Bệnh lao ở trẻ em chiếm tỷ lệ 10 – 15% trong số những trường hợp bệnh lao hàng năm, đặc biệt là trẻ sơ sinh do sức đề kháng yếu. Chính vì thế, việc hiểu đúng về bệnh lao sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách phòng ngừa bệnh cho trẻ hiệu quả.
Menu xem nhanh:
Bệnh lao ở trẻ em lây qua đường hô hấp
Trẻ bị lao thường có nguồn lao từ người thân (trong các gia đình nghèo, điều kiện sống chật chội, những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch suy giảm) chiếm đến 70% và chủ yếu lây qua đường hô hấp.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, nhà trẻ, khu đông dân cư…
Việc chẩn đoán lao, tìm ra vi khuẩn lao ở trẻ em thường khó hơn so với người lớn vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.
Những thể bệnh lao ở trẻ thường gặ
Lao sơ nhiễm: Thường gặp nhiều nhất. Sơ nhiễm lao thông thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng cảm cúm thoáng qua như: nóng sốt, mệt mỏi, chán ăn…
Lao cấp tính: Trong đó lao màng não, lao kê cấp tính là hai biến chứng nặng và sớm của sơ nhiễm lao dễ dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và để lại di chứng trầm trọng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở trẻ nhỏ.
Lao kê: Là lao cấp ở phổi, xuất hiện trong những tuần đầu sau lao sơ nhiễm với triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, tím tái. Trẻ bị lao kê thường dễ dẫn đến lao màng não.
Lao đường hô hấp sau sơ nhiễm: Bao gồm lao màng phổi (hiếm gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, thường xảy ra ở trẻ lớn, 6 tháng sau sơ nhiễm lao), với triệu chứng mệt, sút cân, ho, đau tức ngực và lao phổi với triệu chứng sốt nhẹ về chiều, mệt, chán ăn, sút cân, tức ngực, ho có đờm hay có máu.
Lao ngoài phổi: Thường là biến chứng chậm hơn sau lao sơ nhiễm.
Có nhiều dạng lao ngoài phổi như lao cột sống: giai đoạn đầu thường trẻ có biểu hiện đau vùng cột sống rồi từ từ gù lưng; Lao xương khớp: trẻ bị sưng đau khớp và chảy mủ ở xương khớp rò ra ngoài da; Lao hệ niệu: trẻ có triệu chứng đi tiểu ra máu, thường kèm theo sưng tinh hoàn nếu là bé trai; Lao hạch: nổi hạch thường từng chùm, dính, nếu để muộn sẽ gây rò mủ làm sẹo xấu; Lao ruột: đi tiêu lỏng hoặc đi tiêu ra đờm, máu kéo dài.
Cách điều trị bệnh
Về điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn, tuy nhiên, cha mẹ cần phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng với hướng dẫn của bác sĩ, điều trị đủ thời gian, đủ liều lượng do bác sĩ chỉ định.
Bệnh lao ở trẻ em có thể chữa lành kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc.
Phòng bệnh lao cho trẻ bằng tiêm vắc xin
Để phòng bệnh, sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vắc-xin phòng lao. Vắc-xin phòng bệnh lao cho trẻ được chống chỉ định trong các trường hợp: Đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân. Nếu tiêm vắc xin muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.