Các chỉ số xét nghiệm gan giúp đánh giá chức năng gan, phát hiện bệnh lý lành tính hoặc ác tính (ung thư) ở gan. Các chỉ số xét nghiệm gan thường được thực hiện qua khám sức khỏe hoặc tầm soát ung thư định kỳ.
Menu xem nhanh:
1. Các chỉ số xét nghiệm gan cho biết điều gì?
Các chỉ số xét nghiệm gan cần phải thực hiện gồm:
- ALT (Alanine Transaminase): đây là một loại enzyme được tìm thấy trong gan giúp chuyển hóa protein. Bình thường, chỉ số xét nghiệm ALT trong khoảng 20-40 UI/L. Khi gan bị tổn thương hoặc mắc viêm gan, chỉ số ALT trong máu tăng cao.
- AST (Aspartate Transaminase): AST là enzyme giúp chuyển hóa alanine – một axit amin. Ở người bình thường khỏe mạnh, chỉ số AST trong khoảng 20-40 UI/L. Khi tế bào gan bị tổn thương, hoại tử thì chỉ số AST tăng cao bất thường.
- ALP (Alkaline Phosphatase): ALP là một enzym trong gan, ống dẫn mật và xương. Chỉ số bình thường ALP trong khoảng 53-128 UI/L nhưng khi mắc các bệnh lý tổn thương gan hoặc bệnh về xương, tắc nghẽn ống dẫn mật… chỉ số này cũng cao hơn bình thường.
- GGT (Gamma-glutamyltransferase): GGT là một enzym trong máu. Bình thường chỉ số GGT trong máu khoảng 6-61 UI/L. Khi gan hoặc ống dẫn mật bị hư hại sẽ khiến nồng độ GGT tăng cao.
- Albumin và tổng số protein: Albumin là một trong những protein được tạo ra trong gan. Cơ thể cần những protein này để chống nhiễm trùng và để thực hiện các chức năng khác. Khi xét nghiệm máu thấy nồng độ albumin và tổng số protein thấp, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo có tổn thương ở gan hoặc bệnh về gan.
- Bilirubin: Bilirubin được sản xuất từ huyết sắc tố (hemoglobin). Bilirubin đi qua gan và được bài tiết trong phân. Nồng độ bilirubin cao có thể chỉ ra tổn thương gan hoặc bệnh lý gan.
- Xét nghiệm máu đông: Gan sản xuất protein cần thiết cho quá trình đông máu. Gan bị rối loạn chức năng không thể sản xuất đầy đủ các loại protein và do đó làm cho quá trình đông máu chậm lại. Do đó khi làm xét nghiệm máu đông, bác sĩ cũng có thể thấy được chức năng của gan có bất thường hay không.
- Xét nghiệm HBs Ag: xác định bạn có nhiễm virus viêm gan B hay không
- Xét nghiệm Anti HCV test nhanh: tầm soát virus viêm gan C
Ngoài những xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trạng của gan nêu trên, để tầm soát ung thư gan, bạn cần làm thêm xét nghiệm chỉ số AFP. Bình thường nồng độ AFP
- Có khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan có AFP > 25 UI/ml
- Khoảng 60% bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP > 100 UI/ml
- Khoảng 50% bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP > 300 UI/ml.
Chỉ số AFP còn tăng cao trong một số trường hợp như xơ gan, viêm gan cấp hoặc mạn tính, có thai.
2. Làm gì khi có chỉ số xét nghiệm gan bất thường?
Nếu các chỉ số xét nghiệm gan bất thường, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý cá nhân, thói quen ăn uống, sinh hoạt… để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả.
AFP là dấu ấn chỉ điểm ung thư gan, tuy nhiên chỉ số này cũng có thể tăng cao ở nhiều trường hợp bệnh gan lành tính. Cũng có nhiều trường hợp người bệnh mắc ung thư gan nhưng chỉ số AFP không tăng. Vì thế, dấu ấn ung thư này chưa đủ để khẳng định bạn mắc ung thư gan. Vì thế nếu dấu ấn ung thư gan tăng cao, bạn cần phải làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu khác như:
- Siêu âm ổ bụng để phát hiện bất thường ở các tạng trong ổ bụng
- Chụp CT giúp đánh giá toàn bộ sức khỏe, phát hiện mầm mống ung thư, tốc độ phát triển và di căn của bệnh trong cơ thể.
3. Bí quyết “vàng” để lá gan khỏe mạnh
Để không mắc các bệnh lý về gan và ung thư gan, chúng ta cần:
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Không nên ăn kiêng
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá
- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư gan đối với những trường hợp: nhiễm virus viêm gan B hoặc C mạn tính, uống rượu quá mức, nhiễm aflatoxin – một loại chất độc có trong các sản phẩm mốc như lúa, gạo, đỗ, lạc…; những người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan.