Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut gây ra, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên. Ít người biết rằng, những biến chứng bệnh quai bị để lại rất nguy hiểm nên còn chủ quan với tình trạng bệnh.
Thông thường, quai bị là bệnh lành tính, tự khỏi và tạo ra miễn dịch bền vững. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp qua các bụi nước của hơi thở từ bệnh nhân quai bị có viêm tuyến nước bọt.
Sau một thời kỳ ủ bệnh khoảng 14 – 24 ngày mà không có biểu hiện gì đặc biệt là giai đoạn toàn phát của bệnh với các triệu chứng: sốt, nhức đầu, đau mỏi toàn thân, tuyến nước bọt mang tai đau, sưng to gây biến dạng khuôn mặt, da vùng tuyến mang tai bình thường, không nóng đỏ, bệnh nhân thường bị cả hai bên mang tai, người bệnh khó nói, khó nuốt. Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau, nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng lui dần và hết hẳn.
Một số trường hợp bệnh nhân bị biểu hiện khác ngoài tuyến mang tai như: viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp…Đây chính là biến chứng của bệnh quai bị.
Viêm não – màng não: Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 25%, với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật, một số trường hợp có biểu hiện liệt giống sốt bại liệt. Tuy nhiên, diễn tiến của viêm não – màng não quai bị thường ít để lại di chứng.
Viêm tinh hoàn: 20 – 30% các trường hợp gặp ở trẻ em trai trong tuổi dậy thì. Viêm tinh hoàn xuất hiện trong khoảng 7 – 10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Phần lớn viêm tinh hoàn chỉ xảy ra ở một bên với biểu hiện sốt cao, lạnh run, nôn ói, đau bụng, tinh hoàn sưng to và đau nhức. Bệnh nhân đau tinh hoàn sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 – 4 lần bình thường. Thường thì sưng 1 bên, cũng có thể sưng 2 bên. Tình trạng này kéo dài khoảng 3 – 7 ngày thì giảm bớt, sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30 – 40%. Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.
Viêm buồng trứng ở bé gái dậy thì: Đau bụng, rong kinh và thường khó phát hiện hơn viêm tinh hoàn ở nam, chiếm 7% các trường hợp mắc bệnh ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi vô sinh). Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ có thai 3 tháng đầu thì biến chứng bệnh quai bị để lại là gây dị dạng thai, sẩy thai. Nếu mắc bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.
Những biến chứng bệnh quai bị rất nguy hiểm và có thể để lại hậu quả nặng nề, gây vô sinh ở cả nam và nữ. Chính vì thế, khi trẻ có các dấu hiệu quai bị, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán xác định. Nếu đúng là quai bị, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.
Chăm sóc trẻ tại nhà: Hạ nhiệt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm (không được lau bằng nước lạnh). Có thể cho dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Cho uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng. Cho trẻ ăn loãng hoặc ăn bằng ống hút (nếu trẻ nuốt khó). Cho trẻ nằm trên giường với một chai nước nóng bọc trong khăn để áp vào bên má đau. Không được cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị, do đó cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo tại nhà để cải thiện dần tình trạng bệnh.