Bệnh ung thư trực tràng là một bệnh lý ác tính xảy ra ở hệ thống tiêu hóa. Các giai đoạn tiến triển của bệnh như thế nào và điều trị căn bệnh này bằng phương pháp nào sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư trực tràng và triệu chứng điển hình
Ung thư trực tràng là bệnh trong đó có các tế bào ác tính hình thành trong các mô của trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Ung thư trực tràng có thể gây cho người bệnh các triệu chứng, bao gồm:
– Xuất hiện máu (đỏ tươi hoặc sẫm) trong phân.
– Thay đổi trong thói quen đại tiện bao gồm: Tiêu chảy, táo bón, cảm giác ruột không rỗng hoàn toàn sau khi đi vệ sinh, phân hẹp hơn hoặc có hình dạng khác với bình thường.
– Các cảm giác khó chịu ở bụng bao gồm: Đau bụng thường xuyên, đầy hơi, chướng khí
– Cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, giảm cân không rõ lý do…
2. Các giai đoạn mô tả sự tiến triển của ung thư đại tràng
2.1 Giai đoạn 0 và 1
Giai đoạn 0 – Ung thư biểu mô tại chỗ: Các tế bào bất thường được tìm thấy ở niêm mạc (lớp trong cùng) của trực tràng.
Giai đoạn 1 – Khối u hình thành ở niêm mạc của trực tràng và đã lan đến lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ của thành trực tràng.
2.2 Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 – Ung thư trực tràng được chia thành 3 giai đoạn nhỏ là 2A, 2B, 2C:
– Giai đoạn 2A: Ung thư đã lan qua lớp cơ của thành trực tràng đến lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng) của trực tràng.
– Giai đoạn 2B: Ung thư đã lan qua lớp thanh mạc của thành trực tràng đến mô của các cơ quan trong ổ bụng (phúc mạc).
– Giai đoạn 2C: Ung thư đã la qua thanh mạc của thành trực tràng đến các cơ quan lân cận.
2.3 Giai đoạn 3
Giai đoạn 3 – Ung thư trực tràng được chia thành 3 giai đoạn nhỏ là 3A, 3B, 3C:
– Giai đoạn 3A: Ung thư đã lan rộng qua lớp niêm mạc của thành trực tràng đến lớp dưới niêm mạc, hoặc đến lớp cơ của thành trực tràng. Ung thư đã lan đến 1-3 hạch bạch huyết gần đó hoặc tế bào ung thư đã hình thành trong mô gần hạch bạch huyết.
Hoặc ung thư đã lan qua lớp niêm mạc của thành trực tràng đến lớp dưới niêm mạc. Ung thư đã lan đến 4-6 hạch bạch huyết gần đó.
– Giai đoạn 3B: Ung thư đã lan rộng qua lớp cơ đến thanh mạc của thành trực tràng, hoặc đã lan qua thanh mạch đến mô lót các cơ quan trong ổ bụng. Ung thư đã lan đến 1-3 hạch bạch huyết gần đó hoặc tế bào ung thư đã hình thành trong mô gần hạch bạch huyết.
Hoặc ung thư đã lan đến lớp cơ hoặc thanh mạc của thành trực tràng. Ung thư đã lan đến 4-6 hạch bạch huyết gần đó.
Hoặc qua lớp niêm mạc đến lớp dưới niêm mạc của thành trực tràng, hoặc đến lớp cơ của thành trực tràng. Ung thư đã lan đến 7 hoặc nhiều hơn 7 hạch bạch huyết lân cận.
– Giai đoạn 3C: Ung thư đã lan rộng qua thanh mạc đến mô lót của các cơ quan trong ổ bụng. Ung thư đã lan đến 4-6 hạch bạch huyết lân cận.
Hoặc ung thư đã lan qua lớp cơ đến thanh mạc của thành trực tràng, hoặc đã lan qua thanh mạc đến mô lót các cơ quan trong bụng. Ung thư đã lan đến 7 hoặc nhiều hơn 7 hạch bạch huyết lân cận.
Hoặc ung thư đã lan qua thanh mạc của trực tràng đến các cơ quan lân cận. Ung thư đã lan đến 1 hoặc nhiều hạch bạch huyết gần đó hoặc các tế bào ung thư đã hình thành trong mô gần các hạch bạch huyết.
