Biểu hiện sốt xuất huyết theo từng giai đoạn bệnh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue với khả năng lây lan nhanh chóng có thể đe dọa đến sức khỏe của người bệnh, dẫn tới nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Nhận diện sớm các biểu hiện sốt xuất huyết là rất quan trọng để phát hiện và kiểm soát căn bệnh này. 

1. Các giai đoạn và biểu hiện sốt xuất huyết tương ứng

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra và thường diễn tiến qua 3 giai đoạn:

1.1 Giai đoạn ủ bệnh và các biểu hiện sốt xuất huyết

Thời kỳ này thường kéo dài khoảng 3 – 6 ngày tùy vào từng bệnh nhân. Tuy nhiên, một số trường hợp, giai đoạn này có thể kéo dài đến 15 ngày. Các triệu chứng sốt xuất huyết thường xuất hiện đột ngột. Trong đó nổi bật nhất là tình trạng sốt cao (39 – 40 độ C), kèm theo các triệu chứng:

– Mệt mỏi kiệt quệ, cảm thấy như không còn sức lực
– Đau đầu
– Đau, nhức phía sau hốc mắt
– Đau cơ vùng thắt lưng và/hoặc chân
– Sung huyết da

Ngoài ra, các triệu chứng có thể xuất hiện ở giai đoạn này gồm: đau họng, nôn mửa, buồn nôn, đau tức thượng vị, tiêu chảy…

Sốt cao là một trong những biểu hiện quan trọng nhận biết sốt xuất huyết giai đoạn đầu

Sốt cao là một trong những biểu hiện quan trọng nhận biết sốt xuất huyết giai đoạn đầu

1.2 Giai đoạn sốt Dengue: Các biểu hiện sốt xuất huyết nổi bật

Các triệu chứng nổi bật ở giai đoạn này gồm:

– Đau họng và đau bụng ở trẻ em
– Xuất huyết dưới da, niêm mạc hoặc xuất huyết tiêu hóa nhẹ với sự xuất hiện các chấm ở mặt trước cẳng chân hay mặt trong cánh tay, vùng bụng, đùi, mạng sườn; chảy máu chảy máu mũi, lợi; kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường,…
– Có thể ngứa
– Sưng nề mi mắt
– Gan to
– Mệt mỏi vật vã
– Bứt rứt hoặc li bì
– Da lạnh ẩm, đặc biệt ở đầu chi
– Mạch nhanh nhỏ
– Huyết áp kẹp
– Huyết áp giảm hoặc không thể đo được như bình thường
– Tiểu ít
– Viêm gan, não, cơ tim…

1.3 Giai đoạn sốt xuất huyết Dengue

Hạ tiểu cầu (< 100.000/mm³) và cô đặc máu là những tình trạng chủ yếu ở giai đoạn này, biểu hiện với các cấp độ khác nhau. Có thể không hoặc có chảy máu tự phát, tình trạng huyết động không ổn định hay tình trạng sốc.

2. Triệu chứng sốt xuất huyết dựa vào mức độ bệnh

Các triệu chứng thông thường khi mắc bệnh sốt xuất huyết:

Triệu chứng điển hình nhất của sốt xuất huyết là sốt cao (39, 40 độ C), kèm theo ít nhất 2 triệu chứng:
– Đau đầu
– Đau hốc mắt
– Buồn nôn/nôn mửa
– Nổi hạch
– Đau cơ, khớp
– Sốt phát ban

Những dấu hiệu cảnh báo tình trạng sốt xuất huyết trở nặng:

– Đau bụng dữ dội
– Nôn liên tục
– Chảy máu lơi, chân răng
– Nôn ra máu
– Thở nhanh, khó thở
– Mệt mỏi, bồn chồn

Khi thấy các dấu hiệu sốt xuất huyết ở thể nặng, nên đưa bệnh nhân đưa đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Biểu hiện sốt xuất huyết thường gặp là xuất huyết dưới da

Biểu hiện sốt xuất huyết thường gặp là xuất huyết dưới da, với các nốt chấm đỏ ở mặt, tay, chân, đùi, bụng…

3. Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết nếu không được điều trị tích cực có thể gây ra các biến chứng sau:

– Hạ huyết áp
– Suy tim, thận
– Sốc do mất máu
– Suy đa tạng
– Xuất huyết não
– Tràn dịch màng phổi
– Hôn mê
– Sinh non, dọa sẩy hoặc sẩy thai ở phụ nữ mang thai
– Xuất huyết võng mạc

Do vậy, khi thấy tình trạng sốt kéo dài không hạ kèm theo những bất thường kể trên, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị sớm.

4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh sốt xuất huyết

Dựa vào các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ giàu kinh nghiệm có thể phán đoán được khả năng mắc bệnh. Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm để tìm kiếm sự hiện diện của virus Dengue, gồm xét nghiệm bạch cầu, tiểu cầu và tình trạng cô đặc máu. Ngoài ra, một số phương pháp cận lâm sàng khác có thể được chỉ định nếu nghi ngờ tổn thương các tạng và kiểm tra tình trạng xuất huyết,…

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết nên việc điều trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng. Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, hãy giúp bệnh nhân nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Hạ nhiệt bằng paracetamol, liều 10-15 mg/kg/lần, cách từ 4 – 6h giữa 2 lần uống. Tổng liều paracetamol trong ngày không quá 60mg/kg cân nặng.

Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để giảm đau vì các loại thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu. Người bệnh nên uống nhiều nước oresol hoặc nước lọc, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) hoặc cháo loãng để bù dịch cho cơ thể.

Trong thời gian điều trị, cần theo dõi sát nhiệt độ và những biểu hiện của người bệnh để có thể nhận thấy những bất thường, nguy hiểm và đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời.

5. Nguyên tắc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Việc phòng tránh sốt xuất huyết bao gồm các việc giữ vệ sinh môi trường, diệt trừ muỗi và tránh lây lan từ người sang người. Trong đó việc quan trọng nhất là phải triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết bằng các biện pháp:

– Ngăn cản sự tiếp xúc của muỗi với nguồn nước: Che, đậy kín vật chứa nước (bể, chum, vại…) bằng các loại vật liệu mà muỗi không bay qua được.

– Sử dụng thiên địch để diệt muỗi: Cụ thể là thả các loại cá ăn loăng quăng vào dụng cụ chứa nước.

– Sử dụng hóa chất diệt loăng quăng: Các loại hóa chất diệt loăng quăng phải sử dụng với lượng phù hợp theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh gây hại cho nguồn nước.

– Không để nước tù đọng : Bằng cách lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, che chắn để tránh nước mưa.

– Loại bỏ vật chứa nước: Các phế liệu, rác thải có thể là môi trường sinh sôi của muỗi.

– Làm sạch vật chứa nước thường xuyên: Thay nước, cọ rửa vật chứa nước định kỳ, không quá 7 ngày/lần.

– Thay đổi hình thức trữ nước: Dùng trực tiếp từ vòi hoặc bồn chứa có nắp đập kín.

Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết bằng cách nào?

Để chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế uy tín.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn nhận diện được các biểu hiện sốt xuất huyết để kịp thời thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Dù điều trị tại cơ sở y tế hoặc điều trị tại nhà, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị và đơn thuốc của bác sĩ đề việc điều trị sốt xuất huyết đạt hiệu quả. Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết, hãy liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital