Sau khi biết tin mình có thai, mẹ bầu cần phải ghi nhớ lộ trình khám thai để có thể thăm khám đúng hẹn và đảm bảo cho bé yêu luôn phát triển khỏe mạnh.
Menu xem nhanh:
1.Sự cần thiết của việc tuân thủ theo lộ trình khám thai
Ngay từ khi biết tin mình sẽ được làm mẹ, hẳn nhiều chị em đã có cảm giác lâng lâng vui sướng. Bên cạnh niềm hạnh phúc sắp được lên chức là những nỗi lo. Làm sao để em bé chào đời khỏe mạnh, cần phải ăn uống thế nào, liệu em bé phát triển trong bụng mẹ có gặp vấn đề gì không,v…v…Là một người mẹ hiện đại và thông thái, các chị em cần tìm hiểu các thông tin qua sách báo, mạng truyền thông để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về mang thai và chăm sóc cho thai nhi. Ngoài việc tự tìm hiểu kiến thức, những mẹ mang thai nhất là lần đầu cần phải được tư vấn và thăm khám từ các bác sĩ, chuyên gia sản khoa có chuyên môn kiến thức. Muốn vậy, mẹ cần phải đi thăm khám định kỳ hay còn gọi là thực hiện đúng lộ trình khám. Đây là một việc làm vô cùng cần thiết đối với các mẹ bầu.
Khi phát hiện que thử thai lên hai vạch, mẹ bầu cần phải đi khám để xác định thai đã vào tử cung hay chưa. Chửa ngoài tử cung là một trường hợp vô cùng nguy hiểm đối với thai phụ.
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời không chỉ ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này của mẹ mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tiếp đến, khi thai đã vào tử cung, mẹ cần phải thăm khám để biết tình trạng phát triển của phôi thai có tốt không, có gặp vấn đề gì không. Nhiều trường hợp thai bị lưu nhưng do không đi thăm khám thường xuyên dẫn đến những biến chứng khôn lường ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.
Bên cạnh đó, mẹ khi mang bầu cũng cần phải làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu, tiểu đường thai kỳ, đo huyết áp…để được bác sĩ xem xét các chỉ số và chỉ ra những vấn đề tốt hoặc không tốt của thai nhi và có cách khắc phục.
Muốn làm được điều này, mẹ bầu cần phải đăng ký quản lý thai kỳ sớm nhất có thể. Đối với những mẹ không có điều kiện đi thăm khám đúng quy trình đầy đủ thì ít nhất cần 3 lần khám thai ở: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối. Nếu được hãy đăng ký sớm nhất để có những lời khuyên sớm nhất từ bác sĩ, nhất là đối với những mẹ có sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền, mẹ cao tuổi…
Nhiều mẹ có quan niệm rằng khám thai chỉ là siêu âm thai, nhưng thực tế đây là quan niệm sai lầm. Siêu âm thai chỉ là một phần trong quy trình khám thai. Việc siêu âm sẽ giúp cho bác sĩ nhìn được những biểu hiện về mặt hình thái hoặc những dấu hiệu tăng trưởng sinh tồn của thai nhi nhưng không thể hiện toàn bộ sức khỏe của mẹ và bé. Chính vì vậy, ngoài siêu âm chúng ta còn có các hoạt động thăm khám khác như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, tầm soát dị tật…Có những kết quả ngoài siêu âm, bác sĩ siêu âm không thể chỉ ra cho bạn mà còn cần bác sĩ sản khoa có chuyên môn.
Vì vậy, mẹ bầu khi đi khám thai cần thực hiện đầy đủ những chỉ định của bác sĩ từ các xét nghiệm cần thực hiện cho đến những mốc thời gian cần phải tái khám.
2.Cách để nhớ thời điểm cần đi khám thai
2.1. Lộ trình khám thai theo mốc phát triển của bé
Cách đầu tiên để ghi nhớ lộ trình khám thai là nhớ theo những mốc phát triển của thai nhi. Cụ thể như:
– Sau thời điểm trễ kinh 1-2 tuần: Đây là giai đoạn đầu tiên của thai kỳ. Thời điểm này có thể phôi thai đang phát triển và đang trên đường tiến vào tử cung của bạn để tìm chỗ làm tổ. Thời điểm này có thể phát hiện có thai hay không bằng biện pháp dùng que thử thai. Tuy nhiên thử que không giúp mẹ phát hiện thai đã vào tử cung hay chưa mà phải thông qua siêu âm (thường là siêu âm đầu dò) để phát hiện.
– 3-4 tuần sau khi thai đã vào tử cung: Đây là thời điểm có thể đo được tim thai. Bố mẹ có thể nghe được những nhịp tim đầu tiên của em bé thông qua hệ thống khuếch đại âm thanh trong máy siêu âm. Lúc này bác sĩ cũng có thế tính tuổi thai và dự kiến sinh thông qua chu kỳ kinh nguyệt cuối. Đây là thời điểm thai còn khá non yếu, nhau bám vào thành tử cung chưa chắc chắn, nhiều mẹ sẽ bị động thai vào lúc này. Biểu hiện của động thai là ra máu đỏ hoặc nâu, đau bụng lâm râm. Nếu đi khám mẹ có thể được bác sĩ kê đơn thuốc để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi.
