Viêm dây thần kinh mắt có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Viêm dây thần kinh mắt còn có tên gọi khác là viêm thị thần kinh. Đây là tình trạng dây thần kinh mắt ubị tổn thương gây ra triệu chứng đau nhức khó chịu và giảm thị lực ở một bên mắt. Tìm hiểu về bệnh viêm thị thần kinh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị.

1. Viêm dây thần kinh mắt là gì?

Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi của dây thần kinh sọ. Chúng có chức năng là dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ mắt về thùy chẩm ở não để phân tích. Hai mắt sẽ có hai dây thần kinh và có đường đi đối xứng nhau.

Viêm thị thần kinh là tình trạng viêm, nhiễm khuẩn trên một bộ phận, một điểm hoặc toàn bộ dây thần kinh thị giác. Bệnh thường xảy ra ở một bên mắt và có triệu chứng là đau và giảm thị giác.

Bệnh thường gặp ở phụ nữ dưới 45 tuổi và nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam. Bệnh khởi phát sau khi bị nhiễm virus hoặc là nhiễm khuẩn, chấn thương, nấm, u,…

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm các bó sợi thần kinh trong mắt gây ra đau nhức và giảm thị lực

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm các bó sợi thần kinh trong mắt gây ra đau nhức và giảm thị lực

2. Triệu chứng của bệnh viêm dây thần kinh thị giác

Thường thì viêm dây thần thị giác chỉ bị ở 1 dây thần kinh nên triệu chứng cũng xuất hiện ở một bên mắt độc lập. Các triệu chứng viêm thị thần kinh phổ biến nhất là:

– Đau nhức: Hầu hết những người bị viêm dây thần kinh thị giác đều gặp tình trạng đau mắt. Đôi khi bạn sẽ có cảm giác đau âm ỉ ở sau mắt và cơn đau sẽ tăng lên khi chuyển động mắt.

– Giảm hoặc mất thị lực ở một bên mắt: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh. Hầu hết người bệnh sẽ bị giảm thị lực tạm thời với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tình trạng này sẽ xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày, sau đó hồi phục dần dần từ vài tuần đến vài tháng. Có một số trường hợp, người bệnh bị giảm thị lực vĩnh viễn.

– Mất khả năng nhận biết màu sắc: Viêm dây thần kinh mắt làm giảm độ nhạy của tế bào thần kinh trên võng mạc. Vì thế, khả năng nhận biết màu sắc của mắt cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh sẽ thấy hình ảnh kém sinh động hoặc không thể phân biệt màu sắc.

– Ánh sáng nhấp nháy: Một số người bệnh sẽ nhìn thấy những ánh sáng nhấp nháy, không có thực khi chớp hoặc chuyển động mắt.

– Giảm tầm nhìn: Khi bị viêm thị thần kinh, không gian quan sát tối đa của mắt bị ảnh hưởng sẽ thu hẹp lại hoặc biến mất hoàn toàn.

Viêm dây thần kinh thị giác gây ra đau một bên mắt và mất thị lực. Ngoài ra, bệnh còn đi kèm một số triệu chứng khác như rối loạn tri giác, yếu chi,… Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường này bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Giảm thị lực ở một bên mắt là một trong những triệu chứng của viêm thị thần kinh

Giảm thị lực ở một bên mắt là một trong những triệu chứng của viêm thị thần kinh

3. Những nguyên nhân nào dẫn đến viêm dây thần kinh thị giác?

Hầu hết các trường hợp viêm thị thần kinh đều là vô căn. Còn lại, các trường hợp có nguyên nhân thì thường liên quan đến các bệnh thần kinh như:

– Bệnh đa xơ cứng: Đa xơ cứng là một bệnh lý tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tự tấn công vào vỏ bao sợi thần kinh của tủy sống và não. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm thần kinh thi giác. 

– Nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra viêm dây thần kinh thị giác là: quai bị, sởi, lao, bệnh Lyme, zona, giang mai, viêm xoang, viêm màng não,…

– Viêm tủy – thị thần kinh

– Phản ứng sau khi tiêm chủng

– Thuốc: Một số loại thuốc thúc đẩy quá trình viêm dây thần kinh thị giác.

4. Viêm thị thần kinh có nguy hiểm không?

Các biến chứng có thể gặp phải khi bị viêm dây thần kinh thị giác:

– Giảm thị lực: Hầu hết người bệnh có thể lấy lại được thị lực hoàn toàn trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, tình trạng không phân biệt được màu sắc thì có thể kéo dài hoặc không hồi phục. Có nhiều trường hợp, người bệnh bị giảm thị lực vĩnh viễn dù tình trạng viêm đã được điều trị

– Tổn thương dây thần kinh: Hầu hết các bệnh nhân sẽ bị tổn thương vĩnh viễn trên dây thần kinh sau một đợt viêm. Nếu tình trạng này không được theo dõi và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

– Tác dụng phụ của thuốc: Sau khi điều trị viêm dây thần kinh thị giác, có thể xảy ra tình trạng “nhờn” thuốc khiến cơ thể người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, thuốc còn gây ra các tác dụng phụ như tăng cân, viêm loét dạ dày, loãng xương, rối loạn tiêu hóa,…

5. Chẩn đoán và điều trị

Viêm thị thần kinh gặp tương đối ít và cũng có khả năng hồi phục cao. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những di chứng nặng nề.

5.1 Chẩn đoán viêm dây thần kinh mắt

Các triệu chứng và tiền sử là cơ sở để chẩn đoán viêm thị thần kinh. Người bệnh cần khám toàn diện như: tai – mũi – họng, dị ứng, thần kinh, truyền nhiễm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như:

Chụp cắt lớp quang học để thấy được hình ảnh các dây thần kinh ở mặt sau của mắt

– Chup MRI não để thấy được hình ảnh chi tiết của não

– Chụp CT để thấy các hình ảnh cắt ngang của bộ não và các bộ phận khác của cơ thể

Thuốc steroid có tác dụng làm giảm viêm dùng để điều trị viêm dây thần kinh mắt

Thuốc steroid có tác dụng làm giảm viêm dùng để điều trị viêm dây thần kinh mắt

5.2 Điều trị viêm dây thần kinh mắt

Do có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm thị thần kinh nên người bệnh cần được khám toàn diện và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Khi nghi ngờ bị viêm thị thần kinh, bạn cần ngừng ngay việc dùng các chất gây nhiễm độc thần kinh.

Tại mắt cần giải quyết rối loạn tuần hoàn, chống viêm và chống nhiễm trùng. Sau khi chẩn đoán và xác định nguyên nhân, bác sĩ thường sẽ chỉ định dùng thuốc corticoid. Đây là loại thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Loại thuốc này có thể dùng được cả dạng uống lẫn dạng tiêm.

Ngoài ra, tùy vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc giãn mạch. Các tác dụng phụ thường gặp là: rối loạn giấc ngủ, tâm trạng thay đổi, đau dạ dày,…

Các phương pháp điều trị viêm thị thần kinh bao gồm:

– Sử dụng thuốc chống viêm corticosteroid

– Truyền tĩnh mạch immunoglobulin

– Tiêm interferon

Lưu ý, các loại thuốc cần được kê bởi bác sĩ và bệnh nhân cần tuân thủ đúng các chỉ định để cho hiệu quả cao nhất.

Tóm lại, viêm thị thần kinh là một bệnh mắt nặng, khả năng tái phát cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng trong việc phục hồi thị giác, tránh để lại biến chứng và tái phát.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital