Bệnh viêm dây thần kinh cổ tay và những vấn đề liên quan

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh viêm dây thần kinh cổ tay đa phần xuất hiện ở người lao động tay chân. Dấu hiệu điển hình ở bệnh lý này là tình trạng đau, tê bì ở cả bàn tay và gan bàn tay tương ứng với các ngón. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn tới những hoạt động thường ngày. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin xoay quanh bệnh lý mà bạn cần biết.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm dây thần kinh ở cổ tay

Viêm dây thần kinh ở cổ tay hay bệnh hội chứng ống cổ tay, là tình trạng chèn ép dây thần kinh ngoại biên gặp khá phổ biến. Hội chứng xuất hiện khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang ống cổ tay. Chèn ép này sẽ gây ra viêm, đau hoặc mất cảm giác.

Tỷ lệ nữ giới mắc phải bệnh lý này được đánh giá cao hơn so với nam giới khoảng 3 lần. Nguyên nhân là do phần cổ tay ở nữ giới nhỏ hơn, vì vậy mà dây thần kinh dễ bị đè ép hơn. Hội chứng này tiến triển khá chậm, chỉ tới khi mức độ chèn ép ảnh hưởng tới chức năng thần kinh thì bệnh nhân mới phát hiện ra.

Bệnh viêm dây thần kinh cổ tay

Theo thống kê thì hội chứng này đa phần xuất hiện ở phụ nữ

Hiện nay số lượng người mắc hội chứng đang ngày càng tăng cao vì nhu cầu công việc đòi hỏi sự linh hoạt và tỉ mỉ hơn ở cổ tay. Theo số lượng thống kê tại Việt Nam hiện nay có tới 50/1000 người mắc phải hội chứng này.

2. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh lý

Nhóm có khả năng cao mắc bệnh là: phụ nữ và người trung niên. Phần lớn bệnh lý này xuất hiện là do các nguyên nhân vô căn. Bên cạnh đó cũng có một vài trường hợp từ các nguyên nhân khác như: nội sinh hay ngoại sinh.

2.1. Nguyên nhân vô căn dẫn tới viêm dây thần kinh cổ tay

Có đến hơn 70% bệnh nhân bị mắc viêm dây thần kinh ở cổ tay mà không rõ nguyên do. Có thể có hiện tượng như viêm bao hoạt dịch, tăng áp lực khoảng gian bào ở bên trong ống cổ tay. Từ đó gây ra chèn ép, viêm dây thần kinh giữa.

Đa phần thì các triệu chứng sẽ giảm đi khi người bệnh sử dụng thuốc chống viêm bằng đường uống hoặc đường tiêm trực tiếp vào vùng bị viêm.

2.2. Nguyên nhân ngoại sinh của viêm dây thần kinh cổ tay

Các nguyên nhân ngoại sinh có thể kể tới như:

– Biến dạng khớp và các chấn thương tại phần cổ tay. Các chấn thương như: gãy đầu dưới của xương quay, gãy xương cổ tay, khớp giả xương thuyền, trật xương nguyệt, trật xoay xương truyền, viêm khớp cổ tay. Tất cả các chấn thương này đều tác động để dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh ở cổ tay.

– Người bị mắc hemophilia, bệnh u tủy.

– Các loại u như: u tế bào khổng lồ bao gân và xương; u máu; nang hoạt dịch; u hạt tophy;… Những u này xâm lấn phần ống cổ tay gây chèn ép và viêm dây thần kinh.

2.3. Những nguyên nhân nội sinh

Các nguyên nhân nội sinh dẫn đến bệnh lý:

– Bị ứ dịch trong quá trình mang thai. Trong thai kỳ, sự ứ đọng về dịch khiến tăng dịch trong phần ống cổ tay. Điều này làm cho áp lực trong các kẽ cổ tay tăng lên và làm chèn ép dây thần kinh.

– Bệnh gout: sự lắng đọng của tinh thể urat tại gân gây phì đại gân. Hoặc khi bị viêm phì đại bao gân do gout cũng dẫn đến chèn dây thần kinh trong cổ tay.

Gout cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm dây thần kinh cổ tay

Gout cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm dây thần kinh ở cổ tay.

