Cách điều trị viêm dạ dày cần thực hiện đúng phác đồ theo chỉ định của bác sĩ đưa ra. Tuy nhiên, không ít người bệnh còn gặp phải những sai lầm khi tiến hành chữa bệnh làm giảm hiệu quả điều trị thậm chí là khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm dạ dày
Viêm loét dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc rất cao, gặp phải ở mọi đối tượng không phân biệt nam nữ hay độ tuổi. Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc thành dạ dày xuất hiện các tổn thương dạ viêm loét, gây ra ảnh hưởng xấu tới chức năng tiêu hóa cùng các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Bệnh viêm loét dạ dày phát triển từ giai đoạn tổn thương thể cấp tính đến mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính các vết viêm còn nhẹ và nông nên nếu được phát hiện sớm có thể tự làm lành nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan để bệnh trở nặng sẽ phát triển tới giai đoạn mạn tính tức là tổn thương mang tính chất lâu năm. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn và nguy cơ cao xảy ra biến chứng nguy hiểm.
2. Cách điều trị viêm dạ dày được áp dụng
Điều trị bệnh viêm loét dạ dày sẽ phụ thuộc vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định 2 phương pháp điều trị phổ biến là:
– Điều trị nội khoa bằng thuốc
– Phẫu thuật cắt dạ dày
2.1. Cách điều trị viêm dạ dày bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc cho hiệu quả điều trị tốt trong các trường hợp bệnh viêm loét dạ dày nhẹ, các vùng viêm, sưng, loét không nghiêm trọng và chưa gây ra biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh tiến hành thăm khám và bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ thuốc phù hợp bao gồm:
– Thuốc kháng acid.
– Thuốc giảm tiết acid.
– Thuốc ức chế bơm proton.
– Thuốc tạo màng bọc giúp bảo vệ niêm mạc thành dạ dày.
– Thuốc diệt vi khuẩn HP.
Khi tiến hành điều trị viêm dạ dày bằng thuốc, người bệnh cần lưu ý những yêu cầu sau đây:
– Người bệnh tuyệt đối không tự ý kê đơn, mua thuốc hay áp dụng cách điều trị theo hướng dẫn từ người khác. Điều này sẽ khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng.
– Thực hiện đúng theo đơn kê của bác sĩ là đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng hướng dẫn.
– Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh viêm loét dạ dày cũng cần thực hiện chế độ ăn khoa học, điều chỉnh lối sống nề nếp lành mạnh.
– Thăm khám đúng hẹn với bác sĩ để đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.
2.2. Cách điều trị viêm dạ dày bằng can thiệp phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật được đưa ra trong các trường hợp viêm loét dạ dày nặng, xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, xuất huyết nặng, ung thư dạ dày,… hoặc các ca bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa.
Phẫu thuật cắt đi 1 phần dạ dày nhằm ngăn chặn sự lan rộng của ổ loét. Tuy nhiên, với phẫu thuật này cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Do đó, người bệnh thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm cần thiết để bác sĩ cân nhắc giữa mặt lợi ích và yếu tố nguy cơ để có thể đưa ra chỉ định cuối cùng.
Phẫu thuật cắt dạ dày có thể thực hiện theo 2 phương pháp:
– Nội soi cắt dạ dày
– Mổ mở cắt dạ dày
3. Những sai lầm cần tránh khi điều trị viêm dạ dày
Bệnh viêm dạ dày có thể nói là bệnh lý tiêu hóa phổ biến hàng đầu. Chính vì sự phổ biến này nên mỗi người thường sẽ có cho mình những cách xử lý riêng nhưng không phải cách xử lý nào cũng đúng.
Lưu ý ngay những sai lầm sau đây khi tiến hành xử lý điều trị với bệnh viêm dạ dày mà rất nhiều người gặp phải.
3.1. Tự ý dùng thuốc khi mới chớm có dấu hiệu đau dạ dày
Thực tế thì việc tự ý dùng thuốc đã là sai, tự ý dùng thuốc khi mới chớm có dấu hiệu đau dạ dày lại càng không nên. Khi bạn chưa xác định đúng bệnh cũng như nguyên nhân gây viêm dạ dày mà tự ý dùng thuốc thì khả năng bệnh diễn biến chở nặng là rất cao.
Cụ thể, khi người bệnh nhận thấy các dấu hiệu ban đầu của viêm loét dạ dày như đau bụng, ợ chua, ợ hơi,… sẽ mua các thuốc nhằm điều trị triệu chứng. Việc dùng thuốc có thể giúp bạn hết khó chịu nhưng không thể điều trị tới vết loét – cũng là tâm bệnh phải điều trị.
Chính vì vậy, thay vì việc tự ý mua thuốc, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa cùng việc thay đổi chế độ ăn khoa học cùng điều chỉnh lối sống lành mạnh là cách xử lý đúng đắn nhất.
3.2. Thay đổi liệu trình điều trị
Điều trị viêm loét dạ dày cần tuân thủ đúng phác đồ bác sĩ chuyên khoa chỉ định bao gồm về loại thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng, chế độ chăm sóc, chế độ tái khám. Người bệnh chỉ cần bỏ qua 1 trong các yêu cầu nêu trên sẽ không đảm bảo việc điều trị bệnh diễn ra tốt nhất.
Trường hợp thường gặp nhất là người bệnh tự ý dừng việc uống thuốc khi nhận thấy các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm hoặc tự ý thay đổi loại thuốc. Điều này thường dẫn tới khả năng nhờ thuốc, kháng thuốc và bệnh rất dễ tái lại.
3.3. Điều trị mà bỏ qua chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học
Chế độ ăn và sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong điều trị và phòng viêm loét dạ dày. Chính vì thế, trong quá trình điều trị và ngay cả khi đã điều trị khỏi, người bệnh cũng cần thực hiện một chế độ ăn khoa học và một lối sống lành mạnh. Cụ thể:
– Chế độ ăn nhiều chất xơ, bổ sung đủ vitamin cần thiết.
– Ăn đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ chua, đồ uống có chứa chất kích thích.
– Điều chỉnh thói quen ăn: Ăn chậm nhai kỹ, ăn đủ bữa đúng giờ, ăn điều độ không quá no hoặc quá đói, hạn chế ăn khuya,…
– Làm việc nghỉ ngơi điều độ, tránh việc căng thẳng kéo dài.
– Vận động điều độ.
– Thực hiện thăm khám sức khỏe đường tiêu hóa theo lịch định kỳ.
3.4. Ngộ nhận viêm loét dạ dày sẽ không lây nhiễm, không tái phát
Trên thực tế, có tới 90% ca viêm loét dạ dày đến từ nguyên nhân vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn có thể lây nhiễm qua nhiều con đường và cũng có thể tái phát nên đồng nghĩa với việc viêm loét dạ dày có thể lây nhiễm và tái lại kể cả khi được điều trị khỏi.
Cách phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP hiệu quả đó là giữ vệ sinh môi trường sống, thực hiện ăn chín uống sôi và lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Như vậy, cách điều trị viêm dạ dày nên được thực hiện theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định sau khi thăm khám chi tiết và lưu ý những sai lầm để tránh mắc phải. Phát hiện sớm, điều trị đúng cách sẽ giúp viêm loét dạ dày được chữa lành tốt nhất.