– Từ tuần thai tứ 11 đến tuần thai thứ 13: Thời điểm này xuất hiện một mảng da gáy sáng đằng sau thai nhi. Đây là dấu hiệu cho biết em bé có nguy cơ mắc bệnh Down hay không. Khi đi khám bác sĩ sẽ đo độ dày của lớn da gáy này để xác định nguy cơ. Nếu chỉ số độ mờ da gáy thấp hơn 3.5 mm thì thai nhi hoàn toàn bình thường, không có nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời các chỉ số như chiều dài đầu mông sẽ được bác sĩ đo để xác định tuổi thai một cách chính xác nhất và thời điểm dự sinh là bao nhiêu.
– Từ tuần thai thứ 15 đến tuần thai thứ 20: Đây là thời điểm mà các bộ phận cơ quan trong cơ thể dần hình thành và phát triển. Tim là cơ quan quan trọng sẽ được đánh giá dị tật vào thời điểm này, mẹ cần tiếp tục đến thăm khám để đánh giá sự phát triển của em bé. Bác sĩ cũng sẽ theo dõi cân nặng, huyết áp để lưu trữ thông tin, làm cơ sở cho quá trình sinh nở sau này. Những loại xét nghiệm tầm soát dị tật như Triple Test, Double Test, NIPT cũng được chỉ định để sàng lọc các dị tật bẩm sinh về sai nhiễm sắc thể (Down, Edwards, Patau, dị tật thần kih…). Đây là những phương pháp tầm soát không xâm lấn nên rất an toàn cho mẹ và bé. Thời điểm này, các bác sĩ sẽ nhắc nhở mẹ đi tiêm phòng uốn ván, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng để bảo vệ mẹ và bé sau quá trình sinh nở.
– Tuần thai 22: Các mẹ sẽ được siêu âm 3D, 4D, 5D để được đánh giá về hình thái thai nhi, kiểm tra bánh nhau, thể tích nước ối, chất lượng nước ối để xem thai nhi có phát triển bình thường không.
– Từ tuần thai thứ 25 đến tuần thai thứ 28: Mẹ sẽ cần được theo dõi cân nặng, huyết áp, khám phụ khoa để kiểm tra những viêm nhiễm. Đồng thời mẹ sẽ được kiểm tra lượng đường để tầm soát tiểu đường trong thai kỳ một cách thường xuyên cho đến tận tuần thai thứ 36.
– Khi thai nhi đạt mốc 38-40 tuần: Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bánh nhau, ngôi thai thuận hay ngược, dây rốn có xoắn, quấn cổ không, cân nặng ước tính của thai nhi thế nào. Đồng thời bác sẽ thăm khám khung xương chậu để đánh giá khả năng sinh và tư vấn hướng sinh phù hợp, an toàn cho thai phụ.
– Thời gian từ 40-41 tuần là những ngày cuối của thai kỳ mẹ sẽ cần tuân thủ lộ trình khám thai thường xuyên hơn từ 3 ngày/lần. Bác sĩ sẽ xét đo tim thai, đo cơn gò bằng máy monitor và đo lượng nước ối để biết khi nào nên thúc sinh, hoặc nên để đợi chuyển dạ tự nhiên.
2.2. Lộ trình khám thai theo loại xét nghiệm, thăm khám cần phải làm
– Kiểm tra thai vào tử cung: Tương ứng với thời điểm phát triển đầu tiên của thai nhi. Mẹ cần đi khám để biết thai nhi đã vào làm tổ an toàn trong tử cung hay chưa.
– Kiểm tra có tim thai: Bác sĩ sẽ siêu âm để biết em bé có tim thai hay chưa, kiểm tra và so sánh nhịp tim xem nhanh hay chậm.
– Kiểm tra độ mờ da gáy để xác định bệnh Down: Tầm soát đầu tiên về dị tật thai là đo độ mờ da gáy để đánh giá khả năng mắc bệnh Down.
– Làm các xét nghiệm tầm soát dị tật về nhiễm sắc thể
Những xét nghiệm để sàng lọc dị tật bao gồm: Xét nghiệm Double Test, Triple Test, NIPT là những xét nghiệm không xâm lấn, chỉ lấy máu ở tĩnh mạch mẹ để làm xét nghiệm nên sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé. NIPT có thể được làm từ tuần thai thứ 9.
Sinh thiết rau thai: xét nghiệm kiểm tra trên mẫu nhau thai để phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể
Chọc ối. Bác sĩ sẽ chọc một lỗ nhỏ bằng kim tiêm để lấy ra một lượng nước ối nhỏ nhằm xét nghiệm để xem thai nhi có bất thường nào không. Đây là xét nghiệm có xâm lấn nên sẽ có khả năng (thấp) ảnh hưởng đến thai nhi.
– Kiểm tra hình thái: Là hình thức bác sĩ siêu âm để kiểm tra hình dáng bên ngoài của em bé có vấn đề gì không từ sứt môi hở hàm ếch cho đến thừa thiếu chi tay chân.
Trên đây là những thông tin để giúp mẹ có thể ghi nhớ lộ trình khám thai của mình, thời điểm nào cần đi khám để được kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Hi vọng những mẹ bầu sẽ có thêm nhiều kiến thức cho bản thân.