Tỷ lệ bệnh hen phế quản ở trẻ em hiện đang ở ngưỡng khá cao. Cha mẹ không nên chủ quan mà cần phải tìm hiểu nguyên nhân bệnh cũng như cách điều trị thế nào để bảo vệ trẻ khỏi nguy hiểm mỗi khi cơn hen tái phát.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về bệnh hen phế quản
1.1. Bệnh hen phế quản ở trẻ được định nghĩa như thế nào?
Bệnh hen phế quản là trạng thái đường thở bị viêm nhiễm mạn tính, gây ra co thắt, phù nề, tăng tiết dịch đờm trong đường thở. Trẻ khi bị hen phế quản sẽ có những triệu chứng rất đặc trưng như khò khè, khó thở, tức ngực và ho nhiều.
Trẻ em mắc hen phế quản chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 11 đến 13 tuổi là nhiều nhất. Hầu hết những trẻ mắc phải hen phế quản thường đã có những biểu hiện sớm từ khi lên 5 tuổi. Những triệu chứng phát ra của mỗi trẻ sẽ khác nhau nhưng đều là những vấn đề khiến trẻ cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Nhiều trường hợp trẻ vừa mới lên cơn hen đã phải nhập viện cấp cứu vì suy hô hấp. Bệnh hen không có cách để chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh bằng cách cha mẹ cho trẻ thăm khám thường xuyên, ngăn ngừa sự phát triển các tổn thương ở phổi của trẻ.
1.2. Nguyên nhân nào gây nên bệnh hen phế quản ở trẻ em?
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản hoặc là sự phối hợp giữa những yếu tố nguy cơ. Nhưng trong số đó nguyên nhân dị ứng là phần nhiều, sau đó đến các nguyên nhân về di truyền và môi trường. Cụ thể những nguyên nhân gây nên bệnh hen phế quản như sau:
– Trẻ dị ứng với những yếu tố thường có trong nhà như: lông vật nuôi, bụi vải quần áo, phấn hoa, nước hoa, hương thắp bàn thờ,…khi trẻ hít phải những loại dị nguyên ngày có thể sẽ kích hoạt cơn hen của trẻ.
– Do di truyền trong gia đình như bố mẹ, ông bà, cô chú bác có người từng bị bệnh hen phế quản hoặc bệnh liên quan đến dị ứng như chàm da.
– Do trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA…dẫn đến trẻ bị hen phế quản.
– Nếu thể trạng của trẻ yếu do sinh non, sinh thiếu tháng thì khả năng trẻ mắc bệnh này cũng không hiếm.
– Do trẻ bị tiếp xúc với khói thuốc lá từ khi còn là thai nhi cho đến khi trẻ đã sinh ra đời thì đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
– Do khí hậu thời tiết làm cho trẻ bị cảm lạnh, ho dai dẳng lâu ngày cũng khiến cho cơn hen bị kích hoạt.
1.3. Triệu chứng của hen phế quản như thế nào?
Các triệu chứng ở trẻ mắc bệnh không hoàn toàn giống nhau, thậm chí ở một trẻ khi mắc bệnh nhiều đợt cũng có sự khác nhau. Nhìn chung các triệu chứng của bệnh hen phế quản sẽ là:
– Có nhiều cơn ho dài ngày không dứt, ho nhiều về đêm. Điều này do đường thở của trẻ bị thu hẹp lại nên trẻ khó thở, thiếu không khí, buộc trẻ phải ho để tách đường thở ra.
– Trẻ có dấu hiệu khó thở và thở khò khè, có tiếng rít của không khí mỗi khi trẻ thở ra hít vào.
– Trẻ có dấu hiệu khó khăn khi ăn uống vì đường thở bị bít lại khiến trẻ khó nuốt
– Trẻ bỏ ăn, chán ăn do cảm giác khó ăn khiến cho trẻ không còn hứng thú trong chuyện ăn uống
– Hen phế quản cũng khiến cho trẻ cảm thấy mệt mỏi, uể oải không muốn hoạt động, đồng thời sức đề kháng của trẻ cũng sẽ bị giảm sút, trẻ dễ bị bệnh hơn nhất là những khi thời tiết thay đổi.
1.4. Biến chứng cần chú ý của bệnh hen phế quản
Bệnh hen phế quản thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Tuy nhiên, nếu người lớn đã từng bị hen phế quản lúc nhỏ tuổi thì khả năng bệnh sẽ giảm đi chứ không phải đã hết hoàn toàn. Nếu không chú ý kiểm soát, bệnh hen có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào và có thể gây nên những biến chứng như:
– Phổi của trẻ bị xẹp lại, khiến cho dung tích không khí có thể lưu thông trong phổi giảm xuống. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ sau này. Cha mẹ nên lưu ý, kiểm soát bệnh không cho biến chứng này xảy ra.
– Phế nang giãn rộng nên rất dễ bục vỡ mỗi khi trẻ ho nhiều
– Suy hô hấp cũng là một biến chứng rất nguy hiểm mà nhiều cha mẹ cần quan tâm. Suy hô hấp khiến cho trẻ không thể tự thở được mà cần đến sự hỗ trợ của máy thở oxy. Trẻ bị suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tím tái, thiếu oxy máu, thiếu oxy lên não có thể ảnh hưởng đến trí não của trẻ thậm chí có thể khiến trẻ tử vong.
2. Những thắc mắc về căn bệnh hen phế quản mà có thể nhiều cha mẹ chưa biết
2.1. Bệnh hen phế quản liệu có khả năng chữa khỏi?
Khi con bị hen phế quản, cha mẹ nào cũng sẽ thắc mắc liệu bệnh này có thể chữa khỏi được không. Thực tế, căn bệnh này không thể chữa khỏi được hoàn toàn nhưng bệnh lại có thể kiểm soát được nếu sử dụng các biện pháp điều trị hiệu quả, thích hợp với tùy từng thể trạng của mỗi trẻ. Với phương án điều trị hen, trẻ có thể được kiểm soát cơn hen phế quản và ngăn chặn tối đa những biến chứng của căn bệnh này có thể xảy ra.
Cũng có những trường hợp bệnh nhân khi còn nhỏ tuổi bị hen phế quản nhưng khi lớn lên thì cơn hen hầu như không còn xuất hiện hoặc được kiểm soát tốt thì có thể coi như một trường hợp tự khỏi.
Những trường hợp có thể tự khỏi như:
– Trẻ dưới 5 tuổi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh hen phế quản nhưng đến tuổi trưởng thành thì không còn xuất hiện cơn hen lần nào nữa
– Trẻ bị hen ở mức độ nhẹ do các dị nguyên đơn giản thì chỉ cần hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với những dị nguyên đó thì khả năng trẻ bị hen trở lại là khá thấp.
2.2. Phải làm gì nếu trẻ lên cơn hen phế quản
Nếu trẻ có biểu hiện bị lên cơn hen phế quản cấp tính, cần đưa trẻ đến những nơi có không gian thoáng đãng trong lành
Khi trẻ bị lên các cơn co thắt nhẹ có thể cho trẻ khí dung các loại thuốc giãn phế như: ventolin, atrovent, bricanyl…Với những trẻ có dấu hiệu co thắt nặng cần dùng loại bình xịt trực tiếp hoặc bình xịt qua buồng đệm với những trẻ nhỏ tuổi.
Khi trẻ đã lên cơn hen, sau khi cấp cứu đường thở kịp thời, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng cơn hen, tránh biến chứng mà cha mẹ không nắm được.
Trên đây là những thông tin về căn bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ. Hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho cha mẹ trong việc chăm sóc và ngăn ngừa trẻ bị bệnh hen.