Viêm dây thần kinh: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

6.2.Viêm dây thần kinh là bệnh khá phổ biến, tuy nhiên triệu chứng bệnh rất khó phân biệt, nên người bệnh cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

1. Viêm dây thần kinh là bệnh gì?

Hệ thống thần kinh ngoại biên là cơ quan gửi thông tin từ não và tủy sống đến các phần khác trong cơ thể. Ngoài ra, các dây thần kinh ngoại biên còn gửi thông tin cảm giác về hệ thống thần kinh trung ương để cảm nhận và phân tích.

Viêm dây thần kinh là hậu quả của những tổn thương dây thần kinh ở bên ngoài não và tủy sống. Nguyên nhân có thể do chấn thương, nhiễm trùng, tiếp xúc với chất độc, chuyển hóa hoặc di truyền. Nguyên nhân được xem là phổ biến nhất là bệnh tiểu đường.

Bệnh lý này sẽ gây đau, tê và suy yếu vận động ở tay và chân. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến những khu vực khác trên cơ thể.

Người mắc bệnh bắt đầu đi khám khi xuất hiện những cơn đau như châm chích hoặc ngứa ran với tần suất cao. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng bệnh có thể tự cải thiện hay tái phát, lặp lại nhiều lần trước khi trở thành bệnh vĩnh viễn.

Viêm dây thần kinh là bệnh thường gặp

Viêm dây thần kinh là bệnh thường gặp, nhưng khá khó để phát hiện sớm

2. Triệu chứng viêm dây thần kinh như thế nào?

Bệnh có thể biểu hiện thành nhiều nhóm triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng.

2.1. Tổn thương thần kinh cảm giác

Bệnh viêm dây thần kinh gây tổn thương đến thần kinh cảm giác hoặc khi vận động sẽ gây ra các triệu chứng ở chân hoặc tay. Phần đầu chi biểu hiện rõ hơn phần gốc chi với các đặc điểm sau:

– Ngứa ran, cảm giác châm chích như kim châm

– Tê, cảm giác đóng băng

– Đau chói

– Khó cử động tay chân

Rối loạn giấc ngủ

– Tăng nhạy cảm đau hoặc mất cảm giác đau

– Mất khả năng cảm nhận sự thay đổi nhiệt độ

– Thiếu sự phối hợp thực hiện các động tác

– Thay đổi các đặc điểm trên tóc, da hoặc móng tay

– Nhiễm trùng da, móng tay, viêm loét bàn chân, ngón chân

– Yếu cơ, co giật cơ bắp

Tổn thương thần kinh cảm giác gây rối loạn giấc ngủ

Tổn thương thần kinh cảm giác khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ

2.2. Tổn thương thần kinh tự chủ

Triệu chứng tổn thương thần kinh tự chủ không ảnh hưởng riêng biệt ở một vùng cơ thể xác định nào, mà tác động toàn thân với những biểu hiện sau:

– Không dung nạp nhiệt độ

– Tăng tiết mồ hôi bất thường

– Tiểu không tự chủ hay rối loạn bàng quang

– Rối loạn chức năng tiêu hóa, khó ăn, khó nuốt

– Chóng mặt, khó thở

– Thay đổi huyết áp tư thế

– Mạch nhanh hay chậm

3. Viêm dây thần kinh do đâu?

Có nhiều bệnh lý liên quan dẫn tới tình trạng viêm dây thần kinh như:

– Bệnh amyloidosis

– Bệnh celiac

– Bệnh Charcot-Marie-Tooth

– Bệnh đái tháo đường

– Bạch hầu

– Hội chứng Guillain Barre

– Bệnh viêm gan siêu vi B

– Bệnh viêm gan siêu vi C

– Nhiễm HIV/AIDS

– Bệnh thận mạn

– Suy giáp

– Bệnh phong

– Bệnh gan mạn

– Bệnh Lyme

– Ung thư hạch lympho

– U tủy xương

– Thiếu máu ác tính

– Thiếu máu do thiếu vitamin B

– Phơi nhiễm chất phóng xạ

Viêm khớp dạng thấp

4. Biến chứng do viêm dây thần kinh gây nên?

Các biến chứng thường người bệnh thường gặp bao gồm:

– Mất thăng bằng: Khả năng giữ thăng bằng và phối hợp kém đi. Đồng thời, các cơ yếu đi, làm gia tăng các trường hợp té ngã dẫn tới chấn thương nặng nề.

