Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, gây nên những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy các giai đoạn và thời gian ủ bệnh tay chân miệng là bao lâu? Triệu chứng bệnh qua từng giai đoạn thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Bệnh tay chân miệng và khả năng lây lan
Bệnh tay chân miệng thuộc nhóm bệnh lý phổ biến và gây nguy hiểm đối với trẻ em. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng được các nhà khoa học tìm thấy là do virus thuộc họ Enterovirus gây ra, cụ thể chủng thường gặp nhất là chủng virus Coxsackie A 16 và chủng Enterrovirus 71. Trong đó chủng 16 thường dễ gặp hơn và ít gây nguy hiểm hơn cho trẻ, chủng 71 tuy ít gặp song rất dễ biến chứng nguy hiểm tới tính mạng của trẻ như tổn thương cơ tim, viêm màng não,.. và gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Ở Việt Nam, bệnh tay chân miệng thường bùng phát vào các thời điểm giao mùa, nhiệt độ ấm và độ ẩm cao, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến giữa tháng 12, hoặc có thể sai lệch một chút thời gian dựa theo khí hậu của năm. Tuy nhiên vẫn có trường hợp trẻ mắc bệnh mà không phải trong thời điểm giao mùa.
Do tính chất là một bệnh truyền nhiễm và lây lan trực tiếp thông qua dịch tiết mũi họng, dịch từ các mụn nước, qua nước bọt và các giọt bắn trong không khí khi người bệnh hắt hơi hoặc ho,… Điều này lý giải tại sao khi trẻ đi mẫu giáo, đi học,.. trong lớp có bạn mắc bệnh tay chân miệng không được phát hiện sớm rất dễ lây nhiễm cho trẻ còn lại. Hơn nữa, trẻ em có sức đề kháng yếu, thường có thói quen đưa tay lên miệng, hoặc với trẻ nhỏ chưa thể ý thức được việc giữ vệ sinh,.. rất dễ bị nhiễm bệnh.
2. Các giai đoạn và thời gian ủ bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em diễn biến phức tạp theo 4 giai đoạn sau đây. Cha mẹ nên nắm được những đặc điểm cụ thể của trẻ trong từng giai đoạn để theo sát diễn biến bệnh:
2.1. Thời gian ủ bệnh tay chân miệng
Đây là giai đoạn thường rất khó phát hiện và cũng là giai đoạn virus lây nhiễm nhanh nhất. Các triệu chứng thường không rõ ràng và gần như không có triệu chứng từ 3 đến 7 ngày kể từ khi trẻ nhiễm bệnh. Sau khoảng thời gian này, các dấu hiệu dần xuất hiện như trẻ bắt đầu cảm thấy đau họng, chán ăn và đặc biệt tiết rất nhiều nước bọt.
2.2. Giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng
Kết thúc quá trình ủ bệnh, một loạt các triệu chứng khởi phát sẽ xuất hiện, bao gồm:
– Trẻ sốt cao từ 39 – 40 độ C, kèm theo tình trạng mệt mỏi và tiêu chảy liên tục trong ngày.
– Trong miệng bắt đầu xuất hiện các bong bóng nước từ 2 đếm 3 mm. Khi các bong bóng này vỡ đi, sẽ để lại các vết tương tự như nhiệt miệng và loang rộng dần. Các vết thương trong miệng khiến trẻ cảm thấy đau và sót mỗi khi ăn uống khiến trẻ khó ăn, nhất là với các loại thức ăn có vị mặn.
– Bên ngoài da, những bong bóng nước cũng xuất hiện với kích thước lớn hơn ở miệng, xuất hiện chủ yếu ở chân, lòng bàn tay, mông. Mặc dù ấn không gây cảm giác đau nhưng cọ sát bên ngoài rất dễ vỡ và gây bội nhiễm, khiến trẻ ngứa ngáy, bết dính và khó chịu.
2.3. Giai đoạn toàn phát
Bước sang giai đoạn này, các mụn nước xuất hiện với tần suất nhiều hơn và dần dày đặc trên khắp cơ thể bé. Cha mẹ cần cẩn thận chăm sóc trẻ bởi khi mụn nước vỡ ra không được vệ sinh đúng cách sẽ khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập và bội nhiễm. Trẻ có thể bị nhiễm trùng máu thông qua các vết loét này.
Đồng thời, trẻ có thể sốt cao và nôn nhiều, với tình huống này, hãy nhanh chóng thông báo với bác sĩ để xử lý kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm về não bộ, tim mạch, hệ thần kinh và hô hấp.
2.4. Giai đoạn bệnh lùi
Trẻ vượt qua giai đoạn toàn phát và không có biến chứng sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Các vết mụn sẽ biến mất theo thứ tự chúng xuất hiện và trẻ sẽ dần hồi phục.
Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Việc thăm khám giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là chủng virus nào và có nguy cơ gây biến chứng hay không. Đối với bệnh ở mức độ nhẹ và có thể điều trị tại nhà, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc và điều trị. Đối với các bé có diễn biến nặng và nguy hiểm sẽ cần phải nhập viện để theo dõi, phòng ngừa biến chứng.
3. Phòng bệnh tay chân miệng đúng cách cho trẻ
Với những thông tin trên, cha mẹ đã phần nào hiểu được về các giai đoạn cũng như triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ. Tay chân miệng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, chính vì thế mà việc phòng bệnh đúng cách cho trẻ vô cùng quan trọng.
Để phòng ngừa bệnh lý này, trước hết cần chủ động nâng cao đề kháng cho trẻ bằng việc ăn uống đẩy đủ dinh dưỡng, vận động hợp lý hằng ngày và có chế độ nghỉ ngơi phù hợp để cơ thể trẻ được khỏe mạnh.
Khi con bị tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học ở nhà để chăm sóc và điều trị, tránh lây nhiễm cho các bạn khác trong lớp. Đồng thời cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cần xây dựng cho trẻ những thói quen hữu ích sau đây:
– Hướng dẫn trẻ thói quen thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh.
– Hướng dẫn trẻ thói quen vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối hằng ngày.
– Biết cách che mũi và miệng khi hắt hơi và tránh các hắt hơi từ những người xung quanh.
– Bỏ khăn giấy sau khi sử dụng đúng chỗ.
– Hướng dẫn trẻ không sử dụng chung đồ, đặc biệt là các vật dụng ăn uống.
Bệnh tay chân miệng là bệnh mà hầu hết trẻ em nào cũng có thể mắc phải nếu chưa từng bị. Mặc dù dễ lây lan và nguy hiểm song sự chăm sóc và phòng ngừa đúng cách của cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ khỏi bệnh hay tránh nhiễm bệnh một cách hiệu quả.