Ngoài việc cung cấp đủ chất để cung cấp đủ canxi giúp hàm răng bé chắc khỏe, bố mẹ cần chú ý nắm chắc thông tin về các bệnh răng miệng ở trẻ em thường gặp để có biện pháp phòng ngừa và có hướng xử trí kịp thời. Điều này sẽ giúp quá trình thay răng của trẻ được diễn ra bình thường và không bị ảnh hưởng đến hàm răng vĩnh viễn của trẻ
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh răng miệng ở trẻ em phổ biến
Cùng điểm danh qua các bệnh răng miệng mà trẻ em rất thường xuyên gặp phải:
1.1. Sâu răng
Có thể nói đây là bệnh lý răng miệng phổ biến hàng đầu ở trẻ em. Trẻ em mắc sâu răng chủ yếu do có chế độ ăn uống chưa hợp lý. Do trẻ em có thói quen tiêu thụ lượng lớn thực phẩm có nhiều đường, đồ uống có gas, thức ăn nhanh,… Các loại thực phẩm này dễ hình thành axit có hại, ăn mòn men răng. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh răng miệng của trẻ em đôi khi còn bị xem nhẹ. Thức ăn đọng lại, mảng bám thức ăn là môi trường thích hợp để vi khuẩn sinh sôi, trú ngụ gây hại cho răng và cả khoang miệng.
Sâu răng có các biểu hiện sớm như kẽ răng, rãnh răng chuyển màu đen. Lâu ngày, xuất hiện các lỗ sâu răng lớn dần. Kèm theo đó là các cơn đau nhức, ảnh hưởng đến ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh sâu răng giai đoạn đầu có thể được điều trị bằng florua (dùng kem đánh răng, nước súc miệng,…). Sau đó, khi răng đã bị phá hủy, có thể được điều trị bằng cách trám, bọc sứ hoặc trường hợp xấu nhất là nhổ bỏ răng và phục hình.
1.2. Sún răng
Đây là hiện tượng rất thường gặp ở các bé từ 1 – 3 tuổi. Sún răng xảy ra khi men răng bị tổn thương, răng trẻ dần bị mủn, tiêu đi và thể tích răng bị giảm dần. Răng bị sún thường có màu nâu, đen. Sún răng khác sâu răng ở chỗ, chỗ bị sún răng không sâu như sâu răng, ngoài ra còn không gây cảm giác đau nhức cho bé. Tuy nhiên, mức độ lan truyền của sún răng cũng rất đáng để tâm. Các răng bị sún dần bị tụt lợi, mỏm răng nhỏ không đảm bảo được quá trình ăn nhai thường ngày của trẻ. Sún răng sớm ở trẻ em còn ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn và sức khỏe của lợi. Bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời, giảm thiểu các nguy cơ gây hại đến răng.
Để phòng ngừa sún răng, bố mẹ chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách cho trẻ. Bên cạnh đó, cần hạn chế đường và có chế độ ăn hợp lý.
1.3. Viêm nướu
Viêm nướu răng là bệnh cực kỳ phổ biến ở trẻ em do virus gây ra tình trạng viêm nhiễm nướu, có thể dẫn đến chảy máu quanh răng và đau miệng. Nguyên nhân trực tiếp gây nên bệnh viêm nướu ở trẻ là các mảng bám trên răng – lớp màng mỏng, mềm, không màu, chứa rất nhiều vi khuẩn.
Trẻ bị viêm nướu có các biểu hiện đặc trưng như:
– Có vết loét màu xám hoặc vàng ở giữa và đỏ ở xung quanh
– Vết loét xuất hiện ở trên nướu, trong má, amidan, lưỡi,…
– Dễ chảy máu
– Trẻ dễ cáu kỉnh, bỏ ăn, quấy khóc
Bé có thể được điều trị bằng một số loại thuốc khi đến gặp bác sĩ như: acetaminophen hoặc ibuprofen. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp chăm sóc để trẻ chóng khỏi bệnh hơn.
1.4. Viêm lưỡi bản đồ trẻ em
Trong số các bệnh răng miệng trẻ em, không thể không nhắc đến bệnh viêm lưỡi bản đồ. Đây là một rối loạn lành tính, chỉ liên quan đến bề mặt lưỡi của trẻ. Khi trẻ mắc viêm lưỡi, trên bề mặt lưỡi không còn những nhú lưỡi li ti, những tổn thương theo vùng giống hình bản đồ. Bệnh viêm lưỡi bản đồ chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh nên không có cách để phòng bệnh.
Về điều trị, bệnh có thể được điều trị kết hợp giữa các biện pháp vệ sinh cá nhân và các loại thuốc giảm đau tại chỗ, nước súc miệng, thuốc bôi tại chỗ chống viêm, giảm đau. Bên cạnh đó, bố mẹ nên tăng cường trái cây và rau xanh cho trẻ.
1.5. Tưa lưỡi
Tưa lưỡi hay nấm lưỡi không mang đến các biến chứng nguy hiểm nhưng chúng lại là nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, bỏ bú. Trẻ bị tưa lưỡi là khi xuất hiện các màng giả mạc màu trắng ở niêm mạc miệng, đặc biệt là ở phần lưỡi. Ban đầu với các nốt chấm trắng, sau đó ăn sâu vào lớp niêm mạc lưỡi, vòm họng rất khó bóc gây khó chịu cho trẻ.
Trẻ bị tưa lưỡi do miệng ít tiết nước bọt, niêm mạc miệng có chỉ số pH thấp, vệ sinh răng miệng không đảm bảo, lây qua đường sinh dục của mẹ khi sinh, trẻ bị ung thư, HIV,…
Để điều trị, mẹ cần chú ý các biện pháp vệ sinh cá nhân cho cả mẹ và bé. Mẹ chú ý đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi để được điều trị kịp thời, không làm ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của con.
2. Nguyên nhân trẻ dễ mắc bệnh răng miệng
Trẻ dễ mắc các bệnh răng miệng thường do các nguyên nhân như:
– Vấn đề vệ sinh răng miệng chưa được chú ý khiến mảng bám tích tụ lâu ngày sinh sôi vi khuẩn
– Giai đoạn mọc răng, thay răng trẻ rất dễ mắc bệnh răng miệng
– Chế độ ăn của trẻ chưa hợp lý, còn tiêu thụ đồ ăn nhiều đường, tinh bột, nước ngọt,…
– Do thói quen xấu như: cắn móng tay, gặm bút,…
Bố mẹ cần tạo cho trẻ những thói quen tốt và giám sát việc vệ sinh răng miệng của trẻ từ những năm tháng đầu đời. Việc vệ sinh răng miệng tốt sẽ giúp hạn chế rất nhiều bệnh răng miệng.
Khi trẻ có dấu hiệu mắc các vấn đề về răng miệng, bố mẹ tuyệt đối không tự ý chữa trị cho trẻ bằng các phương pháp dân gian, truyền miệng. Hãy tìm hiểu, lựa chọn cơ sở y tế uy tín và cho trẻ đến gặp bác sĩ. Chú ý, không chỉ gặp bác sĩ khi trẻ mắc bệnh lý mà hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám định kỳ, sớm phát hiện bệnh và chăm sóc răng miệng được tốt hơn. Thu Cúc TCI với chất lượng đạt chuẩn, đảm bảo chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé yêu toàn diện nhất. Với đội ngũ bác sĩ Nhi giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao đồng hành cùng bố mẹ bảo vệ con yêu.