Dấu hiệu tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Thiếu hụt vitamin B12 là tình trạng ngày càng phổ biến và có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, bao gồm những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Theo BMJ (Tạp chí Y khoa của Anh), tình trạng thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Các tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12 thường gặp là gì và biểu hiện ra sao, cùng tìm hiểu ngay sau đây.

1. Thiếu vitamin B12 có thể gây những tổn thương thần kinh nào?

Vitamin B12 là một dưỡng chất quan trọng trong cơ thể, có chức năng tổng hợp tế bào hồng cầu để tạo máu. Đồng thời tham gia vào sự phát triển của não và các tế bào thần kinh, duy trì chức năng của hệ thần kinh, tiêu hóa,… nhờ đó giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường.

Sau khi được hấp thụ vào cơ thể, vitamin B12 cùng các enzym tham gia vào quá trình tổng hợp DNA, axit béo và myelin (chất béo bao bọc xung quanh các sợi thần kinh, hỗ trợ việc tăng tốc độ dẫn truyền giữa các tế bào thần kinh).

Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, đặc biệt dẫn tới các tổn thương nghiêm trọng đối với hệ thần kinh như:

– Thoái hóa tủy sống

– Thoái hóa các dây thần kinh ngoại biên

– Thoái hóa dây thần kinh thị giác

Các tổn thương này có thể xảy ra cấp tính, có thể phục hồi khi bổ sung đủ vitamin B12 nhưng cũng có thể vĩnh viễn, gây nhiều triệu chứng cho người bệnh và hệ lụy đối với sức khỏe.

Thiếu vitamin B12 gây tổn thương thần kinh như thế nào?

Việc thiếu hụt vitamin B12 có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

2. Các dấu hiệu tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12

2.1 Dấu hiệu điển hình của các tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12

Thiếu vitamin B12 gây ảnh hưởng chủ yếu đến não và tủy sống, các chất trắng, dẫn đến thoái hóa hệ thống thần kinh. Các biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh thường gặp ở những bệnh nhân bị thiếu vitamin B12 gồm:

– Rối loạn cảm giác các chi: Ở giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác rung ở các chi kết hợp với tình trạng yếu cơ, khiến phản xạ giảm từ nhẹ đến trung bình. Ở giai đoạn sau, chân tay có thể co cứng, phản ứng cơ duỗi bàn chân, cảm giác rung ở các chi dưới mất hoàn toàn. Nhiều trường hợp, tê tay chân do thiếu vitamin B12 cũng có thể khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại.

– Đau đầu: Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người có mức vitamin B12 cao ít bị đau nửa đầu hơn 80% so với những người có mức B12 thấp.

– Suy nhược: Tình trạng kích thích và suy nhược nhẹ có thể xảy ra ở một số bệnh nhân bị thiếu vitamin B12.

– Suy giảm trí nhớ: Người bệnh giảm khả năng ghi nhớ những sự việc mới xảy ra, khó ghi nhớ kiến thức, nhầm lẫn vị trí và thời gian. Cần phân biệt với bệnh mất trí nhớ do tuổi tác, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.

– Suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ: Người bệnh khó phân biệt được các sự vật, sự việc, chậm chạp trong giải quyết các vấn đề.

– Tiểu không kiểm soát: Đây là hệ quả của việc giảm phản xạ.

– Trầm cảm và rối loạn tâm thần: Thường xảy ra khi thiếu vitamin B12 nghiêm trọng và mạn tính.

– Mê sảng

– Mất vị giác và khứu giác

2.2 Dấu hiệu khác của các tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12

Viêm lưỡi

– Tăng sắc tố da

– Vô sinh

– Giảm/ mất thính giác

– Hạ huyết áp tư thế

– Thoái hóa xương và thoái hóa hoàng điểm

Dấu hiệu tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12

Đau đầu, tê cứng tay chân có thể là dấu hiệu thần kinh do thiếu vitamin B12

3. Các nguyên nhân dẫn tới thiếu vitamin B12

– Tuổi già đi liền với nguy cơ thoái hóa

– Tình trạng suy dinh dưỡng, chế độ ăn chay thuần chay hoặc ăn chay nghiêm ngặt

– Lạm dụng rượu mạn tính

– Phẫu thuật cắt túi mật, nối tắt dạ dày, tình trạng viêm teo dạ dày

– Sử dụng các loại thuốc trong thời gian dài như metformin, các loại thuốc có khả năng làm thay đổi bài tiết acid dạ dày hoặc pH dạ dày, gây ảnh hưởng đến sự hấp thu hoặc chuyển hóa vitamin B12

– Tình trạng phát triển vi khuẩn quá mức

– Tình trạng viêm hồi tràng giai đoạn cuối, bệnh celiac, bệnh Crohn, bệnh viêm ruột, bệnh Sprue nhiệt đới…

– Nhiễm ký sinh trùng đường ruột do động vật đơn bào Giardia lamblia hoặc sán dây cá Diphyllobothrium latum

– Ảnh hưởng của khí nitrous oxide sử dụng trong gây mê hoặc giải trí

– Các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến quá trình đồng hóa, vận chuyển và chuyển hóa vitamin B12

4. Cách cải thiện tình trạng vitamin B12 giúp ngăn chặn và cải thiện các tổn thương thần kinh

4.1 Bổ sung vitamin B12 bằng dinh dưỡng tự nhiên

Tình trạng thiếu vitamin B12 có thể được cải thiện bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm phong phú. Trong đó, một số món ăn giàu vitamin B12 có thể kể đến như gan bò, ngao, cá ngừ, trứng, thịt gà, sữa chua,…

Đồng thời, không nên ăn kiêng theo chế độ hà khắc nào quá lâu, để tránh gây ra các vấn đề sức khỏe và thiếu hụt vitamin.

4.2 Bổ sung vitamin B12 dạng thuốc

Đối với những người bị thiếu vitamin B12 trầm trọng hoặc có dấu hiệu tổn thương thần kinh, có thể cần bổ sung bằng các loại thuốc như:

– Vitamin B12 loại 1000 đến 2000 mcg đường uống: Dùng một lần/ngày
– Gel vitamin B12 dùng đường mũi: Liều uống lớn có thể được hấp thụ bằng hoạt động nhiều. Nếu mức axit methylmalonic (MMA) không giảm, bệnh nhân có thể không được dùng vitamin B12.
– Vitamin B12 loại 1 mg tiêm mạch: Thường được dùng 1 đến 4 lần/tuần trong vài tuần cho đến khi các yếu tố huyết học ổn định,sau đó dùng một lần/tháng.

Việc điều trị vitamin B12 thường phải được tiếp tục suốt đời trừ khi cơ chế sinh bệnh được điều chỉnh. Việc dùng thuốc cần được chỉ định bởi bác sĩ và tuân thủ nghiêm ngặt để đạt hiệu quả tối ưu.

Để phòng tránh thiếu hụt vitamin B12, trẻ sơ sinh của những bà mẹ ăn chay nên được bổ sung vitamin này từ khi sinh ra.

Điều trị các bệnh lý thần kinh do thiếu vitamin B12

Khi gặp các bệnh lý thần kinh do thiếu vitamin B12, cần điều trị sớm tại chuyên khoa Nội thần kinh.

Có thể thấy, những tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12 gây ra là rất nguy hiểm, có thể là tổn thương vĩnh viễn. Do vậy, cần phát hiện và điều trị sớm tình trạng thiếu vitamin này để ngăn chặn và đảo ngược các biến chứng thần kinh. Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý thần kinh do thiếu vitamin B12, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và tư vấn điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital