Siêu âm thai nhi là việc vô cùng quan trọng mà mẹ bầu nào cũng nên làm trong thai kỳ. Bởi lẽ khi siêu âm thai, bác sĩ sẽ giúp mẹ theo dõi sự phát triển của con yêu và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường nếu có. Vậy mẹ bầu có nên siêu âm thai nhiều không và bao nhiêu lần là đủ? Nếu đây là điều các mẹ đang thắc mắc, hãy tham khảo ngay bài viết của chúng tôi bên dưới nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao tất cả các mẹ bầu cần đi siêu âm thai?
Siêu âm thai nhi là phương pháp kiểm tra tình trạng của thai nhi trong giai đoạn tiền sản mà mẹ bầu nào cũng nên thực hiện. Tại sao lại như vậy? Mục đích của việc siêu âm thai này là gì?
Khi hỏi các mẹ bầu về mục đích của việc siêu âm thai, đa số các mẹ thường trả lời là đi siêu âm để xem con có phát triển bình thường và khỏe mạnh hay không, là con trai hay con gái, có biểu hiện gì bất thường trong sự phát triển của con hay không. Mặc dù những câu trả lời này của các mẹ đều đúng nhưng vẫn chưa đủ. Câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi “Tại sao tất cả các mẹ bầu cần đi siêu âm thai” là:
- Vào thời điểm đầu tiên ngay sau khi mẹ bầu chậm kinh nguyệt và khi thử que tránh thai thì hiện 2 vạch. Lúc này, mẹ nên đi siêu âm thai để biết chính xác xem mình đã có thai hay chưa.
- Kiểm tra vị trí chính xác của thai nhi, xem đang nằm bên trong hay bên ngoài tử cung. Đây là điều vô cùng quan trọng giúp mẹ ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do mang thai ngoài tử cung gây nên.
- Xác định chính xác tuổi của thai nhi cũng như ngày dự sinh của mẹ bầu.
- Kiểm tra được sự phát triển của thai nhi dựa vào tuổi của thai.
- Kiểm tra những triệu chứng bất thường (nếu có) trong quá trình phát triển của thai nhi, giúp mẹ phát hiện những dị tật bẩm sinh vô cùng nguy hiểm như hội chứng Down, tim bẩm sinh,…
- Kiểm tra về nhau thai, lượng nước ối,…
2. Quy trình siêu âm thai nhi diễn ra như thế nào?
Siêu âm thai nhi sẽ được thực hiện bằng hệ thống máy móc hiện đại, sử dụng sóng âm có tần số cao. Những sóng âm này thường được phát ra từ thiết bị đầu dò, chúng truyền qua da bụng của mẹ, đi qua thành bụng rồi sau đó hiển thị những hình ảnh được ghi lại bên trong bụng của mẹ lên màn hình.
Thông qua các kết quả được ghi lại trên màn hình, bác sĩ có thể đưa ra kết luận về sự phát triển của bé. Siêu âm sử dụng sóng âm để theo dõi sự phát triển của thai nhi, vì nó chỉ là âm thanh nên không ảnh hưởng tới em bé trong bụng mẹ. Do đó, phương pháp này được các bác sĩ đánh giá là có độ an toàn cao. Tuy nhiên, không vì lý do như vậy mà các mẹ bầu lại quá lạm dụng việc siêu âm để thỏa mãn tính tò mò của mình.
3. Giải đáp thắc mắc: có nên siêu âm thai nhiều không?
Để thỏa mãn sự tò mò của mình, rất nhiều mẹ bầu đã lạm dụng việc siêu âm, nhất là những chị em mang thai lần đầu tiên. Thông thường, đa số các mẹ bầu hay đi siêu âm khoảng 9 lần trong thai kỳ (gần như tháng nào đi siêu âm 1 lần). Bên cạnh đó, một vài mẹ bầu còn đi siêu âm tới hơn 20 lần. Vậy mẹ bầu có nên siêu âm thai nhiều không?
Dẫu việc siêu âm thai nhi được các bác sĩ đánh giá là tương đối an toàn và tính tới thời điểm hiện tại, cũng chưa có một kết quả nghiên cứu nào chỉ ra tác hại của phương pháp này tới sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên mẹ bầu không nên siêu âm thai nhiều lần, vừa tốn tiền, tốn thời gian mà không cần thiết. Tốt nhất, các mẹ bầu chỉ nên đi siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của em bé trong bụng.
4. Mẹ bầu siêu âm thai nhi bao nhiêu lần là đủ?
Như đã đề cập ở trên, các mẹ không nên quá lạm dụng phương pháp siêu âm thai. Trên thực tế, với những mẹ bầu và thai nhi phát triển khỏe mạnh, thì trong cả thai kỳ chỉ nên đi siêu âm 3 lần là đủ. Đây cũng là 3 mốc thời gian vô cùng quan trọng mà mẹ bầu bắt buộc phải đi siêu âm.
4.1. Tuần 5 – 6 của thai kỳ
Sau khi chậm kinh 1 tuần và thử que lên 2 vạch, chị em nên tới bệnh viện để kiểm tra thai nhi đã vào tử cung hay chưa, xác định tuổi thai. Nếu trong khoảng thời gian mà chưa thấy tim thai thì mẹ cũng không nên lo lắng. Bởi vì lúc này, thai còn quá nhỏ và bác sĩ sẽ hẹn mẹ tới kiểm tra lại sau 1-2 tuần.
4.2. Tuần 7 – 8 của thai kỳ
Vào thời điểm này, mẹ sẽ được siêu âm để xác định kích thước túi ối, tim thai, chiều dài phôi để xem thai nhi có phát triển tương xứng với tuổi thai hay không. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hợp lý.
4.3. Tuần 12 – 14 của thai kỳ
Tuần 12 – 14 của thai kỳ là mốc thời gian tốt nhất để đo độ mờ da gáy. Việc làm này là vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ có thể phát hiện sớm những bất thường về nhiễm sắc thể, nguyên nhân chính dẫn tới những dị tật bẩm sinh nguy hiểm như thoát vị cơ hoành, tim bẩm sinh, hội chứng Down,…
Tuy nhiên, đo độ mờ da gáy chỉ cho kết quả chính xác nhất vào thời điểm này. Do đó, nêu các mẹ bầu đo độ mờ da gáy vào khoảng thời gian khác, thì kết quả này gần như không có giá trị. Vì vậy, các mẹ bầu cần nhớ lịch siêu âm thật kỹ để không bỏ qua mốc thăm khám này nhé.
4.4. Tuần 16 – 20 của thai kỳ
Khi em bé trong bụng được 16 – 20 tuần tuổi, mẹ nên tới bệnh viện để tiếp tục kiểm tra sự phát triển của con. Mục đích của việc siêu âm vào thời điểm này là để xác định những bất thường về nước ối và xem thai nhi có phát triển ổn định hay không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đo tử cung và tim thai của mẹ để phục vụ cho việc chuẩn bị sinh con sau này.
Khi đi siêu âm thai nhi vào thời điểm này, mẹ cũng nên làm thêm xét nghiệm Triple test để xem thai nhi có gặp bất thường về nhiễm sắc thể hay ống thần kinh hay không. Tùy thuộc vào hình ảnh siêu âm cùng kết quả xét nghiệm Triple test, bác sĩ sẽ quyết định mẹ có phải chọc ối hay không.
4.5. Tuần 21 – 24 của thai kỳ
Tuần 21 – 24 của thai kỳ là thời điểm mà con đã bắt đầu hình thành một số bộ phận quan trọng như: hộp sọ, não, tim, gan, phổi, cột sống,… Do đó, khi siêu âm vào thời điểm này, bác sĩ có thể đánh giá tổng quan nhất về hình thể của thai nhi. Từ đó có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường của con như: hở hàm ếch, dị tật ở các cơ quan nội tạng,…
4.6. Tuần 24 – 28 của thai kỳ
Đây là thời điểm bác sĩ sẽ đưa ra quyết định mẹ có cần phải đình chỉ thai kỳ hay không (với những trường hợp có bất thường xảy ra). Vào lần siêu âm này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng nước ối của mẹ, nhau thai, cân nặng, các bất thường về hình thái và tim thai của bé. Nếu thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường, mẹ hãy trao đổi ngay với bác sĩ trong lần siêu âm này nhé.
4.7. Tuần 30 – 32 của thai kỳ
Tuần 30 – 32 của thai kỳ là thời điểm vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường về hình thể của con như những dấu hiệu ở ở tim, mạch máu, ở não.
Ngoài ra, việc siêu âm trong thời điểm này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được vị trí của ngôi thai, cân nặng của thai nhi, bánh nhau, lượng nước ối. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán phù hợp nhất cho kỳ sinh nở sắp tới của mẹ.
4.8. Tuần 32 – 36 của thai kỳ
Lúc này, mẹ đã bước sang tam cá nguyệt thứ ba và chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Trong lần siêu âm này, bác sĩ sẽ kiểm tra ngôi thai và tử cung của mẹ để phát hiện ra dấu hiệu sinh non nếu có.
4.9. Tuần 36 – 40 của thai kỳ
Đây là giai đoạn rất gần với thời điểm con yêu ra đời, nên mẹ có thể sẽ phải siêu âm 1 lần/ tuần. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí của ngôi thai và sự tăng trưởng của thai nhi. Nếu ngôi thai ở vị trí bất lợi, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mẹ mổ khẩn cấp để tránh nguy hiểm cho cả 2 mẹ con.
Hy vọng bài viết của chúng tôi đã giúp các bạn giải đáp được thắc mắc “Có nên siêu âm thai nhiều không?. Để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con, các mẹ bầu hãy đi siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhé.