Ung thư vòm họng là 1 trong số 10 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Chữa ung thư vòm họng như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, thể trạng người bệnh, giai đoạn bệnh, kích thước khối u…
Menu xem nhanh:
Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là bệnh ung thư bắt đầu ở mũi họng, phần trên của họng phía sau mũi và gần hộp sọ. Do vị trí của vòm họng nên bệnh nhân khó có thể phát hiện sớm nếu không thăm khám, tầm soát ung thư vòm họng định kỳ. Triệu chứng ban đầu của ung thư vòm họng thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về tai, mũi họng nên thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ. Các triệu chứng thường gặp như: chảy máu mũi hoặc tắc nghẽn mũi, ho ra đờm có máu, đau đầu, sưng hạch ở cổ, tê 1 bên mặt, vv…
Chữa ung thư vòm họng theo giai đoạn
Nhiều trường hợp ung thư vòm họng có thể điều trị thành công, đặc biệt là khi phát hiện sớm. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các loại và giai đoạn của ung thư vòm họng, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Nhìn chung, phương pháp điều trị chính cho ung thư vòm họng là xạ trị, thường là kết hợp với hóa trị, gọi là hóa xạ trị đồng thời. Phẫu thuật đôi khi được sử dụng, chủ yếu là nhằm mục đích loại bỏ các hạch bạch huyết sau hóa xạ trị hoặc khi ung thư vòm họng tái phát. Kế hoạch điều trị cũng sẽ tùy thuộc vào tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải.
- Giai đoạn 1: xạ trị là sự lựa chọn chính. Ở giai đoạn này, tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết, nhưng người bệnh có thể cần xạ trị các hạch vùng cổ, đề phòng nguy cơ tế bào ung thư đã lan tới đó.
- Giai đoạn 2: lựa chọn các phương pháp: xạ trị vào khối u và các hạch bạch huyết ở cổ, hóa trị và xạ trị đồng thời
- Giai đoạn 3 và 4: Đối với giai đoạn 3, 4A, 4B ung thư vòm họng, có thể lựa chọn các phương pháp sau: xạ trị vào khối u và các hạch bạch huyết ở cổ, hóa trị và xạ trị đồng thời, hóa trị trước hoặc sau hóa xạ trị đồng thời
Điều trị ung thư vòm họng tái phát
Với ung thư vòm họng tái phát, việc điều trị phụ thuộc vào vị trí ung thư tái phát. Nếu ung thư tái phát ở cùng vị trí ban đầu, phương pháp điều trị thường là xạ trị bên ngoài, hoặc hóa trị. Trong một số trường hợp, bạn có thể phải phẫu thuật để cắt bỏ khối u, nhưng điều này ít phổ biến hơn.
Nếu ung thư đã trở lại trong các hạch bạch huyết ở cổ, người bệnh có nhiều khả năng phải phẫu thuật bóc tách hạch bạch huyết ở cổ để loại bỏ chúng. Phương pháp bổ trợ sau phẫu thuật có thể là xạ trị.
Nếu ung thư tái phát ở một phần khác của cơ thể, bạn có thể phải hóa trị. Nếu ung thư lan tới xương cần xạ trị xương, vv…
Chăm sóc giảm nhẹ: áp dụng cho giai đoạn cuối, nhằm kiểm soát các triệu chứng như đau nhức, khó thở, vv…; hỗ trợ ăn uống và chăm sóc thể chất; tăng chất lượng sống, vv…
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo. Để có phác đồ điều trị chính xác Bệnh nhân nên tới trực tiếp bệnh viện để Bác sĩ thăm khám và tư vấn.