Mẹ bầu khám thai tuần 18 thực hiện những dịch vụ nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Khám thai định kỳ là việc mà thai phụ không thể lơ là. Trong các mốc tuần thai, tuần thai thứ 18 là mốc quan trọng mà mẹ bầu không thể bỏ lỡ ở nửa đầu thai kỳ. Vậy ở tuần thai này, thai nhi đã phát triển như thế nào? Thai phụ có những thay đổi gì về mặt sức khỏe, thể chất? Quan trọng nhất, khám thai tuần 18 cần thực hiện những gì?

1. Ở tuần 18 của thai kỳ, thai nhi phát triển như thế nào?

Tuần thứ 18, mẹ bầu đã đi tới tháng thứ 5 của thai kỳ. Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là mẹ sẽ bước vào quá trình vượt cạn và được gặp con. Bởi vậy, đây là mốc tuần thai quan trọng mà bất cứ thai phụ nào cũng cần chú ý.

Ở tuần thai này, thai nhi đã phát triển tương đối đầy đủ các bộ phận bên ngoài. Bé đã đạt tới chiều dài khoảng 14 đến 16cm và có cân nặng khoảng 0,18kg.

Ở tuần 18, em bé đã phát triển khá ổn định cả về kích thước lẫn các cơ quan nội tạng

Ở tuần 18, em bé đã phát triển khá ổn định cả về kích thước lẫn các cơ quan nội tạng

Ngoài ra, các chỉ số khác ở thai nhi cũng có sự thay đổi rõ rệt hơn, chênh lệch nhiều hơn so với trước:

– Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): Có thể đạt từ 37 đến 43mm. Đường kính lưỡng đỉnh trung bình của thai nhi ở giai đoạn này là 39mm.

– Chiều dài xương đùi của thai (FL): Xương đùi có thể dài từ 23 đến 28mm, trung bình đạt 25mm.

– Chu vi vòng bụng của bé (AC): Chu vi vòng bụng của bé ở giai đoạn này có thể đạt 116 đến 136mm. Chu vi vòng bụng trung bình của thai 18 tuần là 133mm.

– Chu vi vòng đầu của thai nhi (HC): Chu vi vòng đầu của thai 18 tuần có thể đạt từ 138 đến 157mm, trung bình khoảng 151mm.

Tuần 18, thai nhi đã đủ lớn và phát triển đầy đủ về hình thái bên ngoài. Tay chân cân đối với cơ thể. Thận tiếp tục hoạt động ổn định. Lông, tóc cũng dần phát triển. Lớp phủ vernix caseosa đang dần hình thành để ngăn không cho da bé bị ngấm nước ối.

Tứ chi phát triển toàn diện nên ở giai đoạn này, bé thường xuyên cử động chân, tay, quẫy đạp nhiều hơn và mẹ hoàn toàn có thể cảm nhận rõ những cử động của con. Đôi khi, mẹ cũng có thể thấy bé ngáp trong quá trình siêu âm thai.

Hệ thần kinh đã có sự phát triển, hoàn thiện hơn. Mạng lưới các dây thần kinh được bao phủ bởi myelin, tăng cường khả năng truyền tín hiệu của các tế bào thần kinh. Cũng từ đây, những kết nối phức tạp hơn dần hình thành, phát triển, phục vụ quá trình ổn định các cảm giác.

2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào ở tuần 18?

Ở tuần 18, bụng bầu của các mẹ sẽ lớn hơn và mẹ hoàn toàn có thể tự nhận thức được sự thay đổi này. Thai nhi không ngừng phát triển, cử động. Tử cung cũng vì vậy mà không ngừng to ra.

Từ tuần thai này, cân nặng của mẹ có thể tăng lên từ 4 đến 5kg. Dưới áp lực của những cơn co tử cung và sức nặng của thai nhi, mẹ có thể cảm thấy đau tức bụng dưới, đặc biệt ở hai bên hông.

Thai nhi phát triển khiến bụng mẹ to ra và xuất hiện một số cơn đau tức tại vùng bụng, hai bên hông

Thai nhi phát triển khiến bụng mẹ to ra và xuất hiện một số cơn đau tức tại vùng bụng, hai bên hông

Nồng độ hormone estrogen tăng cao khiến cho sắc tố da của mẹ cũng thay đổi. Một số vùng da xung quanh nhũ hoa, nách, bẹn,… trở nên thâm và sậm màu hơn. Tuy nhiên, sau sinh, tình trạng sắc tố da sẽ được cải thiện nếu mẹ có kế hoạch chăm sóc tốt.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể gặp một vài triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, chuột rút, chảy máu chân răng, phù nề,… Đây đều là những triệu chứng bình thường và thai phụ không nên lo lắng hay quá chú ý đến chúng.

3. Khám thai tuần 18 cần thực hiện những gì?

Buổi khám thai định kỳ ở tuần thứ 18 sẽ bao gồm các bước khám, kiểm tra sức khỏe tổng quát, đo chỉ số sinh tồn như ở những tuần thai trước. Tuy nhiên, có hai vấn đề mẹ bầu cần chú ý khi khám thai tuần 18. Đó là thực hiện siêu âm hình thái thai nhi và làm xét nghiệm sàng lọc dị tật thai Triple test.