2.4 Giai đoạn 4 – Giai đoạn cuối bệnh ung thư trực tràng
Giai đoạn 4 – Ung thư trực tràng đã lan đến một hoặc nhiều cơ quan không ở gần trực tràng, chẳng hạn như gan, phổi, tuyến tiền liệt, hạch bạch huyết ở xa…
3. Các loại điều trị sử dụng cho bệnh nhân ung thư đại tràng
Có nhiều loại điều trị khác nhau cho bệnh nhân ung thư trực tràng như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch được chỉ định phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân và thời điểm khác nhau.
3.1 Phẫu thuật điều trị ở bệnh nhân ung thư trực tràng
Là phương pháp điều trị phổ biến ở hầu hết các giai đoạn của ung thư trực tràng. Bệnh ung thư trực tràng được loại bỏ bằng một trong các loại phẫu thuật sau đây:
– Cắt polyp: Nếu ung thư được tìm thấy trong polyp, thì polyp sẽ được chỉ định cắt bỏ trong quá trình nội soi.
– Cắt bỏ cục bộ: Nếu ung thư được tìm thấy ở bề mặt bên trong của trực tràng và chưa lan vào thành trực tràng, ung thư và một lượng nhỏ mô khỏe mạnh xung quanh sẽ được loại bỏ.
– Cắt bỏ phần trực tràng có ung thư và các mô khỏe mạnh gần đó. Đôi khi mô giữa trực tràng và thành bụng cũng bị loại bỏ. Các hạch bạch huyết gần trực tràng được loại bỏ và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu ung thư.
– Cắt bỏ vùng chậu: Nếu ung thư đã lan đến các cơ quan khác gần trực tràng thì đại tràng dưới, trực tràng và bàng quang sẽ bị cắt bỏ. Ở phụ nữ, cổ tử cung , âm đạo, buồng trứng và các hạch bạch huyết lân cận có thể bị cắt bỏ. Ở nam giới, tuyến tiền liệt có thể được chỉ định cắt bỏ. Lỗ thải nhân tạo được tạo ra để nước tiểu và phân chảy từ cơ thể vào túi đựng.
Sau khi loại bỏ phần ung thư trực tràng, bác sĩ phẫu thuật sẽ:
– Nối trực tràng: Là hình thức phẫu thuật khâu phần khỏe mạnh của trực tràng lại với nhau, hoặc khâu trực tràng còn lại vào đại tràng hoặc khâu đại tràng vào hậu môn.
– Hoặc tạp lỗ thông (lỗ mở) từ trực tràng ra bên ngoài cơ thể để chất thải đi qua.
3.2 Xạ trị, hóa trị
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại hình bức xạ khác để làm suy yếu tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển.
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách tiêu diệt hoặc ngăn chặn tế bào phân chia.
Xạ trị và/hoặc hóa trị liệu có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u , giúp loại bỏ ung thư dễ dàng hơn và giúp kiểm soát ruột sau phẫu thuật. Phương pháp điều trị trước khi phẫu thuật được gọi là liệu pháp tân bổ trợ.
Sau khi tất cả các khối ung thư có thể nhìn thấy tại thời điểm phẫu thuật được loại bỏ, một số bệnh nhân có thể được xạ trị và/hoặc hóa trị sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư trực tràng nào còn sót lại. Phương pháp điều trị được đưa ra sau phẫu thuật, để giảm nguy cơ ung thư tái phát, được gọi là liệu pháp bổ trợ.
3.3 Liệu pháp nhắm mục tiêu
Là một loại điều trị ung thư trực tràng sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Liệu pháp nhắm mục tiêu được sử dụng trong điều trị bệnh ung thư trực tràng bao gồm: Kháng thể đơn dòng, thuốc ức chế tạo mạch, liệu pháp ức chế protein kinase.
3.4 Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư đại tràng chống lại ung thư. Các chất do cơ thể tạo ra hoặc được tạo ra trong phòng thí nghiệm sẽ giúp tăng cường, định hướng hoặc khôi phục khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại tế bào ác tính tấn công.
Người bị ung thư trực tràng giai đoạn đầu có khoảng 91% khả năng sống sót sau 5 năm so với những người không bị ung thư trực tràng. Vậy nên chủ động thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là giải pháp tốt để giúp người bệnh chủ động kiểm soát sức khỏe của mình.