Trẻ sơ sinh mắc bệnh thường do nhiều yếu tố như sức đề kháng kém, con dễ lây nhiễm từ người lớn… Theo đánh giá thì trong 2 năm đầu đời con sẽ ốm khoảng 10 lần với các bệnh lý chủ yếu liên quan tới đường hô hấp, trong đó có bệnh cúm A. Vậy khi trẻ sơ sinh bị cúm A cha mẹ nên làm gì để tốt nhất cho con?
Menu xem nhanh:
1. Bệnh cúm A ở trẻ sơ sinh
Cúm A là bệnh lý về đường hô hấp, do các chủng virus cúm A gây nên như: chủng A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9, vì thế trẻ sơ sinh mắc bệnh cũng xuất hiện đầy đủ các triệu chứng như trẻ lớn. Tuy nhiên, vì trẻ còn nhỏ, chưa giao tiếp được nên đôi khi những dấu hiệu từ bên trong thường bị bỏ qua hoặc khó nhận biết. Đặc biệt với những cha mẹ lần đầu nuôi con.
Một vài dấu hiệu cúm A thường gặp ở trẻ sơ sinh như:
– Trẻ sốt cao
– Con ho khan, hắt hơi hoặc đôi khi thở khò khè
– Con quấy khóc nhiều
– Con ngủ nhiều hơn, người mệt mỏi và thường ngủ li bì
– Nặng hơn con có thể bị tiêu chảy, bỏ bú
– Ngủ không ngon giấc, con dễ quấy khóc..
Trẻ sơ sinh mắc cúm A khá nguy hiểm, vì bệnh dễ biến chứng, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ ảnh hưởng tới gan, não, tim của trẻ. Đó chính là lý do khi trẻ có dấu hiệu của cúm A cha mẹ cần đặc biệt quan tâm và đưa con tới bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
2. Cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa bệnh cúm A ở trẻ sơ sinh?
Cúm A là bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng cúm A hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu cha mẹ và người thân biết cách chăm sóc giúp trẻ an toàn ngay cả trong thời điểm mùa dịch. Một vài khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra giúp cha mẹ chủ động phòng bệnh cúm A ở trẻ.
– Trong thời điểm dịch bệnh nên hạn chế để con tiếp xúc với nhiều người.
– Trẻ từ 6 tháng trở lên trẻ cần tiêm đầy đủ vacxin để giảm nguy cơ tấn công của virus cúm, trong đó có cúm A.
– Với những người thường xuyên bế trẻ, khi tiếp xúc nên vệ sinh thân thể thật sạch sẽ, hạn chế thơm và có những hành động âu yếm con.
– Hàng ngày nên vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
– Giữ nơi ở của con thật sạch sẽ, hạn chế ẩm mốc, chứa nhiều đồ đạc
– Không nên để con mút tay, ngậm đồ chơi.
– Nếu trẻ đang bú mẹ, mẹ cần đảm bảo nguồn dinh dưỡng để chất lượng sữa được tốt nhất. Nếu con đã tới tuổi ăn dặm nên đa dạng thực phẩm hàng ngày để con tăng sức đề kháng.
– Cần làm sạch không khí xung quanh trẻ, có thể bằng các loại máy hút bụi.
– Phòng của trẻ nên được tạo độ ẩm, có thể bằng máy phun sương.
– Trong thời điểm mùa dịch không nên tắm cho bé quá lâu, cần tắm nhanh và lâu khô người con trước khi mặc đồ. Lúc tắm cha mẹ có thể nhỏ vài giọt tinh dầu tràm trà hoặc bạc hà giúp làm ấm cơ thể trẻ.
– Khi con xuất hiện những triệu chứng dù là nhẹ nhất cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách xử lý.
3. Trẻ sơ sinh bị cúm A khi nào cần tới bệnh viện?
Cúm A hoàn toàn có thể điều trị tại nhà nhưng chỉ phù hợp với trẻ lớn trên 2 tuổi và trẻ mắc bệnh nhẹ. Còn đối với trẻ sơ sinh, lời khuyên tốt nhất là khi thấy con có dấu hiệu của cúm A cần lập tức đưa con tới viện để kiểm tra, tránh để lâu bệnh rất dễ gây ra những biến chứng.
Ngoài ra, trong lúc con bị ốm mẹ nên chú ý tới những điều sau như:
– Khi con ốm không nên để con tiếp xúc với nhiều người lớn hoặc người mắc bệnh.
– Trước khi bế con cần tắm rửa, vệ sinh thật sạch sẽ chân tay
– Không thơm lên má trẻ hay có những hành động âu yếm khác
– Khi mắc cúm A con thường có biểu hiện sốt, lúc này cha mẹ nên mặc cho con những bộ quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để cơ thể được tỏa nhiệt dễ dàng hơn.
– Cố gắng cho con bú mẹ hoặc sữa công thức thường xuyên để tránh tình trạng mất nước.
– Nếu trẻ bú mẹ, mẹ nên ăn nhiều hoa quả tươi giàu vitamin C, rau xanh, thực phẩm nhiều dinh dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn sữa mẹ.
– Ngoài ra, khi tới bệnh viện mẹ nên thực hiện đúng và đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để sức khỏe của con sớm được cải thiện.
Trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy cơ lây lan và để lại nhiều biến chứng. Vì thế không chỉ thời điểm dịch mà trong cả quá trình chăm con nhỏ, cha mẹ và người thân cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan với bất cứ dấu hiệu nào của trẻ nhỏ. Khi con có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe con cần được tới bệnh viện để thăm khám và xử lý kịp thời.