Tầm soát ung thư tử cung là việc làm được khuyến cáo nên thực hiện định kỳ để bảo vệ sức khỏe chị em phụ nữ. Tham khảo bài viết dưới đây để trang bị thêm kiến thức về tầm soát (sàng lọc) ung thư tử cung bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Bạn đã biết gì về ung thư tử cung?
Ung thư tử cung hay còn được biết đến với tên gọi ung thư nội mạc tử cung hoặc carcinom nội mạc tử cung. Bệnh lý này xảy ra ở phụ nữ trong nhiều độ tuổi khác nhau, phổ biến hơn cả là độ tuổi từ 45 đến 75 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa và gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe phụ nữ.
1.1. Nguyên nhân và dấu hiệu của ung thư tử cung
Ung thư tử cung có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau:
– Mất cân bằng nội tiết tố: Mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ có thể gây tích mỡ thừa trong cơ thể, tăng lượng estrogen và dẫn tới ung thư tử cung.
– Rối loạn kinh nguyệt: Hành kinh không đều và có kinh nguyệt quá sớm hoặc quá muộn là những nguyên nhân gây nên ung thư nội mạc tử cung.
– Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Phụ nữ ăn nhiều dầu mỡ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường. Chất béo có thể gây tích trữ hormone estrogen dẫn tới bệnh carcinom nội mạc tử cung.
– Tiểu đường, cao huyết áp: Khi mắc tiểu đường hoặc tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của tuyến yên, làm tăng estrogen dẫn đến hội chứng đa nang, ung thư tử cung,…
– Di truyền: Phụ nữ có người thân trong gia đình mắc ung thư nội mạc tử cung thì khả năng mắc bệnh cũng cao hơn.
1.2. Tiên lượng sống của ung thư tử cung
Ung thư tử cung là một bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe của nữ giới. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi khá cao. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phụ nữ khi mắc ung thư tử cung có tỷ lệ sống thêm trung bình 5 năm là khoảng 81,3%. Tỷ lệ này đạt 95,3% đối với những người được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Bệnh này nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn tới một số biến chứng như thiếu máu do mất máu hay thủng rò tử cung.
2. Một số phương pháp sàng lọc ung thư tử cung
Khi sàng lọc ung thư tử cung các bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp bao gồm:
– Siêu âm: Đây là phương pháp thực hiện qua đường âm đạo để đánh giá độ dày, cấu trúc của niêm mạc tử cung cũng như độ xâm lấn và lớp cơ tử cung.
– Nạo sinh thiết buồng trứng: Các bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm và đem đi sinh thiết trong trường hợp người bệnh phát hiện polyp, khối u ở tử cung.
– Chụp cắt lớp vi tính/ Chụp MRI/ chụp PET-CT: Đây là các phương pháp được bác sĩ áp dụng nhằm đánh giá mức độ xâm lấn, độ lan rộng của khối u và tình trạng di căn hạch vào các cơ quan khác của cơ thể.
– Xét nghiệm Marker ung thư: Khoảng 50 – 60 % các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tử cung có nồng độ CA 125 tăng và xét nghiệm Marker sẽ giúp các bác sĩ đánh giá các chỉ số này.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể áp dụng những phương pháp khác phù hợp với thể trạng và nhu cầu của người bệnh.
3. Những vấn đề xoay quanh tầm soát ung thư tử cung
3.1. Đối tượng nào nên tầm soát ung thư tử cung?
Ung thư tử cung không quy định đối tượng tầm soát, tuy nhiên nếu thuộc các đối tượng dưới đây bạn nên đăng ký sàng lọc:
– Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.
– Phụ nữ mắc các bệnh liên quan tới tử cung.
– Phụ nữ có người trong gia đình mắc ung thư tử cung.
– Phụ nữ có kinh nguyệt không đều hoặc rối loạn nội tiết tố.
– Phụ nữ mắc các bệnh về huyết áp, tiểu đường.
3.2. Dấu hiệu cảnh báo nên tầm soát ung thư tử cung?
Nếu có những dấu hiệu dưới đây, bạn nên tham gia sàng lọc ung thư tử cung ngay để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất:
– Chảy máu bất thường vùng âm đạo trong kỳ kinh nguyệt.
– Kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường.
– Phụ nữ sau mãn kinh xuất hiện chảy máu âm đạo.
– Dịch âm đạo tiết ra bất thường.
Ung thư tử cung ở giai đoạn muộn quá trình điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém chi phí. Bởi vậy, chị em hãy lắng nghe cơ thể và tham gia sàng lọc ung thư tử cung định kỳ để bảo vệ sức khỏe bản thân.