêu âm trong quá trình chăm sóc sức khỏe thai kỳ.