– Suy giáp: đây là do sự tích tụ Myxedemateous mô trong dây chằng.

–  Bệnh viêm khớp dạng thấp: làm viêm bao gân màng dịch từ đó gây ra phù nề ứ dịch trong cổ tay.

3. Các triệu chứng điển hình của bệnh lý

Những biểu hiện của hội chứng này khá đa dạng do phần dây thần kinh giữa là dây thần kinh hỗn hợp: cảm giác, vận động và cả kinh thực vật. Do phần dây thần kinh đi từ các rễ của thần kinh ở cột sống cổ, do đó mà các biểu hiện đôi khi bị lẫn lộn hoặc bị “chèn ép kép”.

Nắm rõ các triệu chứng của bệnh sẽ giúp cho việc phối hợp và thăm dò các hình ảnh, điện sinh lý thần kinh. Điều này giúp cho chuẩn đoán và điều trị bệnh được hiệu quả hơn. Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh có thể kể tới như:

3.1. Rối loạn các cảm giác

Khi này bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy tê bì tay chân, dị cảm, hoặc đau buốt như thể kim châm, rát bỏng tại vùng da thuộc chi phối của dây thần kinh giữa. Đặc biệt thể hiện ở các ngón tay như: ngón giữa, ngón trỏ, ngón cái hay nửa ngón áp út. Các triệu chứng sẽ biểu hiện dần từ cổ tay cho tới các ngón tay.

Thường về đêm triệu chứng sẽ tăng lên, làm cho người bệnh trằn trọc khó ngủ, mất ngủ. Hay lúc thực hiện các động tác gập, ngửa cổ tay cũng sẽ đau hơn. Nhất là khi đi xe máy một thời gian dài sẽ làm cơn đau tê kéo dài. Đau sẽ giảm đi khi cổ tay được nghỉ ngơi hay matxa nhẹ nhàng.

3.2. Rối loạn trong vận động

Riêng với biểu hiện này thường sẽ xuất hiện khi bệnh đã kéo dài và đang tiến triển nặng hơn. Những biểu hiện cụ thể có thể nhắc tới như:

– Cầm nắm đồ vật khó khăn, không chắc chắn.

– Mức độ khéo léo của các động tác tay dần giảm đi.

– Dễ đánh rơi hay làm trượt đồ vật.

Khi tình trạng viêm dây thần kinh ở cổ tay kéo dài sẽ khiến cho người bệnh dần bị hẹp đường ống cổ tay, đau, tê bì liên tục. Dần dần người bệnh sẽ bị mất cảm giác ở phần bàn tay, nặng hơn có thể là teo cơ, giảm chức năng vận động.

4. Biện pháp giúp phòng ngừa bệnh

Việc vận động và nghỉ ngơi hợp lý, đúng cách sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng và áp lực lên cổ tay. Đây là cách phòng ngừa hữu hiệu để làm giảm khả năng mắc bệnh. Dưới đây là một số phương pháp cụ teher giúp ngăn ngừa hội chứng này:

– Đối với nhân viên làm các công việc văn phòng: nên lựa chọn máy và chuột phù hợp, với bàn tay. Khi này sẽ giúp bàn tay và cổ tay được thoải mái không bị căng cứng suốt cả ngày.

Làm việc và sử dụng chuột phù hợp

Ngồi làm việc và sử dụng chuột phù hợp cũng giúp ngăn ngừa bệnh

– Thường xuyên để cổ tay, bàn tay được nghỉ ngơi và thư giãn. Thực hiện các động tác co duỗi xoa bóp định kỳ trong ngày từ 10-30 giây. Điều này giúp cho phần cổ và bàn tay được thư giãn và linh hoạt hơn.

– Ngồi làm việc cần đúng tư thế. Nếu ngồi sai tư thế suốt thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở cổ. Khi đó sẽ gây tác động gián tiếp đến các dây thần kinh ở bàn tay.

Mặc dù bệnh lý này không gây nguy hiểm trực tiếp cho tính mạng người bệnh, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm nó có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Vì vậy việc nắm bắt thông tin để chủ động phòng ngừa, phát hiện bệnh sớm là điều vô cùng cần thiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital