Nhận biết bệnh sốt xuất huyết là rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh. Tùy từng giai đoạn và mức độ của bệnh mà người bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên một số dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết khá điển hình có thể giúp bạn nhận diện bệnh sớm.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin chung về bệnh sốt xuất huyết
Là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue, bệnh sốt xuất huyết từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người bởi những ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm khi mắc bệnh, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào khoảng tháng 7 – 10 hàng năm. Bởi đây là thời điểm mưa nhiều, độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn – tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết – sinh sôi nảy nở.
Khi muỗi đốt người bệnh, virus sẽ được lưu lại trong cơ thể muỗi và ủ bệnh. Sau đó, khi muỗi đốt người lành thì virus sẽ truyền vào máu người qua đường nước bọt. Khi vào cơ thể người, virus ủ bệnh trong khoảng trung bình 4 – 7 ngày (nhiều trường hợp có thể dao động từ 3 – 14 ngày) và thường không gây triệu chứng trong giai đoạn này. Khi virus bắt đầu “tấn công”, cơ thể người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng.
2. Các dấu hiệu sốt xuất huyết có thể gặp là gì?
2.1 Sốt cao, liên tục – Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết sớm nhất
Sốt cao là triệu chứng sớm nhất ở các bệnh nhân sốt xuất huyết. Giai đoạn sốt của người bệnh có thể kéo dài từ 2 – 7 ngày. Người bệnh thường sốt cao, liên tục, có thể sốt từ 39 – 40 độ C hoặc cao hơn, tới 40,5 độ C.
Sốt cao do sốt xuất huyết thường ít đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường. Đây cũng là điều khác biệt với các trường hợp sốt do virus khác. Sốt cao kéo dài sẽ gây mất nước, cô đặc máu, hạ tiểu cầu và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Do vậy cần hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết càng sớm càng tốt.
2.2 Đau đầu dữ dội
Cùng với tình trạng sốt, người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội ở vùng trán và phía sau hốc mắt. Đây cũng là triệu chứng thường gặp khi mắc các bệnh do virus khác. Đau đầu do sốt xuất huyết có thể có thể đau nhức các vùng trên cơ thể như cơ, xương, khớp khiến bệnh nhân cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
2.3 Buồn nôn và nôn
Nôn là một triệu chứng bất thường về tiêu hóa mà rất nhiều người gặp phải và là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh khác nhau. Trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt ở thể nặng, người bệnh sốt xuất huyết thường nôn nhiều dẫn đến không ăn uống được, mất nước và suy nhược nghiêm trọng.
Ngoài nôn, triệu chứng rối loạn tiêu hóa của người bệnh sốt xuất huyết còn biểu hiện với tình trạng đau bụng nhiều, chán ăn, ăn uống kém,…
2.4 Xuất huyết – Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng
Tình trạng này thường xảy ra ở giai đoạn 2 của bệnh, tức là khoảng 3 – 7 ngày sau khi bệnh nhân có triệu chứng.
Sốt xuất huyết có thể gây xuất huyết ở nhiều vị trí và cơ quan khác nhau trên cơ thể và biểu hiện như sau:
– Xuất huyết dưới da: Thể hiện bằng các điểm xuất huyết dưới da, có thể kèm ngứa.
– Xuất huyết niêm mạc: Bao gồm chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo.
– Xuất huyết tiêu hóa: Người bệnh đi ngoài phân đen, phân lẫn máu tươi, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.
2.5 Mệt mỏi, li bì
Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh nhân ở giai đoạn nặng của sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị mất ý thức, lạnh đầu chi, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp…
Các biến chứng cũng thường xảy ra ở giai đoạn này như sốc mất máu, suy đa tạng, tràn dịch màng phổi, màng tim, xuất huyết não khiến bệnh nhân tử vong bất cứ lúc nào.
3. Chẩn đoán và điều trị triệu chứng sốt xuất huyết bằng cách nào?
3.1 Chẩn đoán sốt xuất huyết
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm khẳng định hoặc loại trừ sốt xuất huyết. Xét nghiệm máu để tìm kiếm kháng thể của các chủng virus như xét nghiệm kháng nguyên NS1, kháng thể IgM và kháng thể IgG là những phương pháp thường được chỉ định để xác định có hay không virus gây bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, một số phương pháp khác có thể được chỉ định để phân biệt sốt xuất huyết với các thể bệnh khác.
3.2 Điều trị triệu chứng cho người bệnh sốt xuất huyết gồm những gì?
Hiện nay, điều trị triệu chứng và dự phòng biến chứng vẫn là mục tiêu điều trị sốt xuất huyết chính. Bởi cho đến hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này.
Sốt và mất nước là 2 triệu chứng chủ yếu của bệnh, nên hạ sốt, bù dịch là 2 việc ưu tiên trong điều trị sốt xuất huyết.
Nếu người bệnh sốt dưới 38,5 độ C thì người nhà chỉ cần cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng mát, lau mát hoặc chườm khăn ấm. Các vị trí cần chườm thường là như trán, nách, bẹn,…
Trường hợp người bệnh sốt trên 38,5 độ C, cần hạ sốt bằng Paracetamol. Tuy nhiên cần chú ý liều lượng như sau: 10 – 15mg/kg/lần, tối đa 4-6 lần/ngày. Tuyệt đối không dùng ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì có thể khiến tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn.
Ngoài ra, cần bù nước và điện giải cho bệnh nhân. Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước, bổ sung nước bằng nước trái cây, oresol hoặc hydrit. Trường hợp bệnh nhân nôn nhiều, không uống được nước thì cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp ngăn lây nhiễm cho những người xung quanh như nằm trong màn kể cả ban ngày, tiêu diệt muỗi và nơi sinh sản của muỗi.
Khi thấy có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết tăng nặng, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.