Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra quanh năm và thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa khoảng tháng 7 đến tháng 10. Vì vậy, trang bị các thông tin chữa sốt xuất huyết tại nhà là rất quan trọng với tất cả mọi người, nhất là những gia đình có con nhỏ.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu đúng về chữa sốt xuất huyết tại nhà
1.1. Sốt xuất huyết có thể chữa tại nhà được không?
Câu trả lời là có thể thực hiện chữa sốt xuất huyết tại nhà mà không phải bắt buộc nhập viện. Dựa theo bệnh cảnh lâm sàng, ở những trường hợp sốt mức độ nhẹ bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi và điều trị ngoại trú tại nhà kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ.
Sốt xuất huyết thể nhẹ biểu hiện với những triệu chứng cơ bản bao gồm sốt đột ngột 39-40 độ C, kéo dài liên tục 2-7 ngày, đau đầu, đau hốc mắt, đau người, đau khớp, buồn nôn, phát ban, xuất huyết bất thường,…
Trường hợp người bệnh bị sốt xuất huyết trở nặng cần được chuyển ngay tới bệnh viện để kịp thời được xử lý. Nhanh chóng nhận biết triệu chứng sốt xuất huyết nặng bao gồm: sốc tụt huyết áp; tràn dịch đa màng (tim, phổi, bụng); rối loạn đông máu gây ra xuất huyết nặng toàn thân như xuất huyết tiêu hóa, ho ra máu, tiểu ra máu, xuất huyết não; suy chức năng đa cơ quan như suy tim, suy hô hấp, suy thận, suy gan, nghiêm trọng nhất là có thể dẫn tới tử vong.
1.2. Nguyên tắc chữa sốt xuất huyết tại nhà
Người bệnh chỉ chữa sốt xuất huyết tại nhà khi đã thăm khám và có chỉ định cụ thể, hướng dẫn điều trị chi tiết của bác sĩ. Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc đặc hiệu giúp điều trị sốt xuất huyết. Vì vậy, các phương pháp điều trị sốt xuất huyết tại nhà thường được thực hiện là theo dõi thân nhiệt liên tục, nghỉ ngơi, chườm mát và vệ sinh tốt, hạ sốt, bù nước và điện giải, ăn uống đầy đủ.
Một số đối tượng đặc biệt có nguy cơ mắc sốt xuất huyết thể nặng cần được cân nhắc việc điều trị tại nhà bao gồm:
– Trẻ em (đặc biệt là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi)
– Phụ nữ có thai
– Người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch nghiêm trọng
– Người bệnh béo phì;
– Người bệnh có tiểu sử dùng thuốc chống đông máu, người có các bệnh lý về máu, người bệnh viêm loét dạ dày,…
2. Các bước điều trị sốt xuất huyết tại nhà
2.1. Theo dõi thân nhiệt liên tục
Trong 3 ngày đầu, người bệnh sốt xuất huyết sẽ có phản ứng sốt cao 38-40 độ C như những loại sốt virus thông thường khác. Lúc này, cần phải thực hiện tốt các phương pháp hạ sốt đúng cách để cơ thể người bệnh được tỏa nhiệt. Tiếp tục theo dõi nhiệt độ ở những ngày tiếp theo.
– Trường hợp nhiệt độ giảm dần cũng không thể chủ quan vì bệnh có thể diễn biến nặng bất ngờ.
– Trường hợp không có dấu hiệu hạ sốt, sốt cao liên tục, người bệnh mệt lả, vã mồ hôi nhưng chân tay lạnh, chảy máu cam hoặc có các triệu chứng nặng thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
2.2. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Người bệnh sốt xuất huyết sẽ sốt cao, mệt mỏi toàn thân. Do đó, chế độ nghỉ ngơi đầy đủ là rất quan trọng để người bệnh được phục hồi sức khỏe. Hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn và ngủ càng nhiều càng tốt. Giấc ngủ chính là cách để cơ thể tự phục hồi và giúp tái tạo lại phần năng lượng đã mất.
2.3. Chườm mát và vệ sinh tốt
Việc chườm mát sẽ giúp hỗ trợ cơ thể hạ nhiệt và giảm sốt một cách tự nhiên. Người bệnh sốt xuất huyết cũng không cần kiêng tắm, thay vào đó việc vệ sinh vẫn cần thực hiện thật tốt. Người bệnh có thể lau người bằng nước ấm, đặc biệt tập trung vệ sinh vùng mắt và mũi đều đặn bằng nước muối sinh lý. Việc vệ sinh mắt và mũi giúp giảm nguy cơ kích ứng, hỗ trợ quá trình hô hấp, hạn chế tình trạng viêm viêm nhiễm bên ngoài nhờ đó bảo vệ sức khỏe cơ thể tốt hơn.
2.4. Hạ sốt đúng cách
Hạ sốt là yêu cầu quan trọng và đặc biệt cần lưu ý ở người bệnh sốt xuất huyết vì nếu hạ sốt sai cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khó lường.
Thuốc hạ sốt được chỉ định khi bị sốt xuất huyết là Paracetamol. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để không gây hại tới gan và thận. Người bệnh có thể song song kết hợp hạ sốt bằng thuốc cùng với các cách hạ sốt dân gian như chườm mát, dùng lá tía tô, nha đam, dưa chuột, lá bạc hà,…
Đặc biệt lưu ý về 2 loại thuốc hạ sốt thông dụng không được khuyên dùng cho người bệnh sốt xuất huyết là:
– Aspirin: Đối với người bệnh sốt xuất huyết được khuyến cáo chống chỉ định sử dụng Aspirin để hạ sốt. Bởi thành phần trong Aspirin ngăn tập kết tiểu cầu, có tác dụng chống đông máu vì vậy khiến chảy máu do sốt xuất huyết thêm trầm trọng hơn.
– Ibuprofen và các thuốc trong nhóm kháng viêm không steroid: Tương tự như Aspirin, nhóm các thuốc kháng viêm không steroid nhưng cũng khiến việc chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được và gây ra hệ quả nghiêm trọng.
2.5. Bù nước và bù điện giải
Thông thường, các trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ sẽ được bù dịch qua đường uống. Người bệnh uống nhiều nước lọc, nước trái cây, dung dịch Oresol tại nhà. Trường hợp người bệnh nôn liên tục không thể bù dịch qua đường uống thì mới truyền dịch. Việc truyền dịch nên được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín và do điều dưỡng thực hiện.
2.6. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và phục hồi của người bệnh sốt xuất huyết. Cơ thể người bệnh cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, cần ưu tiên các nhóm thực phẩm giúp tăng tiểu cầu. Thực hiện chế độ ăn giàu calo, giàu đạm, giàu khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa, ít chất béo. Đặc biệt, cần uống nhiều nước có thể là nước ép trái cây, nước lọc, nước canh, súp rau củ, nước dừa,…
Lưu ý, xây dựng chế độ dinh dưỡng cần dựa trên 3 giai đoạn của bệnh.
– Chế độ ăn lỏng: Phù hợp với người bệnh ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, người bệnh bị sốt cao.
– Chế độ ăn nhẹ: Phù hợp với người bệnh sốt xuất huyết khi đã giảm sốt và khi người bệnh bắt đầu dần hồi phục.
– Chế độ ăn uống bình thường: Khi người bệnh trong thời gian hồi phục.
Chữa sốt xuất huyết có thể thực tại nhà theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần được theo dõi sát sao và tuân thủ các chỉ định. Trường hợp có dấu hiệu bất thường nghiêm trọng cần được đưa ngay tới bệnh viện để được xử lý kịp thời.