Dây rốn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Thông thường, dây rốn sẽ bám ở vị trí trung tâm bánh nhau. Nhưng trong một số thai kỳ lại xuất hiện biến thể vị trí bám của dây rốn vào bánh nhau như dây rốn bám lệch tâm, bám màng… Điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của thai nhi.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của dây rốn với thai nhi
Khi thai nhi được 5 tuần, dây rốn sẽ hình thành. Dây rốn thường có đường kính khoảng 1-2cm và dài khoảng 60cm. Một đầu dây rốn sẽ gắn ở giữa thai nhi còn đầu kia gắn vào trung tâm bánh nhau. Chức năng của dây rốn là cho phép vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ sang thai nhi, đồng thời đào thải các chất có hại từ thai nhi qua mẹ. Chính vì vậy nếu dây rốn hoạt động tốt thì em bé sẽ khỏe mạnh cho đến khi chuyển dạ.
Sau khi bé chào đời, dây rốn sẽ không còn tác dụng nữa và được bác sĩ cắt đi. Phần còn lại sẽ khô và tự rụng sau vài ngày, hình thành lỗ rốn tồn tại trên bụng suốt đời.
2. Dây rốn bám lệch tâm có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Như đã chia sẻ ở trên, dây rốn bám ở trung tâm bánh nhau được xem là vị trí bám bình thường. Điều này sẽ giúp đường dẫn truyền dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi được thuận lợi nhất. Ngoài ra, còn có một số biến thể của vị trí cắm dây rốn vào bánh nhau như: Dây rốn không bám vào trung tâm bánh nhau, dây rốn bám rìa, dây rốn bám màng.
2.1. Dây rốn bám lệch tâm
Dây rốn bám lệch tâm bánh nhau là trường hợp khoảng cách từ vị trí bám của dây rốn vào bánh nhau cách bờ bánh nhau lớn hơn 2cm. Vị trí bám này của dây rốn vẫn được xem là bình thường và không gây ảnh hưởng nào xấu cho thai nhi.
2.2. Dây rốn bám mép
Đây là trường hợp dây rốn không bám ở trung tâm bánh nhau mà lại bám ở mép (rìa) bánh nhau. Cụ thể hơn, vị trí bám của dây rốn vào bánh nhau chỉ cách rìa bánh nhau ít hơn 2cm. Theo thống kê, tỉ lệ dây rốn bám mép chiếm khoảng 7% thai kỳ đơn thai và khoảng 25% thai kỳ đa thai.
Trong hầu hết các trường hợp, dây rốn bám mép không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên trong một số thai kỳ, tình trạng này lại có thể khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng (gốc dây rốn càng nằm gần trung tâm thì việc cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi càng tốt hơn). Nguy hiểm hơn, nếu không biết trước để mổ chủ động khi dây rốn bám rìa cực dưới, thì ở thời điểm thai phụ chuyển dạ có thể gây suy thai hoặc đột tử thai.
Hiện tượng dây rốn bám rìa bánh nhau không có dấu hiệu đặc biệt mà chỉ được phát hiện khi mẹ bầu đi siêu âm. Chính vì vậy các thai phụ cần đi khám và siêu âm định kỳ để theo dõi sự tăng trưởng của thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối. Từ đó có hướng quản lý thai kỳ và lên phương án sinh nở phù hợp.
2.3. Dây rốn bám màng
Dây rốn bám màng khá hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 1% các trường hợp mang thai đơn và 7% thai kỳ song thai. Do bám trực tiếp vào màng ối nên mạch máu thai nhi từ dây rốn phải đi qua màng ối, màng đệm trước khi đến được bánh nhau. Điều này sẽ làm giảm lượng dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi từ bánh nhau, có trường hợp thai nhi chỉ nhận được khoảng 30% dinh dưỡng. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.
Trong trường hợp dây rốn bám màng kèm theo mạch máu tiền đạo, các mạch máu của dây rốn thai nhi hoạt động trong tình trạng không có sự bảo vệ của lớp thạch Wharton, nên dễ bị chèn ép và đứt ra khi có tác động. Trong lúc chuyển dạ, thai có nguy cơ tử vong vì các mạch máu dính rất chặt vào lớp màng đệm nên dễ vỡ ra khi có cơn co tử cung, vỡ tự nhiên hoặc khi bấm ối. Như vậy có thể thấy dây rốn bám màng là một tình trạng hiếm gặp trong sản khoa, có thể nguy hiểm với thai nhi.
Ngày nay, với thiết bị siêu âm hiện đại, tình trạng dây rốn bám màng có thể dễ dàng phát hiện trong thai kỳ. Các mẹ bầu được chẩn đoán bị dây rốn bám màng, đặc biệt là các trường hợp có kèm theo mạch máu tiền đạo cần hết sức lưu ý, tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để giữ thai kỳ khỏe mạnh. Cần thông báo ngay cho bác sĩ và đến viện kiểm tra khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ biến chứng thai kỳ liên quan đến dây rốn, mạch máu tiền đạo.
Biến chứng của dây rốn bám màng thường gặp là:
– Mạch máu tiền đạo loại I
– Thai chậm tăng trưởng trong bụng mẹ
– Rối loạn tăng trưởng bào thai (growth discordance)
– Hội chứng truyền máu cho nhận song thai (twin-twin transfusion syndrome –TTTS)
Hiện tại, y học chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này vì thế vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa. Cách phòng ngừa tốt nhất là mẹ bầu cần đi thăm khám và siêu âm định kỳ. Khi đó bác sĩ sẽ lên phương án quản lý thai kỳ nhằm đảm bảo an toàn và có phương pháp sinh nở phù hợp.
Khi phát hiện gặp phải dây rốn bám màng, mẹ bầu cần hạn chế cử động, tránh xách, mang vác nặng, kiêng quan hệ tình dục và tránh leo cầu thang nhiều, đi xa, tránh đường xóc.
Bất thường vị trí bám của dây rốn là một trong những vấn đề cần được chú trọng trong thai kỳ vì liên quan mật thiết đến sự tăng trưởng của thai nhi. Tuy nhiên các mẹ bầu có thể thấy rằng hầu hết những bất thường này hoàn toàn có thể tầm soát bằng siêu âm. Do vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh, yên tâm chào đón con yêu, các mẹ bầu hãy thực hiện khám thai và siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa Sản nhé.