Sự xuất hiện của nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ tại khu vực miền Nam đang khiến nhiều người lo lắng và hoang mang không biết đậu mùa khỉ là bệnh gì. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính cần được chú ý, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai với nhiều nguy cơ biến chứng tiềm ẩn. Tìm hiểu về căn bệnh này ngay bên dưới, mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh gì?
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt nguồn từ virus đậu mùa khỉ. Căn bệnh này bắt nguồn từ động vật và lây lan sang con người, và có thể lây lan giữa người với người.
Bệnh thường phổ biến ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, đặc biệt là trong các khu vực có rừng nhiệt đới và tồn tại các loài động vật có khả năng mang virus đậu mùa khỉ. Bên cạnh đó, người mắc bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được ghi nhận ở một số quốc gia khác ngoài Trung Phi và Tây Phi, khi họ di chuyển từ những khu vực có sự lưu hành của virus đậu mùa khỉ.
Tại Việt Nam, những ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên bùng phát trong nước cũng đã được ghi nhận. Từ đầu tháng 7/2023 đến 9/10/2023, Việt Nam ghi nhận 16 ca mắc đậu mùa khỉ, rải rác tại các tỉnh Hồ Chí Minh và Bình Dương. Số ca đậu mùa khỉ đột ngột tăng trong thời gian qua đã khiến nhiều người lo lắng.
2. Biểu hiện nhiễm bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng đa dạng. Một số người chỉ trải qua triệu chứng nhẹ, trong khi những người khác có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc y tế. Những người có nguy cơ cao mắc phải bệnh đậu mùa khỉ nặng hoặc phát triển biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và những người có hệ miễn dịch suy giảm.
– Triệu chứng thường gặp của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm đau đầu cực kỳ, đau cơ, đau lưng, sốt, suy nhược cơ thể và sưng hạch bạch huyết.
– Sau đó, phát ban xuất hiện và có thể kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Nốt ban thường tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, họng, mắt, miệng, vùng bẹn và xung quanh khu vực hậu môn.
– Tổn thương da có thể có từ một vài nốt cho đến hàng nghìn nốt. Ban đầu, tổn thương là phẳng, sau đó chuyển thành nốt nước hoặc mủ trước khi trở thành vảy, khô và bong vảy, cuối cùng tạo thành một lớp da mới.
3. Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Chủng đậu mùa khỉ ban đầu được phát hiện ở khỉ vào năm 1958 nhưng đến nay thì động vật gặm nhấm đang được xem là nguồn lây chính. Ở châu Phi, virus đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở nhiều loại động vật khác như sóc, chuột,… Con người có thể bị nhiễm virus đậu mùa khỉ thông qua ba con đường chính sau:
– Virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể thông qua các tổn thương như vết cắn hoặc vết xước từ động vật mang virus.
– Tiếp xúc với thực phẩm chưa được nấu chín kỹ hoặc sử dụng các sản phẩm từ động vật nhiễm bệnh.
– Virus đậu mùa khỉ lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc gần với người mắc bệnh, thông qua dịch cơ thể, tổn thương trên da hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Virus chủ yếu lây truyền qua giọt bắn đường hô hấp, tuy nhiên, virus không thể lan tỏa xa, vì vậy phải có sự tiếp xúc gần với người bệnh mới có thể bị nhiễm.
– Có thể lây truyền gián tiếp do chạm vào giường, quần áo, hay các vật dụng có nhiễm virus từ người bệnh.
4. Những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ
Bất cứ ai cũng có thể bị lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, những đối tượng sau sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nếu tiếp xúc với virus đậu mùa khỉ:
– Những người sống chung hoặc có tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, cũng như những người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị nhiễm bệnh sẽ phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất.
– Các nhân viên y tế phải chăm sóc cho các bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
– Trẻ sơ sinh, trẻ em, những người có hệ miễn dịch suy giảm và phụ nữ mang thai đang đối mặt với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn và có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng do bệnh đậu mùa khỉ.
5. Các biến chứng tiềm ẩn khi mắc bệnh đậu mùa khỉ ở mẹ bầu
Đậu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Nếu phụ nữ đang mang thai mắc phải bệnh đậu mùa khỉ có thể gặp phải những nguy cơ tiềm ẩn như:
– Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng phụ nữ mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ có khả năng gặp các biến chừng nghiêm trọng trong thai kỳ, bao gồm: sảy thai, thai lưu.
– Chưa có chứng cứ rõ ràng về việc mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ có làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ hay không. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần đặc biệt cẩn trọng đối với sốt cao do đậu mùa khỉ gây ra, vì mẹ sốt cao trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể gia tăng nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
– Trẻ có thể lây nhiễm virus đậu mùa khỉ qua nhau thai từ trong bụng mẹ hoặc lây truyền qua tiếp xúc vết thương hở trong quá trình sinh nở, do đó, trẻ sẽ có khả năng cao bị đậu mùa khỉ bẩm sinh và sẽ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng hơn những người lớn khỏe mạnh.
– Ngoài ra, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe của chính người mẹ như: viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm mô não và viêm não, nhiễm trùng giác mạc, nhiễm trùng thứ cấp,… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đã hiểu được đậu mùa khỉ là bệnh gì và những thông tin về căn bệnh này, mẹ bầu nên cực kỳ cảnh giác với virus đậu mùa khỉ trong giai đoạn nhiều ca bệnh đã bắt đầu bùng phát rải rác ở nước ta. Đồng thời, chú ý tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Như vậy, bài viết vừa chia sẻ đến các mẹ bầu thông tin đậu mùa khỉ là bệnh gì và các biến chứng tiềm ẩn để mẹ chủ động dự phòng bệnh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về bệnh đầu mùa khỉ hay những vấn đề khác gặp phải trong thai kỳ, hãy để lại thông tin bên dưới để được các bác sĩ chuyên khoa tại Thu Cúc TCI hỗ trợ sớm nhất, mẹ nhé!