Quai bị do paramyxovirus gây nên, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiêp bằng đường hô hấp, có thể trở thành đại dịch đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Bệnh quai bị, nếu không dược điều trị đúng cách, có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, vô sinh. Do đó chẩn đoán quai bị nhanh chóng, chính xác để có kế hoạch điều trị kịp thời là điều rất quan trọng.
Menu xem nhanh:
1. Chẩn đoán quai bị
Đầu tiên bác sĩ sẽ chẩn đoán quai bị dựa trên các triệu chứng mà người bệnh có. Cần lưu ý có một số trường hơp nhiễm vi rút quai bị nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào hoặc các triệu chứng biểu hiện rất nhẹ. Các triệu chứng này thường xuất hiện khoảng 2 – 3 tuần sau khi tiếp xúc với vi rút và bao gồm:
– Tuyến nước bọt ở một hoặc hai bên khuôn mặt sưng đau.
– Sốt
– Đau nhức cơ bắp
– Mệt mỏi
– Chán ăn
– Đau khi nhai hoặc nuốt
Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ (2 tuyến nước bọt nằm ở vị trí góc xương hàm, ngay bên dưới và phía trước tai).Do hình dáng tuyến mang tai sau khi viêm khiến cho góc hàm bạnh ra nhìn như cái bị (túi) nên dân gian gọi là bệnh quai bị.
Sau đó xét nghiệm máu, nước tiểu hay dịch não tủy (CSF) có thể được thực hiện để xác định chẩn đoán quai bị.
2. Điều trị bệnh quai bị
Bệnh quai bị không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng và biến chứng. Trong đó, hai biến chứng quan trọng là viêm màng não lympho bào cấp tính và viêm tinh hoàn. Viêm tinh hoàn xảy ra ở khoảng 1/4 số ca bệnh nam giới sau tuổi dậy thì. Khi bị viêm tinh hoàn, một hoặc cả hai bên tinh hoàn sưng lên và đau trong vòng 2-4 ngày rồi xẹp. Với một tỷ lệ khá hiếm hoi, viêm tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh.
Thuốc giảm đau tùy theo từng lứa tuổi, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen, có thể làm giảm bớt một số triệu chứng gây khó chịu. Người bệnh cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ăn các loại thức ăn dạng lỏng, không cần nhai.
Quai bị có khả năng lây nhiễm cao và khoảng 25% người bị nhiễm vi rút này không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Do đó khi phát hiện mắc quai bị, người bệnh cần nhanh chóng tới bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị hiệu quả, tránh để quai bị bùng phát thành dịch.
3. Phòng chống bệnh quai bị
Để ngăn ngừa vi rút lây lan, người bệnh phải nghỉ ngơi ở nhà, không đi làm, không đi học. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, nếu tiếp xúc phải đeo khẩu trang. Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân (thìa, muỗng, cốc, chén…). Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Che miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau đó bằng xà phòng. Tiêm vắc xin để phòng bệnh chủ động.