– Bỏng và tổn thương da: Triệu chứng viêm có thể khiến người bệnh bị tê và không cảm thấy đau hoặc thay đổi nhiệt độ. Điều này có thể vô tình gây bỏng, tổn thương cho da.

– Nhiễm trùng: Các chấn thương, vết cắt, vết bỏng, nhất là ở chân và bàn chân, nếu không được bảo vệ và vệ sinh đúng cách sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5. Phương pháp chữa trị viêm dây thần kinh

Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tùy theo mức độ, triệu chứng, thể viêm mà người bệnh mắc phải:

5.1. Dùng thuốc điều trị viêm dây thần kinh

Dùng thuốc giúp cải thiện, giảm các triệu chứng bệnh. Một số loại thuốc được sử dụng là thuốc giảm đau, thuốc trầm cảm, thuốc chống động kinh… Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp để người bệnh đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, đồng thời hạn chế xảy ra tác dụng phụ.

5.2. Vật lý trị liệu điều trị viêm dây thần kinh

Đối với một số bệnh nhân, song song với việc dùng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, để mang đến hiệu quả tốt nhất. Một số liệu pháp kích thích dây thần kinh nhằm mục đích giảm đau cho người bệnh.

Các bài tập vật lý trị liệu điều trị viêm dây thần kinh

Các bài tập vật lý trị liệu hỗ trợ người bệnh điều trị và phục hồi tốt hơn

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch. Điều này sẽ ức chế hoạt động miễn dịch nếu người bệnh gặp tình trạng viêm do bệnh lý tự miễn.

Trong trường hợp,  dây thần kinh do chèn ép, bác sĩ có thể tính đến phương pháp phẫu thuật giải phóng sợi thần kinh khỏi áp lực. Đồng thời phẫu thuật cũng sẽ ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn.

6. Phòng ngừa viêm dây thần kinh như thế nào?

Để ngăn ngừa bệnh lý này người bệnh cần chủ động kiểm soát các vấn đề sức khỏe hay bệnh lý có nguy cơ gây bệnh. Các bệnh vấn đề như nghiện rượu hoặc bệnh lý tiểu đường, viêm khớp dạng thấp. Song song đó, người bệnh cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh, tạo thói quen hỗ trợ sức khỏe thần kinh như sau:

6.1. Ăn uống đủ dinh dưỡng

Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các thực phẩm giàu protein để giúp hệ thần kinh luôn khỏe mạnh. Cung cấp đủ vitamin B12 bằng cách ăn bổ sung cá, thịt, trứng, thực phẩm từ sữa ít béo và ngũ cốc. Nếu là người ăn chay, người bệnh có thể tăng cường vitamin B12 bằng cách sử dụng nguồn đạm từ thực vật.

6.2. Tập thể dục

Tập luyện thường xuyên ít nhất 30 phút cho đến một giờ, tần suất ít nhất ba lần trong một tuần.

6.3. Tránh các yếu tố có thể làm tổn thương thần kinh

Một số các chuyển động lặp đi lặp lại tại một vị trí khớp xương trong thời gian dài có thể làm tổn thương dây thần kinh. Bên cạnh đó, việc mặc trang phục bó sát, chật chội cũng gây áp lực lên dây thần kinh. Ngoài ra, tiếp xúc với hóa chất độc hại, uống nhiều rượu, hút thuốc lá cũng sẽ khiến dây thần kinh yếu đi.

Nhìn chung, bệnh nổi bật với các triệu chứng rối loạn cảm giác như đau, tê, châm chích và các rối loạn vận động, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh nên chủ động phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bằng cách kiểm soát tốt bệnh lý có sẵn. Ngoài ra, mỗi người cần xây dựng những thói quen, chế độ dinh dưỡng khoa học, vừa tránh tổn thương sợi thần kinh, vừa bảo vệ sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital