Sốt xuất huyết nặng là tình trạng y tế cần được can thiệp cấp cứu vì có nguy cơ gây sốc, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Hiểu về dấu hiệu sốt xuất huyết giúp người bệnh sớm được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Ai có nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue nặng?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh muỗi truyền phổ biến do virus Dengue gây ra. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành quanh năm và thường bùng phát thành dịch vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Do virus Dengue có 4 type gây bệnh: DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4, một người từng bị sốt xuất huyết vẫn có thể tái nhiễm nếu mắc các type virus còn lại. Điều này đồng nghĩa người bệnh mắc 1 type virus sẽ chỉ tạo được kháng thể chống lại chính type cụ thể đó. Và có thể bị sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong đời.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), cứ 20 người mắc sốt xuất huyết thì có 1 người bệnh tiến triển thành sốt xuất huyết nặng. Đặc biệt, nếu bạn từng mắc sốt xuất huyết trước đây, bạn có nhiều khả năng bị sốt xuất huyết nặng nếu tái nhiễm. Nguy cơ này cũng cao hơn đối với trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.
Do đó, việc sớm phát hiện các dấu hiệu sốt xuất huyết nặng có ý nghĩa quan trọng giúp người bệnh được điều trị kịp thời, tránh diễn tiến nặng.
2. 6 dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng
Theo phân loại của WHO, sốt xuất huyết có 3 phân độ bao gồm: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Bệnh nhân thường bước vào giai đoạn sốt xuất huyết nặng sau khoảng 3-7 ngày từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Tại thời điểm này, người bệnh dần hạ sốt, tuy nhiên không có nghĩa bệnh nhân đang phục hồi.
Các dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng có thể xuất hiện, cảnh báo các biến chứng nguy hiểm của bệnh như: thoát huyết tương dẫn tới sốc, tụ dịch, suy hô hấp; chảy máu; tổn thương tạng nặng. Người bệnh thậm chí có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết thường diễn ra trong 1-2 ngày kể từ khi người bệnh hết sốt. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC khuyến cáo, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:
2.1 Đau bụng dữ dội – dấu hiệu sốt xuất huyết nặng
Đau vùng bụng do sốt xuất huyết có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó, hiện tượng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch máu khiến màng bao gan phình to gây đau vùng gan là triệu chứng thường thấy. Các nguyên nhân gây đau bụng khác có thể kể đến như: do tràn dịch màng bụng, xuất huyết tiêu hóa, tắc mạch nội tạng do rối loạn đông máu…
2.2 Nôn liên tục (ít nhất 3 lần trong 24 giờ)
Virus xâm nhập vào cơ thể gặp kháng thể của người bệnh có thể tạo nên phản ứng viêm tại vùng hầu họng, ống tiêu hóa khiến người bệnh nôn mửa. Mặt khác, sốt xuất huyết nặng khiến gan sưng to có thể chèn ép vào dạ dày người bệnh gây hiện tượng nôn ói.
2.3 Chảy máu mũi, lợi, chân răng
Giai đoạn sốt xuất huyết nặng, người bệnh có thể bị xuất huyết tại nhiều vị trí khác nhau. Trong đó, xuất huyết niêm mạc bao gồm chảy máu mũi, nướu lợi, chân răng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được xác định do cơ thể bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
2.4 Dấu hiệu sốt xuất huyết nặng – nôn ra máu hoặc có máu trong phân
Khi cơ thể hạ sốt, giảm tiểu cầu xảy ra còn có thể thể khiến cho người bệnh bị xuất huyết nội tạng, đặc trưng bởi triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân đen, phân có lẫn máu hay đi tiêu ra máu loãng. Các triệu chứng này cũng có thể do cơ thể đang rơi vào tình trạng rối loạn đông máu. Điều này gây ra hiện tượng hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch hoặc giảm quá trình đông máu gây hiện tượng xuất huyết.
Nguyên nhân khác gây tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở người có thể kể đến như việc tự ý sử dụng aspirin và ibuprofen để hạ sốt. Đây là các loại thuốc có tác dụng gây ức chế tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Do đó có thể khiến cho tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn.
2.5 Thở nhanh, mệt mỏi, bồn chồn
Các cơn đau vùng bụng, xuất huyết và nôn khiến diễn ra trong thời gian bệnh trở nặng khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn. Có người rơi vào trạng thái li bì, rũ rượi, không muốn ăn uống. Khi nói chuyện, người bệnh có dấu hiệu thở gấp, thấp thỏm, khó yên.
3. Điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng
Người mắc sốt xuất huyết cần được theo dõi sát sao ở mọi giai đoạn diễn tiến của bệnh để được điều trị kịp thời. Ngay khi nhận thấy dấu hiệu sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần lập tức đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Theo WHO, bệnh sốt xuất huyết cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh trở nặng và cấp cứu kịp thời giúp giảm 99% tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết.
Nguyên tắc chung trong điều trị sốt xuất huyết nặng là phát hiện sớm dấu hiệu sốc, xuất huyết, suy tạng, điều trị đúng phác đồ và theo dõi bệnh nhân để ngăn ngừa các biến chứng.
Sốc xuất huyết nặng: Điều trị chủ yếu bằng truyền dịch.
Xuất huyết nặng: Điều trị bằng cách truyền máu và các chế phẩm của máu, truyền tiểu cầu, truyền huyết tương, kết tủa lạnh.
Suy tạng nặng: Điều trị bằng cách hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn; kiểm soát đường huyết; điều chỉnh điện giải; điều chỉnh rối loạn đông máu, rối loạn tri giác…
Các dấu hiệu sốt xuất huyết có thể trở nên nghiêm trọng nhanh chóng (chỉ trong vòng vài giờ). Người bệnh và gia đình không nên chủ quan mà cần theo dõi liên tục các diễn biến của bệnh, đồng thời nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện các triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng, giúp người bệnh an toàn vượt qua giai đoạn nguy hiểm.