Khám thai định kỳ không chỉ giúp mẹ bầu theo dõi được sức khỏe của bản thân mà còn giúp đánh giá được sự phát triển của con yêu qua từng giai đoạn. Dưới đây là các giai đoạn khám thai quan trọng trong thai kỳ mẹ bầu nhất định phải ghi nhớ.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ
Thông qua việc khám thai định kỳ, sức khỏe của mẹ và thai nhi sẽ được theo dõi sát sao từ đó giúp hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ. Bên cạnh đó, mẹ bầu sẽ nắm rõ được sự phát triển của thai nhi qua các buổi khám thai này, đồng thời được bác sĩ Sản khoa tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, luyện tập hay những điều cần tránh để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn nhất.
Sau lần khám thai đầu tiên bác sĩ Sản khoa sẽ cho lịch hẹn cụ thể của lần khám thai tiếp theo và mẹ bầu nên tuân thủ theo đúng lịch này bởi một số siêu âm, xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác ở những tuần thai nhất định.
2. Các giai đoạn khám thai quan trọng trong thai kỳ
2.1. Khám thai lần đầu tiên sau khi chậm kinh
Sau khi bị chậm kinh 1 tuần và que thử đã lên 2 vạch thì mẹ bầu nên thực hiện lần khám thai đầu tiên. Trong lần khám thai đầu tiên này các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để kiểm tra xem thai đã làm tổ đúng vị trí chưa, đã có tim thai chưa. Đồng thời cũng trong lần khám thai này mẹ bầu sẽ được thực hiện:
– Xét nghiệm máu để kiểm tra các thông số cơ bản như nhóm máu, yếu tố Rh, các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV/AIDS, viêm gan B, C, Rubella, giang mai.
– Kiểm tra cân nặng để đánh giá xem có bị thừa cân, béo phì hay không.
– Đo huyết áp để biết thai phụ có bị huyết áp cao hay huyết áp thấp hay không. Nếu huyết áp bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn cách phòng ngừa nguy cơ để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
– Tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa trên ngày đầu của chu kỳ cuối.
Ngoài ra tại buổi khám thai đầu tiên này các bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu cách bổ sung các vitamin cần thiết khi mang thai, tư vấn về các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến bé trong 3 tháng đầu thai kỳ, đồng thời tư vấn về các xét nghiệm sàng lọc trước sinh mà mẹ có thể phải tiến hành trong thai kỳ.
2.2. Khám thai lần 2 ở tuần thứ 8
Trong lần khám thai này các bác sĩ sẽ kiểm tra lại tim thai (nếu ở lần khám đầu tiên chưa thấy), kích thước túi ối, chiều dài phôi để xác định thai có phát triển tương xứng với tuổi thai hay không. Bên cạnh đó các bác sĩ vẫn thực hiện các thăm khám lâm sàng như kiểm tra cân nặng, huyết áp, thử nước tiểu để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ.
2.3. Khám thai lần 3 ở tuần thứ 11-13
Trong các giai đoạn khám thai thì việc thực hiện thăm khám ở thời gian này đặc biệt quan trọng bởi đây là thời điểm sàng lọc thai nhi có nguy cơ dị tật nhiễm sắc thể hay không thông qua siêu âm đo độ mờ da gáy và làm xét nghiệm Double test. Nếu qua thời gian này thì kết quả siêu âm và xét nghiệm sàng lọc sẽ không còn chính xác nữa.
2.4. Khám thai lần 4 ở tuần thứ 16
Ở lần khám thai này mẹ bầu sẽ được thực hiện xét nghiệm Triple test để sàng lọc nguy cơ thai nhi bị hội chứng Down và dị tật ống thần kinh. Nếu các kết quả xét nghiệm Double test trong lần khám thai trước và kết quả Triple test cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh thì bác sĩ sẽ đề nghị mẹ bầu thực hiện chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau để có chẩn đoán chính xác nhất.
2.5. Khám thai lần 5 ở tuần thứ 22
Đây là mốc khám thai quan trọng thứ 2 trong các giai đoạn khám thai suốt thai kỳ. Ở lần khám thai này, thông qua siêu âm các bác sĩ sẽ phát hiện được những bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi hở hàm ếch, thừa thiếu ngón tay, ngón chân, các bất thường về tim, não… vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối.
2.6. Khám thai lần 6 ở tuần thứ 28
Trong lần khám thai này, ngoài việc khám tổng quát về cân nặng, huyết áp thì các mẹ bầu còn được khuyến cáo thực hiện tầm soát tiểu đường thai kỳ nhằm kịp thời can thiệp bằng chế độ ăn uống, luyện tập hoặc bằng thuốc để hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
2.7. Khám thai lần 7 ở tuần thứ 32
Ở tuần thứ 32 thường mẹ bầu sẽ được thực hiện siêu âm 5D để xác định lần cuối về dị tật của thai, theo dõi doppler động mạch rốn, xác định ngôi thai, tốc độ phát triển của thai để tiên lượng về cuộc chuyển dạ sắp tới.
2.8. Khám thai lần 8 ở tuần thứ 36
Khi thai ở 36 tuần là mẹ bầu đã “chuẩn bị cán đích”. Khám thai ở tuần thai này các bác sĩ sẽ xác định được trọng lượng thai nhi, ngôi thai, nước ối, dây rốn, đo tim thai… và đánh giá mẹ bầu có thể sinh thường hay sinh mổ. Từ giai đoạn này trở đi mẹ bầu nên đến bệnh viện thăm khám mỗi tuần hoặc theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra ở tuần thai này các mẹ bầu nên thực hiện làm hồ sơ sinh để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn sắp tới nhé.
Trên đây là các giai đoạn khám thai quan trọng bắt buộc mẹ bầu phải đi trong suốt quá trình mang thai. Các mẹ bầu hãy thực hiện đầy đủ để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.