3.1. Siêu âm hình thái thai nhi – bước đánh giá quan trọng không thể bỏ qua khi khám thai tuần 18

Như chúng ta đã biết, thai nhi khi bước vào tuần thai thứ 18 đã có sự phát triển vượt trội hơn so với những tuần thai trước. Bên cạnh đó, một số khía cạnh quan trọng như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết vẫn đang trong quá trình hình thành, phát triển và ổn định. Chính vì vậy, việc siêu âm hình thái thai là một trong những bước khám mà mẹ không nên bỏ qua ở tuần thai này.

Ở tuần 18, mẹ bầu sẽ được thực hiện siêu âm công nghệ 4D hoặc 5D để kiểm tra toàn bộ hình thái thai, cấu trúc và sự phát triển của thai. Lần siêu âm này, bác sĩ sẽ thực hiện đo độ mờ da gáy để xác định nguy cơ Down ở trẻ. Bên cạnh đó, những dị tật bẩm sinh khác liên quan tới nhiễm sắc thể cũng sẽ được phân tích cụ thể ở giai đoạn này như dị tật ống thần kinh, thai vô sọ, một số dị tật ở tứ chi.

Ngoài ra, thông qua hình ảnh siêu âm rõ nét với công nghệ hiện đại, các mẹ có thể nhìn rõ từng chuyển động của thai nhi và từ đó biết được con có đang khỏe mạnh không, tình trạng hiện tại của con ra sao.

Siêu âm thai trong buổi khám thai tuần 18 cho mẹ thêm yên tâm về quá trình phát triển của con yêu

Siêu âm thai trong buổi khám thai tuần 18 cho mẹ thêm yên tâm về quá trình phát triển của con yêu

Để thực hiện siêu âm dễ dàng hơn, các mẹ cần lưu ý uống nhiều nước trong vòng 1 tiếng trước siêu âm, nhịn tiểu để bàng quang căng lên, hỗ trợ bác sĩ tốt hơn trong quá trình siêu âm.

Tuy nhiên, kết quả siêu âm chưa thể đảm bảo độ chính xác 100%. Bởi vậy, nếu trước đó mẹ bầu chưa từng thực hiện xét nghiệm sàng lọc dị tật Double test thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất để các mẹ thực hiện xét nghiệm sàng lọc Triple test, cho kết quả với độ chính xác cao.

3.2. Xét nghiệm Triple test – sàng lọc dị tật bẩm sinh liên quan tới nhiễm sắc thể khi khám thai tuần 18

Thực hiện xét nghiệm Triple test là hạng mục khám cần thiết ở tuần thai thứ 18. Xét nghiệm này mang ý nghĩa quan trọng trong việc sàng lọc, đánh giá nguy cơ dị tật do bất thường nhiễm sắc thể gây ra.

Với kết quả định lượng AFP, Estriol và hCG, bác sĩ sẽ liên kết, xâu chuỗi với kết quả siêu âm thai để kết luận khả năng dị tật, điển hình là các hội chứng Down, Trisomy 18, Edwards, dị tật về não bộ, tim hay tứ chi,…

Thực hiện xét nghiệm Triple test ở mốc tuần thai này giúp sàng lọc sớm những dị tật liên quan tới bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi

Thực hiện xét nghiệm Triple test ở mốc tuần thai này giúp sàng lọc sớm những dị tật liên quan tới bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi

Đối với những trường hợp thu được kết quả xét nghiệm Triple test bất thường, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm NIPT, tiến hành sàng lọc chuyên sâu. Độ chính xác lúc nào được đảm bảo hơn và việc thực hiện cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến thể trạng, sức khỏe của thai phụ.

4. Những trường hợp mẹ bầu cần bác sĩ hỗ trợ ở tuần thai 18

Bên cạnh việc khám thai tuần 18, các mẹ bầu cũng có thể tới gặp bác sĩ Sản khoa và nhờ trợ giúp hoặc thực hiện kiểm tra sức khỏe thai kỳ nếu xuất hiện các tình trạng như:

Âm đạo có ra máu.

– Đi tiểu cảm thấy nóng, buốt, có lẫn máu.

– Chuột rút thường xuyên, đau bụng, khó chịu.

– Âm đạo xuất ra mẫu mô.

– Sốt, huyết áp bất thường.

– Vùng bụng dưới, xương chậu có cảm giác nặng, tức, co thắt thường xuyên.

– Khí hư ra nhiều hoặc có màu và mùi lạ.

Hy vọng với những thông tin trên đây, các mẹ bầu có thể yên tâm hơn khi thực hiện khám thai tuần 18. Ngoài ra, mẹ bầu cũng sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc khám thai, sàng lọc dị tật thai ở mốc thai kỳ này. Hãy chú ý theo dõi những thay đổi của bản thân và thường xuyên giữ liên lạc với bác sĩ để được hỗ trợ khi cần, các mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital