Có rất nhiều cách nhận biết viêm loét dạ dày, biểu hiện ở các triệu chứng như: Đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau vùng thượng vị, ợ chua…
Menu xem nhanh:
1. Cách nhận biết viêm loét dạ dày bằng chẩn đoán
1.1 Cách nhận biết viêm loét dạ dày qua nội soi tiêu hóa
Nội soi tiêu hóa là cách phổ biến giúp bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác tình trạng dạ dày. Từ hình ảnh nội soi trực quan bên trong dạ dày, bác sĩ sẽ phát hiện được tình trạng viêm loét cũng như có đánh giá chính xác về mức độ bệnh, vị trí tổn thương.
Nội soi tiêu hóa còn giúp tiên lượng khả năng điều trị bệnh dựa trên hình ảnh. Với những ổ loét nhỏ và mới hình thành thì việc điều trị khá đơn giản. Bác sĩ thông qua quá trình nội soi có thể áp dụng biên pháp can thiệp điều trị cầm máu các ổ loét. Ngoài ra có thể sinh thiết quanh vị trí tổn thương để xác định sơ bộ các vấn đề nghi ngờ hoặc tình trạng nhiễm khuẩn HP.
1.2 Cách nhận biết viêm loét dạ dày qua xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP
Ngoài nội soi dạ dày, để xác định xem có khuẩn HP tồn tại trong cơ thể gây viêm loét dạ dày hay không, bác sĩ còn có thể chỉ định một số xét nghiệm khác như:
– Xét nghiệm máu tìm kháng thể HP
– Xét nghiệm phân
– Xét nghiệm hơi thở
Cách chẩn đoán viêm loét dạ dày bằng phương pháp nội soi là phổ biến nhất. Các xét nghiệm như trên đánh giá tốt tình trạng thiếu máu để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cho biết có chứng xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày gây ra hay không. Xác định nồng độ enzyme niêm mạc dạ dày và nồng độ hồng cầu trong phân để đưa ra kết luận cuối cùng về bệnh.
2. Cách nhận biết viêm loét dạ dày qua triệu chứng
Giai đoạn ban đầu chỉ xuất hiện những tổn thương nông trên bề mặt lớp niêm mạc dạ dày với mức độ nguy hiểm không cao. Nếu để ý có thể phát hiện một số triệu chứng có thể dễ dàng trị khỏi. Triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát đột ngột.
2.1 Đau thượng vị
Đau thượng vị là dấu hiệu điển hình của viêm loét dạ dày cấp tính. Đau thượng vị thường xuất hiện sau ăn 2-3 tiếng, đau nhiều hơn sau bữa ăn nhiều đồ chua cay hoặc dầu mỡ. Đau có thể lúc đói, nửa đêm gây mất ngủ và mệt mỏi. Một số dấu hiệu khác như cảm giác tức ngực, cơn đau lan ra sau lưng…
2.2 Buồn nôn hoặc nôn
Người bệnh viêm loét dạ dày có thể bị đau bụng và nôn sau bữa ăn. Tình trạng bụng đau thắt giảm dần nhưng có thể trở lại. Hậu quả của nôn là gây mất nước, mất điện giải, da mặt nhợt nhạt xanh xao.
2.3 Rối loạn tiêu hóa
Người bệnh viêm loét dạ dày thường có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, chán ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài. Do hệ tiêu hóa không ổn định nên người bệnh dễ gặp tình trạng sụt cân.
2.4 Xuất huyết dạ dày
Nếu không điều trị viêm loét dạ dày kịp thời, người bệnh có thể bị xuất huyết dạ dày. Biểu hiện thường gặp của dạ dày xuất huyết là nôn ra máu đỏ, đau bụng thượng vị nghiêm trọng hoặc đi tiêu phân đen. Đây là mức độ nguy hiểm của bệnh, cần được thăm khám ngay lập tức.
3. Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày
Nếu phát hiện từ sớm, bệnh viêm loét dạ dày có thể dễ dàng điều trị. Trước khi viêm loét dạ dày nặng và xuất hiện biến chứng, người bệnh thường được chỉ định điều trị bằng thuốc. Kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý.
Trong trường hợp viêm loét nghiêm trọng, xuất hiện các biến chứng như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị gây cản trở thức ăn xuống ruột non thì tùy trường hợp có thể cần tiến hành làm phẫu thuật dạ dày.
Viêm loét dạ dày thường không cần mổ mà sẽ được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Một số trường hợp hiếm gặp người bệnh có thể được chỉ định mổ khi điều trị nội khoa không có hiệu quả tích cực. Trong trường hợp bệnh có biến chứng nguy hiểm cũng cần phẫu thuật.
4. Cách nhận biết viêm loét dạ dày và phòng ngừa
4.1 Phòng ngừa viêm loét dạ dày bằng ăn uống
Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học giảm nguy cơ phát triển viêm loét dạ dày. Người có nguy cơ cao viêm loét dạ dày nên bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày:
– Trái cây và rau quả: Ăn nhiều trái cây và các loại rau củ rất tốt cho sức khỏe, trong đó góp phần nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa. Rau củ quả giàu chất chống oxy hóa đồng thời chứa thành phần chống viêm, bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày.
– Chất xơ: Chế độ ăn giàu chất xơ hòa tan có thể giảm nguy cơ phát triển các vết loét dạ dày.
– Probiotics (lợi khuẩn): Lợi khuẩn được chứng minh là cải thiện chứng khó tiêu và giảm tác dụng phụ thuốc kháng sinh. Bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chu giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
– Kẽm: Hỗ trợ duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và hỗ trợ lành vết thương. Kẽm có nhiều trong hàu, thịt bò, các loại đậu, cải bó xôi…
– Vitamin C: Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có hiệu quả cao trong việc diệt trừ khuẩn HP khi dùng với liều lượng thích hợp. Trái cây họ cam quýt, các loại đậu, cải xoăn, cải bó xôi, cà chua… chứa hàm lượng vitamin C cao.
4.2 Phòng ngừa viêm loét dạ dày bằng lối sống
Ngoài chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng tốt cho việc phòng ngừa viêm loét dạ dày:
– Bỏ hút thuốc lá, tránh xa đồ uống có cồn và cafein
– Tham khảo bác sĩ để chuyển sang các loại thuốc khác aspirin, ibuprofen và naproxen có tác dụng tương tự.
– Thường xuyên rửa tay
– Ăn chín uống sôi, hạn chế ăn hàng quán.
– Học cách kiểm soát căng thẳng, lo âu để không gây ảnh hưởng xấu tới dạ dày.
Trên đây là các cách nhận biết viêm loét dạ dày, các phương pháp chẩn đoán và điều trị mà bạn nên tham khảo để phòng tránh và phát hiện bệnh sớm. Khi thấy có dấu hiệu đau dạ dày bất thường, cần khi khám bác sĩ để được khám và khắc phục kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.