Những mốc khám thai, kiểm tra thai kỳ quan trọng mà mẹ bầu cần nhớ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Khám thai, kiểm tra thai kỳ có ý nghĩa rất quan trọng với mẹ bầu và thai nhi. Bên cạnh lợi ích giúp theo dõi quá trình phát triển của trẻ, đánh giá vị trí, kích thước, xác định chính xác số lượng thai và dự kiến thời gian sinh, việc khám thai thường xuyên còn giúp mẹ sàng lọc những vấn đề bất thường, biến chứng, bệnh lý thai kỳ. Từ đó, bác sĩ Sản khoa có thể đưa ra lời khuyên, hướng dẫn cần thiết để mẹ có hành trình mang thai khỏe mạnh, an tâm.

1. Thế nào là kiểm tra thai kỳ?

Trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu cần đặc biệt quan tâm tới sức khỏe của bản thân và thai nhi trong bụng để có thể yên tâm chờ đến ngày “vượt cạn”. Việc kiểm tra thai kỳ có ý nghĩa quan trọng trong hành trình quản lý thai, giúp đánh giá chính xác các vấn đề ở mẹ và bé thông qua những bước khám, xét nghiệm, siêu âm được chỉ định.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những thai phụ có kế hoạch quản lý thai kỳ cụ thể, rõ ràng thường có quá trình mang thai tốt hơn gấp 5 lần những thai phụ không thường xuyên theo dõi thai kỳ. Ngoài ra, tỷ lệ các bé chào đời với sức khỏe ổn định, không mắc các dị tật bẩm sinh ở những mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai định kỳ cũng cao hơn.

Như vậy, có thể thấy được tầm quan trọng của việc khám thai ở các mốc tuần thai. Từ lần khám đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiếp tục hướng dẫn thai phụ thực hiện khám, kiểm tra ở các mốc tuần quan trọng tiếp theo. Càng về gần cuối thai kỳ, các mẹ sẽ cần đi khám thai thường xuyên hơn để đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi.

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần thường xuyên kiểm tra thai kỳ theo lộ trình bác sĩ chuyên khoa đưa ra để chăm sóc, quản lý thai kỳ thật tốt

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần thường xuyên kiểm tra thai kỳ theo lộ trình bác sĩ chuyên khoa đưa ra để chăm sóc, quản lý thai kỳ thật tốt

Kiểm tra thai kỳ, khám thai bao gồm các bước sau:

– Khám tổng quát: Mẹ sẽ được kiểm tra các chỉ số sinh tồn như huyết áp, nhịp tim, chiều cao, cân nặng,…

– Khám Sản khoa cùng bác sĩ chuyên khoa: Mẹ sẽ được đo tim thai, kiểm tra tình trạng sức khỏe qua các triệu chứng lâm sàng gần đây, đo chiều cao tử cung, kiểm tra tình trạng vết mổ cũ,… Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đưa ra những chỉ định cần thiết để các mẹ thực hiện trong buổi khám.

– Xét nghiệm: Với mỗi tuần thai, các mẹ có thể cần thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết. Đầu tiên là xét nghiệm máu để kiểm tra các bệnh lý liên quan đến đường máu, nhóm máu, xác định yếu tố Rh,… Ngoài ra, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu thường xuyên, kiểm tra bệnh về đường tiết niệu, nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật,… Một số xét nghiệm khác được thực hiện tùy vào từng mốc tuần thai như xét nghiệm Rubella, nghiệm pháp dung nạp đường uống,…

– Siêu âm kiểm tra hình thái thai nhi: Mỗi buổi khám thai định kỳ, các mẹ đều nên thực hiện siêu âm thai, kiểm tra hình thái thai nhi. Việc siêu âm định kỳ giúp mẹ nắm rõ sự phát triển của thai và biết được bản thân cần cải thiện những gì để thai kỳ được ổn định, khỏe mạnh hơn, tránh các bệnh lý, biến chứng thai sản.

– Đọc kết quả, đưa chỉ định dùng thuốc và hẹn lịch tái khám: Sau mỗi buổi đánh giá, kiểm tra thai, các mẹ sẽ được tổng hợp kết quả xét nghiệm, siêu âm và phân tích tại phòng bác sĩ Sản khoa. Kết quả khám sẽ giúp mẹ phát hiện kịp thời những vấn đề cần cải thiện sớm, có hướng xử lý, đồng thời nhận được chỉ định phù hợp về việc bổ sung thuốc, vitamin, khoáng chất cần thiết.

2. Những mốc kiểm tra thai định kỳ mà mẹ cần chú ý

Việc kiểm tra thai kỳ cần được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, kiểm tra thai định kỳ theo từng mốc tuần thai lại có hiệu quả hơn và giúp các mẹ nắm rõ được những vấn đề cần cải thiện trong quá trình mang thai.

2.1. Kiểm tra thai kỳ khi thai được khoảng 5 đến 8 tuần

Mốc khám thai đầu tiên là khi thai ở tuần thứ 5 đến thứ 8. Sau khoảng 3 tuần kể từ khi chậm kinh, chị em đã có thể thực hiện khám thai buổi đầu tiên. Buổi khám này chủ yếu thực hiện phương pháp siêu âm để xác định thai đã làm tổ ở tử cung chưa? Vị trí của thai ra sao? Túi thai có đang tiến triển tốt hay không? Vòng sáng xung quanh túi thai ra sao?,… Ngoài ra, lần siêu âm này còn đánh giá tình trạng tử cung, cổ tử cung, phần phụ,… bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong suốt quá trình mang thai.

Bên cạnh việc siêu âm để xác định bản thân đã thực sự có thai hay chưa, thai phụ sẽ thực hiện thêm một vài bước khám, xét nghiệm khác như:

– Kiểm tra chiều cao, cân nặng, chỉ số huyết áp, đo tim phổi, kiểm tra khoang bụng, ngực.

– Đánh giá tình trạng vùng chậu, các cơ quan sinh dục, sinh sản của chị em.

– Xét nghiệm nồng độ beta HCG khi nghi ngờ mang thai.

– Xét nghiệm tổng phân tích thành phần mẫu nước tiểu.

– Xét nghiệm nhóm máu, mẹ có gặp tình trạng thiếu máu hay không.

– Xét nghiệm phát hiện các bệnh lây qua đường máu.

Khám, kiểm tra từ tuần thứ 5 đến thứ 8 giúp xác định chính xác bạn đã mang thai hay chưa? Vị trí thai làm tổ? Tình trạng phát triển của túi thai có tốt không?,...

Khám, kiểm tra từ tuần thứ 5 đến thứ 8 giúp xác định chính xác bạn đã mang thai hay chưa? Vị trí thai làm tổ? Tình trạng phát triển của túi thai có tốt không?,…

Các bác sĩ chuyên khoa lưu ý, người phụ nữ nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra khi thai được khoảng 7, 8 tuần. Lúc này, ngoài việc đánh giá vị trí túi thai và sự phát triển của thai, sức khỏe của mẹ, bác sĩ Sản khoa còn có thể đánh giá chi tiết hơn thông qua nhịp tim thai.

2.2. Kiểm tra thai kỳ lần 2, từ khoảng tuần 11 đến tuần 13

Ở lần kiểm tra thai này, các mẹ vẫn sẽ thực hiện các bước gồm khám tổng quát, kiểm tra các chỉ số sinh tồn và thăm khám cùng bác sĩ Sản khoa. Ngoài ra, các mẹ cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm để đánh giá chi tiết về tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Cũng bắt đầu từ tuần thai này, mẹ có thể thực hiện xét nghiệm Double test sàng lọc dị tật do bất thường nhiễm sắc thể. Xét nghiệm Double test được áp dụng cùng với phương pháp siêu âm đo độ mờ da gáy nhằm sàng lọc nguy cơ mắc hội chứng Down, Edward hoặc Patau. Ngoài ra, các phương pháp kiểm tra thai kỳ cũng giúp phát hiện sớm các bất thường nguy hiểm khác như thai vô sọ, bàng quang lớn, thoát vị rốn,…

2.3. Khám, theo dõi thai kỳ lần 3, từ tuần 16 đến tuần thứ 22

Ở mốc tuần thai này, thai nhi hầu như đã phát triển và dần ổn định hình thái bên ngoài. Các cơ quan bên trong đang dần hoàn thiện. Bởi vậy, việc kiểm tra thai kỳ lúc này mang ý nghĩa rất lớn, giúp các mẹ bầu có kế hoạch quản lý thai kỳ tốt hơn trước khi bước vào những tháng cuối của thai kỳ.

Thai phụ sẽ tiến hành kiểm tra thai theo các bước thăm khám cơ bản như cân đo, khám tổng quát, siêu âm, xét nghiệm phân tích nước tiểu,…

Nếu chưa thực hiện xét nghiệm Double test trước đó thì ở tuần thai này, các mẹ có thể thực hiện xét nghiệm Triple test để sàng lọc sớm dị tật phát triển ở thai nhi.

2.4. Khám thai định kỳ lần 4, tuần thai 22 đến 28

Đây là mốc tuần thai đặc biệt quan trọng vì ngoài những bước khám cơ bản, các xét nghiệm định kỳ cần thực hiện, các mẹ bầu sẽ được làm nghiệm pháp dung nạp đường uống để kiểm tra nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý dễ phát triển ở các mẹ bầu, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thai kỳ. Bệnh thường không có biểu hiện nhận biết rõ ràng nhưng lại tiềm ẩn nhiều biến chứng thai sản đáng báo động như thai to, nguy cơ tiền sản giật tăng cao, khả năng sinh non, thai lưu, sảy thai, băng huyết,…

Kiểm tra thai kỳ ở tuần 22 đến 28, các mẹ cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường uống để khảo sát nguy cơ tiểu đường thai kỳ

Kiểm tra thai kỳ ở tuần 22 đến 28, các mẹ cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường uống để khảo sát nguy cơ tiểu đường thai kỳ

Sau khi thực hiện các bước khám thai cần thiết, các mẹ sẽ được tiêm vắc xin uốn ván mũi đầu để đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn nhạy cảm của thai kỳ.

2.5. Khám thai mốc tuần 28 đến 32

Ở mốc tuần thai này, thai nhi dễ xuất hiện những bất thường muộn như chậm phát triển, tắc đường ruột, thông liên thất, thông liên nhĩ, nhiễm trùng, các vấn đề về tim thai,… Vì vậy, việc kiểm tra thai kỳ sẽ được tiến hành cẩn thận hơn. Thai phụ thực hiện các bước khám cơ bản, xét nghiệm máu, nước tiểu đầy đủ. Khi siêu âm thai, chị em cũng được bác sĩ đo chiều cao tử cung, đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, nghe tim thai để khảo sát các vấn đề bất thường.

2.6. Kiểm tra thai định kỳ tuần từ 32 đến 36

Giai đoạn này, các mẹ cần phải được kiểm tra tình trạng thai để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn. Các vấn đề như tim thai, vị trí thai, tình trạng dây rốn, bánh nhau, cử động thai,… đều được khảo sát kỹ lưỡng.

Bên cạnh các bước khám cơ bản, xét nghiệm phân tích nước tiểu, thai phụ sẽ thực hiện thêm xét nghiệm Non-stress test để đánh giá sức khỏe thai nhi. Xét nghiệm này thường kéo dài trong khoảng 40 phút. Cụ thể, mẹ bầu sẽ được gắn các điện cực kết nối máy Monitor để theo dõi diễn biến của tim thai, so sánh nhịp tim với các cử động của thai để đánh giá tình trạng sức khỏe.

2.7. Kiểm tra tình trạng thai từ tuần 36 đến 39

Thời điểm trước quá trình chuyển dạ, sinh nở là thời điểm mà thai phụ cần đặc biệt chú ý đến từng vấn đề, triệu chứng xuất hiện trong thai kỳ. Từ tuần thai thứ 36 trở đi, mỗi tuần các mẹ nên khám, theo dõi thai 1 lần. Những buổi khám này sẽ gồm các bước:

– Khám, kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.

– Siêu âm đánh giá vị trí, ngôi thai, ước lượng cân nặng, khung chậu của mẹ, tiên lượng phương án sinh nở phù hợp.

– Đo Monitor, kiểm tra tình trạng tim thai và độ ổn định của thai.

– Khám, đánh giá tổng quát tình trạng mẹ và bé, tư vấn cho mẹ cách nhận biết rõ các dấu hiệu của cuộc chuyển dạ để nhập viện kịp thời.

Mẹ sẽ được đo monitor khảo sát diễn biến nhịp tim thai ở lần kiểm tra thai từ tuần 36 đến 39

Mẹ sẽ được đo monitor khảo sát diễn biến nhịp tim thai ở lần kiểm tra thai từ tuần 36 đến 39

Trước nhu cầu kiểm tra thai kỳ của các mẹ bầu, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã và đang triển khai dịch vụ Thai sản trọn gói, giúp các mẹ có thể yên tâm hơn trong quá trình mang thai. Với dịch vụ này, mẹ và bé sẽ được chăm sóc Sản khoa đầy đủ trước, trong và sau sinh. Các xét nghiệm sàng lọc trong buổi khám thai đặc biệt được chú trọng, thực hiện theo từng mốc tuần thai, giúp đưa ra những phương án cải thiện phù hợp cho mẹ bầu trong quá trình quản lý thai kỳ.

Ngoài ra, các dịch vụ trong quá trình sinh, sau sinh cũng được Thu Cúc TCI chú trọng phát triển toàn diện. Không chỉ được hỗ trợ bởi các bác sĩ Sản khoa giỏi chuyên môn, các mẹ còn được nhận những tiện ích, quyền lợi đặc biệt như khâu thẩm mỹ vết mổ, tầng sinh môn, chăm sóc sau sinh tại phòng lưu viện, khám, kiểm tra sau khi xuất viện,…

Đồng thời, chi phí dịch vụ được áp dụng bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh. Các mẹ có thể tiết kiệm được khoản chi phí khi sử dụng gói Thai sản thay vì đăng ký khám lẻ.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp các mẹ bầu hiểu rõ hơn về việc kiểm tra thai kỳ. Đồng thời, chị em cũng sẽ chủ động hơn trong việc quản lý thai kỳ ở từng giai đoạn quan trọng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital