Những phương pháp tán sỏi thận ngày càng được nhắc đến nhiều hơn nhờ vào tính ứng dụng cao trong điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu. Tìm hiểu chi tiết về các phương pháp cụ thể qua bài viết này.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên lý của các phương pháp tán sỏi thận
Các thông tin hay được nhắc đến khi nói về các phương pháp tán sỏi đó là ít đau, ít xâm lấn, gần như không có sẹo, rút ngắn thời gian phục hồi và có thể xuất viện sớm, không ảnh hưởng đến công việc. Vậy nguyên lý của những phương pháp này là gì?
Theo đó, những viên sỏi trước đây vẫn thường được can thiệp mổ mở thì phần lớn đã được thay thế bằng giải pháp tán sỏi. Nguyên lý của những phương pháp này là dùng năng lượng laser hoặc sóng xung kích tập trung tại vị trí của sỏi và phá vỡ cấu trúc sỏi. Sỏi vỡ thành những mảnh vụn rất nhỏ có thể ra ngoài theo đường tự nhiên hoặc bơm hút ra ngoài. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, các phương pháp này gần như rất ít gây xâm lấn, thậm chí không cần mổ nên giảm thiểu được các biến chứng như trong mổ mở, đồng thời tốc độ hồi phục cũng nhanh hơn.
Bên cạnh chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ, việc bệnh viện đáp ứng đầy đủ về công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại cũng rất quan trọng để thực hiện thành công các ca tán sỏi.
2. 3 phương pháp tán sỏi thận phổ biến nhất hiện nay
Tán sỏi công nghệ cao được ứng dụng phổ biến nhất là 3 phương pháp: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser và tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
2.1. Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể được đánh giá là giải pháp an toàn nhất dành cho bệnh nhân mắc sỏi thận <1.5cm, sỏi niệu quản ⅓ trên sát bể thận với kích thước bé dưới 1cm.
Phương pháp này dùng sóng xung kích từ máy tán sỏi hội tụ để làm vỡ sỏi. Điểm đặc biệt là bệnh nhân chỉ việc nằm trên máy tán sỏi, thư giãn với tư thế thoải mái. Bác sĩ ở ngoài phòng sẽ điều khiển để sóng xung kích tập trung làm vỡ sỏi chính xác nhất.
Từ đó, có thể thấy bệnh nhân tán sỏi ngoài cơ thể hoàn toàn không đau, không phải nằm viện nên tán xong là về ngay. Các vụn sỏi sẽ được đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Do vậy, khi về nhà bệnh nhân cần tích cực uống nhiều nước để thải sỏi ra ngoài.
2.2. Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng
Tán sỏi nội soi ngược dòng là giải pháp hiệu quả cho sỏi bàng quang lớn hơn 1cm, sỏi niệu quản ⅓ giữa và sỏi niệu quản ⅓ dưới kích thước lớn. Nguyên lý của phương pháp là dùng năng lượng laser phá vỡ sỏi từ bên trong rồi hút mảnh vụn ra ngoài. Muốn vậy, bác sĩ phải dùng dụng cụ nội soi tiếp cận với vị trí sỏi. Điểm đặc biệt là không cần phải tạo ra vết rạch để tiếp cận với sỏi mà bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi vào từ niệu đạo. Do đó điều kiện tán sỏi là bệnh nhân không bị hẹp niệu đao.
Từ nguyên lý trên, có thể nhận thấy bệnh nhân tán sỏi ngược dòng sẽ không có vết mổ, ít đau và có thể xuất viện sau 24h.
2.3. Phương pháp tán sỏi qua da
Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ là giải pháp cho những viên sỏi to lớn hơn 1.5cm, sỏi rắn ở thận và đoạn niệu quản ⅓ trên. Kể cả sỏi san hô cực rắn cũng có thể được điều trị bằng phương pháp này. Vì thế tán sỏi nội soi qua da được đánh giá thay thế mổ mở hiệu quả giúp loại bỏ sỏi to.
Nguyên lý của phương pháp cũng là dùng năng lượng laser để tán vỡ sỏi nhưng thay vì luồn ống nội soi từ niệu đạo, tán sỏi qua da mang ống nội soi đi qua da để tiếp cận sỏi. Một đường hầm nhỏ sẽ được tạo ra qua vết trích tầm 5mm trên lưng và dụng cụ nong để mang ống nội soi vào. Sau khi tán vỡ sỏi và bơm hút mảnh vụn ra, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng bệnh thường để phục hồi và theo dõi. Thường là sau 3 – 5 ngày bệnh nhân sẽ được xuất viện, rút ngắn thời gian điều trị hơn hẳn mổ mở (mổ mở thường nằm viện ít nhất 1 tuần).
3. Lưu ý cho bệnh nhân tán sỏi thận
Sỏi tiết niệu không phải tán xong là hết, hiện tượng tái phát có thể xảy ra nếu người bệnh không lưu ý về ăn uống và sinh hoạt. Trong đó, uống nhiều nước là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa tái phát sỏi tiết niệu. Một “bật mí” để biết được mình uống đủ nước hay chưa đó là bạn có thể quan sát nước tiểu, nếu lượng nước tiểu thải ra hằng ngày có màu vàng nhạt thì chứng tỏ bạn đã bổ sung vừa đủ nước.
Một chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, dễ tiêu hóa và lợi tiểu là vô cùng cần thiết cho người bệnh vừa tán sỏi xong. Những mảnh vụn sỏi nhỏ có thể không được đào thải hết sẽ dẫn đến nguy cơ tích tụ lại sỏi to. Do đó, người bệnh cần có thực đơn lợi tiểu, có thể bổ sung thêm nước cần tây, nước cam, canh… để giúp loại bỏ cặn máu, vụn cặn ra ngoài.
Các bài tập được khuyến khích là đi lại nhẹ nhàng, yoga hoặc chạy bộ thường xuyên vừa giúp cho con người khỏe khoắn, năng lượng dồi dào, trao đổi chất tốt, hạn chế lắng cặn tạo sỏi.
Bên cạnh đó, tái khám theo lịch là yếu tố vô cùng quan trọng để kịp thời biết có tái sỏi hay không và được xử trí ngay lập tức.
4. Kết luận
Từ những thông tin trên, có thể thấy giờ đây việc điều trị sỏi thận đã đơn giản hơn nhiều nhờ những phương pháp tán sỏi mới. Do đó, nếu có sỏi dù nhỏ hay to thì cũng cần thăm khám tại cơ sở y tế và tuân thủ tích cực tư vấn điều trị của bác sĩ chuyên khoa.