Hóa trị là một phương pháp điều trị bằng thuốc chống ung thư có thể tiêm vào tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Vậy hóa trị được sử dụng như thế nào trong chữa ung thư phổi không tế bào nhỏ, cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ
Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) chiếm khoảng 85% tổng số ca bệnh mắc ung thư phổi. Về mặt mô học, các tế bào ung thư phổi không tế bào nhỏ bắt nguồn từ các mô phổi, và được phân loại thành các dạng bệnh là ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào lớn.
NSCLC thường diễn biến âm thầm, không gây ra triệu chứng nào cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu đã ở giai đoạn nặng, di căn xa. Nhận biết sớm các triệu chứng, hoặc sàng lọc tầm soát sớm nguy cơ ung thư ngay khi chưa có triệu chứng mang lại lợi thế và kết quả tích cực trong điều trị.
Bệnh nhân mắc NSCLC cần được đánh giá toàn bộ giai đoạn để xác định mức độ bệnh, vì giai đoạn ung thư đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lựa chọn phương pháp điều trị.
2. Hóa trị chữa ung thư phổi tế bào nhỏ
2.1 Hóa trị được sử dụng khi nào?
Không phải tất cả bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ đều cần sử dụng hóa trị để điều trị ung thư. Tùy từng giai đoạn ung thư và các yếu tố liên quan, hóa trị liệu có thể được khuyến nghị trong các trường hợp khác nhau như:
– Trước khi phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ): Có thể được sử dụng đôi khi kết hợp với xạ trị để cố gắng thu nhỏ khối u tại phổi nhằm loại bỏ khối u sau đó bằng phẫu thuật hiệu quả hơn.
– Sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ): Có thể được sử dụng đôi khi kết hợp với xạ trị để cố gắng tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư phổi nào có thể còn sót lại hoặc đã lan rộng nhưng không thể nhìn thấy ngay cả khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.
– Đối với NSCLC tiến triển cục bộ: Đôi khi hóa trị cùng với xạ trị được sử dụng làm phương pháp điều trị chính cho các bệnh nhân mắc ung thư phổi tiến triển đến các cấu trúc lân cận. Do đó, phẫu thuật không phải là một lựa chọn hoặc dành cho những bệnh nhân không đủ sức khỏe.
– Đối với NSCLC di căn: Hóa trị có thể được chỉ định cho bệnh nhân ung thư phổi đã di căn sang các khu vực bên ngoài phổi như xương, gan hoặc tuyến thượng thận.
2.2 Hóa trị được thực hiện như thế nào?
Thuốc hóa trị chữa ung thư phổi thường được tiêm vào tĩnh mạch, dưới dạng tiêm trong vài phút hoặc truyền trong thời gian dài hơn.
Hóa trị được thực hiện theo chu kỳ, trong mỗi giai đoạn điều trị sẽ có thời gian nghỉ ngơi để bệnh nhân ung thư phổi có thời gian phục hồi sau tác dụng của thuốc. Chu kỳ thường kéo dài 3 hoặc 4 tuần, lịch trình sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng.
Hóa trị bổ trợ và tân bổ trợ thường được thực hiện trong 3 đến 4 tháng tùy thuộc vào loại thuốc được chỉ định sử dụng.
Đối với ung thư phổi giai đoạn di căn, sự kết hợp hóa trị ban đầu thường được thực hiện trong 4 đến 6 chu kỳ. Một số trường hợp bệnh nhân được khuyên điều trị xa hơn bằng một loại hóa trị hoặc thuốc nhắm mục tiêu duy nhất ở những người bệnh đã có phản ứng tốt đối với hóa trị ban đầu hoặc bệnh ung thư phổi không trở nên trầm trọng hơn. Tiếp tục quá trình điều trị này được gọi là liệu pháp duy trì, sẽ giúp kiểm soát bệnh ung thư và giúp người bệnh sống lâu hơn.
Nếu phương pháp điều trị bằng hóa chất ban đầu cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn di căn không còn hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bậc hai bằng một loại thuốc hóa trị duy nhất hoặc bằng liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc thuốc điều trị miễn dịch.
2.3 Tác dụng phụ có thể xảy khi chữa bệnh ung thư phổi NSCLC bằng hóa chất
Thuốc, hóa chất có thể gây tác dụng phụ bởi nguyên lý làm độc tế bào ung thư bằng cách di chuyển thuốc đi khắp cơ thể. Vì thế những tác dụng phụ này có thể xảy ra khác nhau ở từng người bệnh tùy thuộc vào loại hóa chất, liều lượng thuốc được cung cấp cũng như thời gian sử dụng như:
– Rụng tóc
– Loét miệng, nhạt miệng
– Chán ăn, sụt cân
– Buồn nôn, nôn
– Tiêu chảy hoặc táo bón
– Dễ bầm tím hoặc chảy máu
– Tăng nguy cơ nhiễm trùng
– Mệt mỏi do số lượng hồng cầu trong máu thấp
Ở hầu hết mọi người, các tình trạng này sẽ biến mất hoặc thuyên giảm sau khi ngưng hoặc kết thúc điều trị.
Điều quan trọng trong quá trình điều trị là theo dõi và báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào bạn nhận thấy trong quá trình hóa trị liệu bác sĩ, y tá của bạn để có thể được kiểm soát đúng cách. Bởi trong một số trường hợp, có thể cần phải giảm liều thuốc hóa trị hoặc trì hoãn, hoặc thậm chí là ngừng điều trị để tránh ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh và cơ thể khiến sức khỏe trở nên tồi tệ hơn.
2.4 Quản lý tác dụng phụ của hóa trị chữa ung thư phổi
Có nhiều cách để làm giảm bớt những tác dụng phụ của hóa trị chữa ung thư phổi gây ra.
– Người bệnh nên có một chế độ dinh dưỡng tốt, đủ chất, nên ăn thành nhiều bữa. Nên ăn thức ăn mềm ẩm, hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, súc miệng bằng nước muối ấm hoặc baking soda hòa tan trong nước ấm để làm sạch miệng.
– Nghỉ ngơi nhiều với những giấc ngủ ngắn vào ban ngày.
– Hoạt động thể chất từ nhẹ nhàng đến trung bình phù hợp với sức khỏe. Tập các bài tập thở sâu và thư giãn…
– Rửa tay, giữ miệng sạch sẽ; tránh tiếp xúc với đám đông hoặc những người bị bệnh.
– Sử dụng dầu gội thiên nhiên, lược mềm, nhiệt độ thấp trên tóc.
– Người bệnh có thể được sử dụng thuốc hỗ trợ chống buồn nôn theo chỉ định để giảm triệu chứng.
– Người bệnh ung thư phổi gặp tác dụng phụ là tiêu chảy khi thực hiện hóa trị, thì cần phải bù nước cho cơ thể bằng cách uống 8 đến 12 cốc chất lỏng mỗi ngày để bổ sung nước, chất lỏng. Trong trường hợp người bệnh gặp tình trạng táo bón thì cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì nguyên hạt, các loại hạt, trái cây và rau quả.
– Sử dụng xà phòng nhẹ và tránh các sản phẩm có chứa cồn hoặc nước hoa khi bôi lên da. Nên tắm bằng nước ấm không nóng, lau khô người và không chà xát da…
Đặc biệt, hãy liên hệ ngay với bác sĩ, thông báo về các tác dụng phụ gặp phải là cách tốt nhất để có thể kiểm soát tác dụng phụ một cách an toàn, đúng hướng.